.

Gò Công Đông hướng đến huyện nông thôn mới nâng cao

Cập nhật: 15:24, 02/07/2024 (GMT+7)

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày càng khởi sắc; kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc với mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Gò Công Đông quyết tâm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện NTM nâng cao vào năm 2024.     

KHỞI SẮC TỪ HUYỆN NTM

Là một huyện vùng biển, mặc dù đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, huyện Gò Công Đông đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.

Sau thời gian xây dựng huyện NTM, kinh tế - xã hội của huyện chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Sau thời gian xây dựng huyện NTM, kinh tế - xã hội của huyện chuyển biến mạnh mẽ, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

Ngày 1-9-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gò Công Đông vui mừng đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện NTM.

Là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM, đến nay, huyện Gò Công Đông đang tập trung huy động mọi nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2024. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn huyện, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được huyện triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Về huyện Gò Công Đông hôm nay, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, minh chứng cho thành quả thực hiện xây dựng NTM của huyện những năm qua. Nhờ có chương trình xây dựng NTM, huyện đang chuyển mình theo chiều sâu, chất lượng, đời sống người dân ngày một nâng cao; kinh tế - xã hội, văn hóa phát triển toàn diện. Đến nay, huyện Gò Công Đông có 11/11 xã cơ bản giữ vững 19/19 tiêu chí xã NTM; trong đó có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Trong năm 2024, huyện Gò Công Đông phấn đấu xây dựng và ra mắt huyện NTM nâng cao; xã Tân Đông đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; thị trấn Tân Hòa và thị trấn Vàm Láng đạt chuẩn văn minh đô thị. Đến nay, xã Tân Đông đã đạt 3/6 nội dung trong Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu; thị trấn Tân Hòa đã đạt 6/9 tiêu chí (48/52 chỉ tiêu), thị trấn Vàm Láng đã đạt 7/9 tiêu chí (48/52 chỉ tiêu) đô thị văn minh.

Đối với Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao, đến nay Gò Công Đông cơ bản đạt 4/9 tiêu chí (31/38 chỉ tiêu). Các tiêu chí, nội dung còn lại, các phòng, ban huyện đều đã có kế hoạch cụ thể để thực hiện đảm bảo khả thi, trong đó đã xác định rõ từng mốc thời gian hoàn thành tiêu chí theo lộ trình đề ra.

Có thể thấy, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Gò Công Đông có nhiều thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Đến nay, toàn huyện còn 314 hộ nghèo, chiếm 0,81%; hộ cận nghèo 870 hộ chiếm 2,25%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 70,81 triệu đồng/người. Hệ thống giao thông được đầu tư hoàn chỉnh từ các trục giao thông chính cho đến các tuyến giao thông liên ấp, liên xã.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện Gò Công Đông đầu tư xây dựng 250 công trình hạ tầng giao thông với tổng số vốn trên 310 tỷ đồng. Hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hệ thống lưới điện được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

HƯỚNG ĐẾN HUYỆN NTM NÂNG CAO

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân huyện Gò Công Đông vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ, các bước triển khai cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn. Song song đó, huyện tranh thủ kịp thời các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng.

Để phong trào xây dựng NTM có sức lan tỏa rộng khắp, huyện Gò Công Đông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích của xây dựng NTM. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo đó, một trong những giải pháp được đặt ra là cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người dân.

Song song đó, huyện còn thực hiện hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Dự án liên kết tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Tân Đông, Bình Nghị; kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Trung, HTX nông nghiệp Tân Điền, Tăng Hòa. Nhờ chủ động nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong phát triển ngư nghiệp và nông nghiệp, kinh tế huyện Gò Công Đông ngày càng khởi sắc.

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện cũng được đầu tư phát triển theo hướng bán công nghiệp với quy mô trang trại vừa và nhỏ. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật ngày càng đồng bộ, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng tập trung và bền vững. Cùng với đó, huyện luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động để thu hút lao động, tạo thêm việc làm cho người dân.

Trong giai đoạn hiện nay, huyện ưu tiên thực hiện các khâu như: Chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, xây dựng mã vùng, mã vạch cho nông sản và ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến phù hợp với các tiêu chuẩn của thị trường như VietGAP, GlobalGAP.

Nhờ có sự chung sức, đồng lòng của người dân trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục liên xã, trục liên xóm, liên ấp… phục vụ nhu cầu sản xuất, đi lại của nhân dân.

Cùng với đó, 100% tuyến đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa, đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân được thuận tiện, dễ dàng.

Bằng nhiều cách làm năng động, sáng tạo, giai đoạn 2011 - 2020, huyện Gò Công Đông đã huy động được tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội lên đến 2.510 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Xác định nuôi trồng và khai thác thủy sản là một trong những mục tiêu mũi nhọn, những năm gần đây, huyện Gò Công Đông đã chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các mô hình nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX…

Huyện đang tập trung khai thác tiềm năng của biển Gò Công cùng hệ sinh thái ngập mặn ven biển, truyền thống lịch sử, văn hóa, lễ hội… để tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng, có tính hấp dẫn cao. Cùng với đó là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương như: Mô hình Du lịch sinh thái biển, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn… Đồng thời, tranh thủ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn của huyện để tạo việc làm cho người lao động nhằm phát triển kinh tế của huyện.

Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông đang đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu, cụm công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trong khu - cụm công nghiệp, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Gia Thuận 2.

Trong thời gian tới, để thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra, huyện Gò Công Đông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2024.

Những thành quả xây dựng huyện NTM thời gian qua đã mang lại diện mạo, sức sống mới cho quê hương Gò Công Đông là minh chứng cho sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ và nhân dân huyện Gò Công Đông trong hành trình xây dựng huyện NTM nâng cao ngày một giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

L.OANH - Q.TOÀN

 

.
.
.