.
Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường:

Việt Nam đáp ứng các tiêu chí kinh tế thị trường của Mỹ

Cập nhật: 14:45, 17/06/2024 (GMT+7)

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường sẽ đem lại lợi ích, là bước tiến mới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần trong vụ việc rà soát vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam.

Phiên điều trần được tổ chức trên cơ sở đề nghị của các bên liên quan và đây cũng là yêu cầu trong quy trình điều tra rà soát của Bộ Thương mại Mỹ.

Tại phiên điều trần, phía Việt Nam cùng bên ủng hộ và bên phản đối, đều đã được nêu quan điểm, ý kiến, phản biện cho những lập luận của mình. Bộ Công Thương - thay mặt Chính phủ tham dự, đã có những lập luận sắc nét, căn bản và toàn diện.

Tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng 6 tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định pháp luật Mỹ. Đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn phát triển vượt bậc hơn so với nhiều nền kinh tế đã được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường trong thập kỷ qua.

Đến nay, theo Bộ Công Thương, 72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, bao gồm các nền kinh tế lớn như Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới nhất, Vương quốc Anh đã có Thư chính thức công nhận quy chế thị trường của Việt Nam. Việt Nam cũng đã tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hơn 60 đối tác thương mại trên thế giới.

b

Dây chuyền chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nhận xét về tiến trình Mỹ xem xét quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Mỹ xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam là một bước tiến mới, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia. Điều này sẽ làm thay đổi lớn về vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, khác xa so với khi bị coi là nền kinh tế phi thị trường, gây ra nhiều trở ngại và rào cản trong các mối quan hệ hợp tác thương mại cũng như thu hút đầu tư.

Theo các chuyên gia, trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, bản thân các nước tư bản đi trước cũng có nhiều mô hình khác nhau. Các quốc gia, các nền kinh tế quy định khác nhau về các tiêu chí để xem xét một nền kinh tế có thị trường hay không. Các nước có thể chọn mô hình kinh tế thị trường khác nhau, nhưng cùng hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người dân và đạt được tốc độ phát triển kinh tế bền vững.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định, Việt Nam đã đáp ứng được 6 tiêu chí xác định kinh tế thị trường của Hoa Kỳ. Mục tiêu của Việt Nam xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn tương thích với cách các nước khác đã lựa chọn và đi trước.

Chuyên gia Lê Quốc Phương nhìn nhận, sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế. Kinh tế Việt Nam có sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

Việt Nam có hệ thống pháp luật của Việt Nam đã ổn định, tiếp cận và tương thích với hệ thống luật pháp quốc tế và các điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết. Việt Nam đã hoàn thiện, đồng bộ được các thể chế, tiếp cận thể chế quốc tế để nền kinh tế vận hành thông suốt.

Hai bên cùng có lợi

Ông Đỗ Ngọc Hưng nhận định, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, là thành viên WTO kiện phòng vệ thương mại lớn nhất, với hàng hóa xuất khẩu chiếm 25% tổng số hàng xuất khẩu của Việt Nam.

b

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Mỹ là điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (theo đó cáo buộc giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ thấp hơn giá bán tại Việt Nam). Thông thường, đối với các nước Mỹ công nhận là kinh tế thị trường (KTTT), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) sẽ sử dụng các giá trị về chi phí của nước đó để tính giá bán tại thị trường nước xuất khẩu, so sánh với giá xuất khẩu của sản phẩm bị cáo buộc bán phá giá.

Tuy nhiên, với các nền kinh tế Mỹ coi là phi thị trường, các giá trị này sẽ được DOC tham chiếu từ nước thứ 3 mà Mỹ coi là KTTT với điều kiện mức độ phát triển kinh tế tương đồng. Điều này thông thường sẽ dẫn đến mức chênh lệch lớn giữa sử dụng giá trị trực tiếp tại nước xuất khẩu và giá trị tham chiếu từ nước thứ 3, khiến thuế bán phá giá bị đẩy lên cao, gây bất lợi cho hàng hóa của nước bị điều tra.

Theo ông Lê Ngọc Hưng, từ năm 2002, khi Mỹ điều tra chống bán phá giá cá tra của Việt Nam, DOC đã kết luận nền kinh tế của Việt Nam là kinh tế phi thị thường. Tuy nhiên, sau khi ra nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành cải cách chính sách, mở cửa thị trường, tôn trọng các quy luật thị trường trong nền kinh tế.

Đến nay, đã gần 20 năm kể từ khi Mỹ ban hành kết luận về KTTT của Việt Nam, nền kinh tế của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, được cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó đã có hơn 70 nước/vùng lãnh thổ công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam.

Việc Việt Nam, với nền kinh tế phát triển hơn hẳn một số đối tác Mỹ coi là kinh tế thị trường, vẫn bị duy trì tình trạng hiện nay, sẽ là sự thiếu công bằng, gây mất lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu khi vướng vào các vụ kiện, cũng như chưa phù hợp với mức độ quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam hiện nay.

Theo quy định pháp luật của Mỹ, việc rà soát, thay đổi cách xác định về KTTT chỉ có thể do DOC thực hiện thông qua một vụ việc phòng vệ thương mại nhất định. Trên cơ sở đó, tháng 9/2023, Bộ Công Thương đã thay mặt Chính phủ, gửi đề nghị chính thức tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ để rà soát vấn đề này. Trong quá trình tiến hành rà soát, vấn đề KTTT thu hút được nhiều sự quan tâm của các bên liên quan trong và ngoài nước Mỹ. Trong đó, số lượng ý kiến ủng hộ của doanh nghiệp/hiệp hội Mỹ chiếm đại đa số so với quan điểm phản đối. Điều đáng lưu ý, doanh nghiệp đang thực hiện đầu tư của Mỹ tại Việt Nam, bên liên quan trực tiếp đang hoạt động tại Việt Nam, là nhân chứng phù hợp nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, chính sách quản lý… có ý kiến ủng hộ và cho rằng Việt Nam phù hợp là nền kinh tế thị trường theo quy định của Mỹ.

“Việc công nhận KTTT của Việt Nam sẽ có lợi cho cả hai bên. Như đã nói ở trên, hàng hóa của Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại do Mỹ điều tra. Về phía Mỹ, các doanh nghiệp FDI của Mỹ tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khi được đối xử công bằng khi xuất khẩu sang Mỹ. Thêm vào đó, việc được đối xử bình đẳng sẽ làm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, từ đó người dân Mỹ có thêm nhiều lựa chọn tốt hơn, phù hợp hơn, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh”, ông Đỗ Ngọc Hưng nhận định.

Theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, kết quả cuối cùng của vụ việc rà soát này sẽ được công bố chậm nhất là ngày 26/7/2024 (theo thông báo ban đầu của phía Bộ Thương mại Mỹ).

“Với những thông tin, dữ liệu mà phía Việt Nam đã cung cấp, tôi tin rằng, Bộ Thương mại Mỹ đã có đủ căn cứ để có thể đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Điều này, sẽ có lợi cho cả đôi bên”, ông Đỗ Ngọc Hưng khẳng định.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Hoa Kỳ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai quốc gia, tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện; qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ có thêm cơ hội tiếp cận thị trường và xuất khẩu sang Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng phù hợp với lợi ích của Hoa Kỳ, nhất là khi Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, đặc biệt là cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, khi được Mỹ công nhận quy chế kinh tế thị trường, Việt Nam càng có điều kiện chứng tỏ và gặp nhiều thuận lợi hơn trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, vì những nước chưa có quy chế thị trường thường dễ bị áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu.

Lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ đều được tăng lên khi Việt Nam được Hoa Kỳ công nhận là một nền kinh tế thị trường. Việc công nhận giữa hai nước càng sớm thì càng có lợi cho sự phát triển kinh tế của hai bên, góp phần vào sự phát triển của kinh tế thế giới một cách tích cực hơn. Đem lại cho sản xuất và đời sống nhân dân hai nước những bước tiến mới trong thời gian tới.

Theo Báo Tin tức (TTXVN)

 

.
.
.