Nỗ lực bơm chuyền "giải khát" cho cây trồng
Tình hình hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn ra gay gắt. Mặn xâm nhập sâu, hệ thống cống ngăn mặn phải vận hành đóng nên dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt sản xuất. Trước tình hình này, để bảo vệ sản xuất, nhiều nông dân đang chủ động bơm chuyền nước ngọt để tưới cho cây trồng.
Anh Nguyễn Văn Hạng (ấp Bình Hưng, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cùng các hộ dân xung quanh tự bỏ kinh phí ra bơm chuyền nước để tưới cho cây trồng. |
Những ngày qua, do mặn xâm nhập sâu nên hệ thống cống dọc sông Tiền từ huyện Gò Công Đông đến huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang phải đóng ngăn mặn. Nước ngọt khan hiếm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Qua ghi nhận, hiện một số khu vực ở các xã phía Tây của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang như: Bàn Long, Phú Phong… đang bị thiếu nước sản xuất cục bộ.
KHÓ KHĂN
Theo ghi nhận, hiện nhiều nhà vườn ở xa tuyến kinh lớn tại xã Phú Phong đang gặp khó khăn về nước tưới. Anh Trần Hữu Tín (ấp Phú Ninh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành) cho biết: “Vườn nhà tôi có diện tích 6.000 m2, trong đó có hơn 4.000 m2 sầu riêng đã được 1 năm tuổi. Vườn cách sông Phú Phong hơn 700 m và đang bị thiếu nước tưới, do nước từ sông lớn không thể vào đến mương vườn. Thời gian qua, do không có nước tưới nên tôi không sử dụng máy bơm tưới nước cho cây trồng, mà chỉ tưới cầm chừng bằng tay nhằm tiết kiệm nước và để cỏ giữ ẩm cho cây; đồng thời, tiến hành nạo vét mương vườn để lấy bùn đắp vào mặt liếp. Vừa qua, hệ thống cống lớn vận hành mở nên nước vào mương vườn được chút ít. Tuy nhiên, nếu tình hình hạn, mặn kéo dài, cống tiếp tục đóng thì nước tưới cho cây trồng sẽ gặp khó khăn”.
Vườn sa pô của anh Trần Hữu Tín (ấp Phú Ninh, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đang dần cạn nước tưới. |
Trước tình hình khó khăn về nước sản xuất, một số nông dân đã chủ động bơm chuyền nước từ các sông lớn vào các kinh, rạch nhỏ để cung cấp nước cho mương vườn. Hơn 1 tuần qua, vườn sầu riêng 10 năm tuổi của ông Đào Văn Chính (ấp Long Thành A, xã Bàn Long, huyện Châu Thành) đang thiếu nước tưới. Theo ông Chính, do cống Phú Phong và Rạch Gầm đóng ngăn mặn nên áp lực nước vào kinh, rạch nội đồng ít. Mực nước ở các rạch dẫn nước từ các kinh lớn vào nội đồng thấp nên không thể vào mương vườn.
“Để có nước tưới cho vườn sầu riêng, tôi đã chủ động đặt máy bơm nước ở ấp Phú Ninh, xã Phú Phong bơm chuyền nước vào mương vườn qua đường ống dài 800 m. Những ngày gần đây, dù hệ thống cống ngăn mặn có vận hành lấy gạn, nhưng lượng nước vẫn còn ít. Tôi mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có giải pháp đồng bộ trong việc lấy nước giữa kinh lớn và các cống kinh nội đồng để bảo đảm nước tưới và xổ xả”, ông Chính cho biết.
Theo Chủ tịch UBND xã Bàn Long Nguyễn Văn Tuấn, toàn xã có hơn 817 ha cây ăn trái với 2 loại cây chủ lực là sầu riêng và sa pô; trong đó, cây sầu riêng chiếm hơn 400 ha. Tình hình nước tưới tiêu những ngày gần đây ổn định. Việc thiếu nước tưới chỉ xảy ra cục bộ tại các vườn ở sâu trong nội đồng. Thời gian qua, UBND xã đã liên tục tổ chức đo mặn ở các cửa kinh, rạch dẫn nước vào xã để thông báo cho người dân chủ động trong sản xuất. Ngoài ra, UBND xã cũng đã tổ chức 7 điểm bơm chuyền nước để đảm bảo nhu cầu nước tưới tiêu của người dân.
CỐ GẮNG VƯỢT QUA
Cũng tại huyện Châu Thành, xã Long Hưng hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 960 ha, chủ yếu là cây ăn trái. Hiện nông dân trên địa bàn xã cũng đang gặp khó khăn do mực nước ở các kinh, rạch nội đồng giảm mạnh. Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng Lê Văn Tôn cho biết, UBND xã đã chỉ đạo cho Ban quản lý các ấp rà soát các vị trí bơm chuyền nước để đảm bảo nước tưới cho người dân trong mùa hạn, mặn. Hiện UBND xã đang triển khai 20 điểm bơm chuyền tại 9 ấp của xã để kịp thời cấp nước cho người dân.
TP. Mỹ Tho tổ chức nhiều điểm bơm chuyền nước ngọt vào kinh nội đồng. |
Còn tại TP. Mỹ Tho, những ngày qua, các cống trên địa bàn thành phố đều đóng để ngăn mặn dẫn đến mực nước ở các tuyến kinh nội đồng xuống thấp. Điều này ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất nông nghiệp của người dân. Theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, thời gian qua, đơn vị đã liên tục phát thông báo tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các phường, xã tuyên truyền, vận động người dân bơm trữ nước và có biện pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn kéo dài.
Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp trước tình trạng hạn, mặn gay gắt, TP. Mỹ Tho đã tổ chức đắp đập bơm chuyền nước ngọt vào các tuyến kinh nội đồng. Cụ thể, tại xã Tân Mỹ Chánh dự kiến bơm 8 điểm và hiện đang bơm 6 điểm; xã Mỹ Phong dự kiến bơm 13 điểm, đang bơm 5 điểm; xã Đạo Thạnh dự kiến bơm 15 điểm, đang bơm 4 điểm; xã Trung An dự kiến bơm 1 điểm; xã Phước Thạnh dự kiến bơm 9 điểm, đang bơm 2 điểm. Cũng theo Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho, trong thời gian tới, đơn vị sẽ theo dõi nguồn nước bên trong nội đồng và tổ chức bơm nước ở các tuyến kinh bị thiếu nước. Đồng thời, tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ thực hiện các bước thủ tục theo quy định và triển khai thi công nạo vét kinh, rạch bị bồi lắng.
Còn tại huyện Chợ Gạo, hiện nhiều nhà vườn cũng đang trong tình cảnh thiếu nước sản xuất. Địa phương đã vận động người dân bỏ kinh phí để tổ chức các điểm bơm chuyền nước ngọt. Những ngày qua, anh Nguyễn Văn Hạng (ấp Bình Hưng, xã Bình Phan) cùng các anh em trong gia đình, người dân xung quanh tự bỏ kinh phí để tổ chức điểm bơm chuyền nước ngọt phục vụ sản xuất cho vài chục hộ dân. Theo anh Hạng, nguồn nước tại các tuyến kinh nội đồng trên địa bàn xã Bình Phan đã cạn, chỉ còn 1 tuyến kinh lớn còn nước, nhưng cũng rất ít. Để có nước tưới tiêu, được sự hỗ trợ của xã trong việc kéo đồng hồ điện, anh Hạng và người thân trong gia đình đã dùng mô tơ điện ngày đêm bơm chắt nước từ kinh lớn vào kinh nội đồng phục vụ tưới tiêu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng, hiện các tuyến kinh, rạch nội đồng tại các xã phía Đông kinh Chợ Gạo đã khô, cạn. Những ngày trước, địa phương vận động nhân dân đóng góp kinh phí tổ chức bơm chuyền nước để tưới các vườn dừa Mã lai và một số ít vườn thanh long. Người dân đã hưởng ứng và triển khai được nhiều điểm bơm, tuy nhiên, đến nay, nguồn nước đã cạn kiệt. Hiện chỉ còn ở sông Cầu Sắt, Cầu Ngang là còn nước, người dân đang tiếp tục bơm chuyền. Riêng các xã vùng trên của huyện Chợ Gạo, nguồn nước tại các kinh, rạch lớn vẫn còn để bơm chuyền. Hiện một số xã như Lương Hòa Lạc, Thanh Bình… người dân bắt đầu tổ chức bơm chuyền nước ngọt để phục vụ sản xuất.
T. ĐẠT - C. THẮNG