Giải pháp ứng phó hạn, mặn từ các nhà khoa học
Trước diễn biến của hạn, mặn, các nhà khoa học đưa ra nhiều giải pháp để nông dân có thể áp dụng nhằm kịp thời ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời, nông dân có thể áp dụng các giải pháp mà các nhà khoa học đề ra để phục hồi cây trồng sau hạn, mặn.
HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG CỦA HẠN, MẶN
Trong mùa khô 2023 - 2024, ngành Nông nghiệp cần bảo vệ an toàn 100% diện tích cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang, trước mắt tập trung bảo vệ trên 35.000 ha cây ăn trái mẫn cảm. Do đó, ngành Nông nghiệp đã triển khai các giải pháp, công trình và phi công trình, trong đó có Hội thảo Giải pháp ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn cho vùng sản xuất cây ăn trái mùa khô năm 2023 - 2024 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và nông dân các huyện phía Tây của tỉnh.
Ao trữ nước là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân đảm bảo nước tưới vườn trong mùa hạn, mặn. |
Tại hội thảo này, các nhà khoa học đã hướng dẫn, giới thiệu nhiều giải pháp hạn chế ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng. Trong đó, việc giữ cho vườn không bị nhiễm mặn và giữ nước ngọt trong mương vườn là bước quan trọng nhất.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, liếp vườn ở những vùng đất nhiễm mặn phải rộng và trồng cách xa bờ mương để ít bị thiệt hại khi mương vườn bị mặn. Ngay cả việc trồng giống cây ăn trái chịu mặn giỏi cũng không nên đưa nước mặn vô mương vườn, vì nước mặn thấm vô hai bên bờ liếp, mau dẫn lên mặt liếp, nước bốc hơi mặn sắc lại làm độ mặn trong đất tăng lên gấp nhiều lần gây hại cây trồng và làm đất bị mặn nhiều năm sau đó. Nông dân cần gia cố cống đập, đê bao và bờ bao ngăn mặn, cần phải tấn nylon để mặn không xâm nhập vào vườn. Việc trữ nước ngọt trong mương vườn lúc nào cũng phải đầy. Nếu được, nông dân nên sử dụng một đoạn kinh, rạch, ao để trữ thêm nước, bảo đảm đủ nước tưới cho cây trong suốt mùa nắng.
Trước mỗi lần đưa nước vào mương vườn, người dân phải đo lại độ mặn, cùng với đó, nông dân cũng cần chú trọng việc ngăn chặn thất thoát nước bằng cách phủ nylon hay màng phủ nông nghiệp lên mặt nước. Liếp vườn cần phải làm sạch cỏ, phủ liếp bằng những vật liệu có sẵn tại địa phương như rơm rạ, lá dừa, lá mía… Ngoài ra, nông dân cần tỉa bỏ những lá nằm khuất trong tán, quang hợp kém, để giảm lượng nước mất do thoát hơi.
Bên cạnh việc ngăn mặn xâm nhập vườn cây, việc tưới nước sau cho tiết kiệm và hiệu quả cũng được các nhà khoa học giới thiệu và đã thực nghiệm. Vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã thực nghiệm mô hình tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân trên cây sầu riêng tại 2 hộ nông dân ở ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy với tổng diện tích 2 ha trồng sầu riêng Ri6.
Theo Tiến sĩ Trần Thái Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, kết quả thực nghiệm mô hình đã bước đầu cho kết quả về mức nước tưới và lượng phân bón cho cây trồng, hỗ trợ người nông dân tham khảo thực hiện. Mô hình thực nghiệm đã xây dựng được phần mềm điều khiển tưới nước kết hợp bón phân theo độ ẩm đất, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, mô hình còn phục vụ dự báo khí hậu trong vòng bán kính khoảng 50 - 100 km, gần khu vực mô hình để phục vụ người nông dân trong việc quyết định điều khiển tưới nước trong tương lai.
PHỤC HỒI VƯỜN SAU NHIỄM MẶN
Việc phục hồi vườn cây, đặc biệt là cây sầu riêng không may bị nhiễm mặn là vấn đề được nông dân quan tâm. Vườn cây ăn trái bị mặn là một tai nạn, không những gây tổn thương trước mắt cho cây mà di chứng làm cho đất xấu đi nhiều năm sau đó.
Nông dân cần kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào mương vườn trong mùa hạn, mặn. |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ, nhà vườn cần tỉa bỏ bớt cành lá, bông, trái, nhất là đọt non nhằm làm giảm tiêu hao nước qua thoát hơi và giảm tiêu hao dinh dưỡng trong cây. Nông dân cần che phủ mặt liếp bằng những vật liệu có sẵn tại địa phương hay màng phủ nông nghiệp. Nông dân nên phun các chế phẩm có hormone brassinolide hay humic acid để tăng khả năng chịu mặn cho cây. Để cung cấp dinh dưỡng cho cây, nông dân nên phun phân KNO3 qua lá với nồng độ là 10 g/L, phun ướt đẩm cả 2 mặt lá.
Theo Viện cây ăn quả miền Nam, sau hạn, mặn, nông dân cần kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, từ đó đề ra kế hoạch để phục hồi vườn cây. Nếu vườn có nhiều cây chết và tỷ lệ cây bị thiệt hại nặng thì nên phá bỏ, trồng mới hay chuyển sang cây trồng khác. Còn nếu việc duy trì vườn cây vẫn còn hiệu quả thì tiến hành trồng dặm, hoặc chăm sóc để hồi phục vườn cây.
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam, tùy theo mức độ ảnh hưởng của hạn, mặn và mức độ thiệt hại của vườn cây ăn quả mà nông dân cần có giải pháp chăm sóc phù hợp. Cụ thể, nông dân cần cắt tỉa những cành khô héo, cành chết, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh; không nên xử lý cho cây ra nhiều hoa, tỉa bỏ bớt hoặc toàn bộ số quả trên cây tùy theo mức độ lá bị rụng ít hay nhiều do ảnh hưởng của mặn.
Nhà vườn cần sử dụng nguồn nước ngọt để tưới nhằm rửa trôi lượng muối đã tích tụ trong đất, giúp bộ rễ cây sớm phục hồi. Bên cạnh đó, nông dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học để tưới vào đất kích thích cây ra rễ non, phun phân bón lá để hổ trợ dinh dưỡng cho bộ lá non, kết hợp bón phân hữu cơ để cung cấp thêm dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Khi bộ rễ mới cơ bản được hình thành thì sử dụng phân lân, phân NPK, trung vi lượng sẽ giúp cây sớm hồi phục.
CAO THẮNG