Bài toán kinh tế biển - Bài 1: Tận dụng kinh tế thủy sản
Tiền Giang có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế biển, ngoài thế mạnh về kinh tế thủy sản, còn rất nhiều tiềm năng ở các lĩnh vực khác. Để phát triển bền vững kinh tế biển, Tiền Giang đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện hữu.
Tiền Giang với chiều dài bờ biển 32 km và khoảng 5.000 ha cồn, bãi bồi ven biển nên có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế biển, trọng tâm là phát triển kinh tế thủy sản.
VƯỢT KHÓ BÁM BIỂN
Là tỉnh có lợi thế về biển, nên ngành khai thác thủy sản của Tiền Giang cũng được định hình qua nhiều năm. Trải qua bao năm tháng thăng trầm, nghề khai thác thủy sản cũng chứng kiến không ít biến động, cả thuận lợi và khó khăn. Song, ngành khai thác thủy sản của Tiền Giang đến nay vẫn còn được duy trì, tập trung nhiều ở huyện Gò Công Đông, gắn với cảng trung chuyển và các làng nghề truyền thống cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng thủy sản.
Khai thác thủy sản góp phần tạo sinh kế cho người dân ven biển của Tiền Giang. |
Thống kê gần đây cho thấy, Tiền Giang có đội tàu đánh bắt thủy sản lên đến 1.274 chiếc, trong đó có trên 1.000 tàu chiều dài từ 15 m trở lên. Thời gian qua, ngư dân địa phương đã nỗ lực vươn khơi, đánh bắt hải sản ở các ngư trường xa bờ như: Trường Sa và nhà giàn DK1, Côn Đảo… Những năm qua, hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân Tiền Giang đã mang về nguồn lợi thủy, hải sản dồi dào, tạo sinh kế, giúp ngư dân làm giàu và gia tăng hiệu quả kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, cũng như các ngành nghề khác, so với những năm trước, hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chi phí đầu vào tăng cao; trong khi đó, nguồn lợi thủy, hải sản ngày càng cạn kiệt dẫn đến một số phương tiện khai thác không còn mang lại hiệu quả cao. Song vượt lên những khó khăn, ngư dân Tiền Giang vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển.
Bởi đây không chỉ ngành nghề mang lại kinh tế chính, mà còn là truyền thống gia đình, được nối tiếp qua nhiều thế hệ. Sau chuyến đánh bắt xa bờ sau Tết Nguyên đán năm 2024 trở về, chiếc tàu cá 450 CV của ông Nguyễn Văn Muồi (thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông) thu về hàng chục tấn hải sản các loại. Ông Muồi cho biết: “Tôi làm nghề khai thác hải sản đến nay trên 30 năm. Cũng nhờ vươn khơi, bám biển mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn. Năm nay, tôi ra khơi chuyến biển đầu năm trở về được khoảng 60 tấn hải sản, sau khi trừ chi phí cũng còn lãi hơn 120 triệu đồng”.
Khai thác thủy, hải sản là nghề truyền thống của nhiều gia đình ở các xã giáp biển của huyện Gò Công Đông. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước cứ vươn khơi, bám biển. Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (thị trấn Vàm Láng) có 2 chiếc tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ. Nhiều năm qua, nhờ đánh bắt hải sản xa bờ nên gia đình có cuộc sống ổn định hơn.
Mỗi chuyến biển, 2 chiếc tàu của gia đình thu về hàng trăm tấn hải sản. Sau khi trừ chi phí, anh còn lãi hàng trăm triệu đồng. “Nhờ khai thác thủy sản hiệu quả mà nhiều năm nay gia đình tôi có điều kiện hơn, cuộc sống ổn định, con cái được học hành đầy đủ” - anh Toàn chia sẻ.
Gắn bó mấy chục năm với nghề biển, gia đình ông Nguyễn Văn O (thị trấn Vàm Láng) hiện có 3 chiếc tàu giã cào chuyên đánh bắt hải sản ở ngư trường Côn Đảo. Theo ông O, những năm gần đây, hoạt động đánh bắt hải sản gặp khó khăn hơn do cá, tôm không còn nhiều.
Trong khi đó, chi phí đầu vào, đặc biệt là giá dầu tăng cao nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của những chuyến ra khơi đánh bắt hải sản. “Dù khó khăn, nhưng chúng tôi cũng phải ra khơi, chứ không lẽ để tàu nằm bờ. Dù lợi nhuận không còn như trước, nhưng vẫn còn kiếm sống được” - ông O chia sẻ.
PHÁT HUY THẾ MẠNH
Kinh tế thủy sản, trọng tâm là khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản là một trong những lĩnh vực quan trọng đối với địa phương giáp biển như huyện Gò Công Đông. Do vậy, việc tận dụng, khai thác lợi thế là một trong những ưu tiên của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, thời gian qua, địa phương quan tâm tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm dần số lượng tàu cá công suất nhỏ, ven bờ, đẩy mạnh đánh bắt tại các vùng biển xa bờ.
Toàn huyện hiện có 790 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có hơn 600 phương tiện khai thác xa bờ. Các phương tiện đánh bắt xa bờ đã đóng góp rất lớn vào sản lượng khai thác trên địa bàn của huyện. Hằng năm, huyện Gò Công Đông khai thác khoảng 60.000 tấn thủy, hải sản các loại.
Ngoài hoạt động khai thác thủy, hải sản, với khoảng 5.000 ha cồn, bãi bồi ven biển, Tiền Giang có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy, hải sản, chủ yếu là nuôi nghêu trên các bãi triều. Hiện diện tích nuôi nghêu của tỉnh khoảng 2.500 ha, tập trung nhiều ở huyện Gò Công Đông.
Hằng năm, địa phương cung cấp cho thị trường khoảng 18.000 - 20.000 tấn nghêu thương phẩm. Tín hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản hiện nay là Tiền Giang có khoảng 350 ha nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông thuộc vùng biển xã Tân Thành, được chứng nhận tiêu chuẩn ASC (chứng nhận quốc tế) vào tháng 11-2023.
Theo số liệu thống kê, năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt trên 310.000 tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt gần 100.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt trên 210.000 tấn. Trong năm, sản lượng thủy sản xuất khẩu trên 165.000 tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt 487 triệu USD. Riêng trong quý I-2024, sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt gần 55.000 tấn; trong đó, sản lượng khai thác đạt trên 18.600 tấn thủy sản. Xuất khẩu thủy sản trong quý I-2024 đạt trên 29.300 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 67 triệu USD, tăng hơn 43% về trị giá so với cùng kỳ. Đến nay, số lượng tàu khai thác thủy, hải sản của Tiền Giang hiện đứng thứ 17/28 tỉnh, thành có biển. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 10.000 ha, đứng thứ 19 cả nước. Sản lượng nuôi trồng và khai thác đứng thứ 10 cả nước. |
Điều này đã mở ra cơ hội sản phẩm nghêu Tiền Giang vươn rộng ra thị trường thế giới. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Thành, những năm qua, nghề nuôi nghêu ở biển Tân Thành rất phát triển giúp nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Trong thời gian tới, xã Tân Thành sẽ phấn đấu mở rộng vùng nuôi nghêu đạt chuẩn ASC.
Có những nét tương đồng với huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông cũng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, mà trọng tâm là kinh tế thủy sản. Hiện địa phương có 12 km bờ biển và nằm giữa 2 cửa sông là Cửa Tiểu và Cửa Đại nên có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản.
Thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh tại địa phương và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, tổng diện tích đất nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Tân Phú Đông hiện có khoảng 4.433 ha, với 1.984 hộ nuôi.
Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao 181 ha, nuôi tôm công nghiệp 1.533 ha, nuôi tôm quảng canh cải tiến 2.621 ha (sò huyết trong ao quảng canh là 33,3 ha), nuôi nghêu 56 ha, nuôi cá công nghiệp 41,4 ha.
Trong năm 2023, tổng diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đạt khoảng 7.447 ha, trong đó nuôi nước lợ, mặn là 7.197 ha, nước ngọt 250 ha. Đối tượng thả nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng công nghiệp, công nghệ cao, tôm sú công nghiệp, quảng canh kết hợp cua, cá và nuôi cá công nghiệp. Sản lượng nuôi trồng đạt 37.390 tấn.
Kinh tế thủy sản trở thành nguồn sinh kế quan trọng giúp cho người dân ở huyện cù lao này ổn định cuộc sống. Gia đình ông Trần Tấn Sen (ấp Phú Hữu, xã Phú Tân) có 4 công đất nuôi tôm. Theo ông Sen, trước đây, gia đình ông nuôi theo hình thức quảng canh và hiện đã chuyển sang nuôi tôm công nghiệp được khoảng 10 năm nay. So với nuôi theo hình thức quảng canh, nuôi tôm công nghiệp giúp ông quản lý được con giống, năng suất cao, từ đó mang lại hiệu quả cao hơn.
Bên cạnh mô hình nuôi tôm công nghiệp, thời gian qua, một số người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã đầu tư nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và hiệu quả, tránh rủi ro. Theo đó, hiện trên địa bàn huyện có hơn 180 ha nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao (2, 3 giai đoạn). Ưu điểm của mô hình này là rút ngắn được thời gian nuôi, dễ quản lý các yếu tố về môi trường, thức ăn, dịch bệnh…
Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Thủy sản Tuấn Hiền. Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tuấn Hiền cho biết, nuôi tôm công nghệ cao cho năng suất cao hơn khoảng 2 lần so với nuôi truyền thống. Thành công nhất của mô hình này là tỷ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt khoảng 90%. Nuôi tôm công nghệ cao cũng rất ít rủi ro.
ANH PHƯƠNG - Ý PHƯƠNG
(còn tiếp)