Thứ Tư, 10/07/2024, 11:10 (GMT+7)
.

Để sản phẩm OCOP vươn xa

Qua khoảng 6 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có nhiều sản phẩm của tỉnh Tiền Giang được công nhận đạt chuẩn OCOP. Để chương trình OCOP ngày càng lan tỏa, bên cạnh phát triển mới, tỉnh đang tập trung hỗ trợ để nâng tầm các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận.

TĂNG MẠNH VỀ SỐ LƯỢNG

Một trong những dấu ấn nổi bật của Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh là sản phẩm OCOP tăng mạnh về số lượng qua từng năm. Đến nay, toàn tỉnh có 280 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Trong đó, có 102 sản phẩm 4 sao và 178 sản phẩm 3 sao, với tổng số 130 chủ thể tham gia (23 chủ thể là hợp tác xã, 43 doanh nghiệp (DN) và 64 hộ sản xuất, kinh doanh). Như vậy, đến nay, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh đã vượt mục tiêu ban đầu đề ra là đến năm 2025 có 200 sản phẩm đạt 3 sao trở lên.

Công ty TNHH Thương mại HK đang phấn đấu để sản phẩm gạo VD20 Gò Công đạt chứng nhận OCOP 5 sao.
Công ty TNHH Thương mại HK đang phấn đấu để sản phẩm gạo VD20 Gò Công đạt chứng nhận OCOP 5 sao.

Chương trình OCOP đã từng bước tạo sức lan tỏa, thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Nhận thấy việc tham gia sản phẩm OCOP sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm của DN, Công ty TNHH Thương mại HK (TP. Mỹ Tho) đã chủ động tham gia. Theo đó, DN đã xây dựng được nhiều vùng trồng lúa để tiến tới xây dựng sản phẩm gạo OCOP. Sau thời gian tích cực triển khai, công ty đã có 2 sản phẩm gạo đã được chứng nhận OCOP 4 sao gồm: Gạo Chú Kẹo và gạo VD20 Gò Công. Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK cho biết, DN có 1 sản phẩm tâm huyết từ ngày đầu thành lập đó là gạo VD20 Gò Công. Đây là loại gạo đặc sản của Tiền Giang, được sản xuất tại vùng đất Gò Công. Sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 4 sao cách nay 3 năm và vừa được tái công nhận.

Theo đồng chí Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, Chương trình OCOP đã tác động rất tốt, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm. Có một số cơ sở từ sản xuất nhỏ lẻ, sau khi có sản phẩm được chứng nhận OCOP đã phát triển thành DN lớn. Sau thời gian triển khai Chương trình OCOP, điểm nổi bật nhất là thông qua các chương trình kết nối, xúc tiến, những sản phẩm thay vì quanh quẩn ở làng quê đã được vươn xa, khơi dậy tiềm năng ở các vùng nông thôn, nông dân tự tin hơn. Từ việc sản phẩm chỉ bán thô thì họ mạnh dạn chế biến sản phẩm.

Mặt khác, chương trình cũng kích thích được một tầng lớp trẻ về quê xây dựng sản phẩm OCOP để khởi nghiệp. Một số địa phương sản xuất sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn, đưa vào đó những nét văn hóa địa phương, tạo ra việc làm cho người dân địa phương, giảm bớt dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị.

Ông Châu Minh Hải cho biết: “Diện tích vùng nguyên liệu để sản xuất gạo VD20 Gò Công hiện có trên 500 ha. Với sản lượng này, DN đủ sức để xuất khẩu. Mong muốn của DN là phấn đấu để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao. Hiện điểm sản xuất của công ty đã được đánh giá đạt tiêu chí 5 sao. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của sản phẩm là chưa đạt tiêu chí xuất khẩu. Sau khi được tái chứng nhận OCOP 4 sao, DN sẽ đến một số nước để chào sản phẩm nhằm khắc phục tiêu chí xuất khẩu chưa đạt, để tiến tới được công nhận OCOP 5 sao”.

Công ty TNHH Huỳnh Nương (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) đang sản xuất và kinh doanh 2 mặt hàng là sầu riêng trái tươi và sầu riêng cấp đông. Khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc được ký kết, công ty đã mở rộng nhà máy để sản xuất hàng trái tươi và cấp đông. Đến thời điểm này, nhà máy có 3 phân xưởng; trong đó, 2 khu sản xuất trái tươi và 1 khu sản xuất hàng cấp đông. Hiện vùng sản xuất sầu riêng của công ty nằm trên địa bàn Cai Lậy. Khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, công ty đã xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói riêng.

Ông Nguyễn Văn Gia Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Huỳnh Nương cho biết: “Để nâng tầm các sản phẩm, công ty đã tham gia xây dựng sản phẩm OCOP đối với 2 sản phẩm là sầu riêng cấp đông và trái tươi. Khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, ngoài việc xây dựng được thương hiệu cho địa phương còn giúp công ty thực hiện mong muốn đi sâu vào nhiều thị trường hơn nữa. Điều này sẽ giúp DN quảng bá sầu riêng tại thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo nên thương hiệu cho sầu riêng địa phương”.

NÂNG TẦM SẢN PHẨM

Trên thực tế, dù Chương trình OCOP đã từng bước tạo được sức lan tỏa thông qua việc nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP, nhưng nhiều sản phẩm chưa được chú trọng thương mại hóa. Sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu tập trung 2 nhóm là thực phẩm và đồ uống. Sản phẩm OCOP mặc dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, song hoạt động đổi mới, sáng tạo sản phẩm còn hạn chế…

Sản phẩm OCOP chuối Xiêm sấy dẻo của Công ty TNHH SX-TM-DV Bắc Mỹ Thuận.
Sản phẩm OCOP chuối Xiêm sấy dẻo của Công ty TNHH SX-TM-DV Bắc Mỹ Thuận.

Để hỗ trợ các sản phẩm phát triển OCOP, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Võ Văn Lập, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Quyết định 919 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch 380 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, nhấn mạnh hiệu quả mà Chương trình OCOP mang lại. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ khởi nghiệp, để sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa. Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách để giúp những cơ sở đã được chứng nhận sản phẩm OCOP thay đổi công nghệ, quy mô sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Mục tiêu là chuẩn hóa được sản phẩm. Ngoài việc ăn ngon, người tiêu dùng có thể thấy được cái hồn của sản phẩm là mang đậm nét quê hương.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trong mỗi đợt đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh phân tích rất kỹ đối với từng sản phẩm. Cụ thể, đối với những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, Hội đồng sẽ phân tích những sản phẩm đó tại sao không đạt 4 sao, 5 sao. Từ đó, Hội đồng đã đưa ra các giải pháp cho các chủ thể. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ các cơ sở khắc phục điểm còn thiếu trong tiêu chí, từng bước nâng tầm sản phẩm.

Thông qua các cơ chế, chính sách, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ chủ thể thay đổi mẫu mã, bao bì. Về chất lượng sản phẩm, chủ thể có thể thông qua các chương trình khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến để áp dụng. Ngoài ra, thông qua các chương trình khuyến công, các sở, ngành sẽ giới thiệu các chủ thể tiếp cận chính sách nhằm thay đổi thiết bị, máy móc, tạo ra những sản phẩm đẹp, cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

ANH PHƯƠNG - ANH THƯ

.
.
.