.

Tiền Giang: Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà đẻ trứng

Cập nhật: 16:24, 13/08/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 13-8, tại tỉnh Tiền Giang, Ban Tổ chức Triển lãm VIETSTOCK phối hợp cùng Hội Chăn nuôi Việt Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo đầu bờ với chuyên đề Chăn nuôi gà đẻ trứng.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội thảo.

Tham dự buổi hội thảo có các đồng chí: Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang; Tiến sĩ Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam; Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ; các chủ cơ sở chăn nuôi…

Hội thảo được tổ chức với chủ đề “Con đường tiến đến chăn nuôi gà đẻ trứng bền vững và hiệu quả về chi phí”. Hội thảo mang đến giải pháp thiết thực cho các trang trại, hộ chăn nuôi gà đẻ trứng tại Tiền Giang.

Đây là dịp để các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp và chuyên gia cùng nhau trao đổi, học hỏi và tìm ra những giải pháp tối ưu cho ngành chăn nuôi gà đẻ trứng tại Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu cho biết, Tiền Giang là “thủ phủ chăn nuôi gia cầm” của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Người dân Tiền Giang đam mê chăn nuôi, nhiều kinh nghiệm, chịu khó và ham học hỏi, quan tâm cập nhật thông tin, tiếp cận với các chủ trương, chính sách; mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ và định hướng liên kết sản xuất với tiêu thụ.

Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu phát biểutại hội thảo.
Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Do đó, ngành Chăn nuôi có nhiều khởi sắc với tổng đàn 16,57 triệu con. Trong đó, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô chiếm khoảng 61% tổng đàn (844 cơ sở) với nhiều loài gia cầm đặc sản, sản phẩm mang tính hàng hóa, đặc biệt là gà đẻ công nghiệp.

Trong thời gian tới, để ngành Chăn nuôi của tỉnh Tiền Giang phát triển theo định hướng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả, bền vững, cần có một chiến lược và giải pháp tổng thể về con giống và dinh dưỡng chăn nuôi.

Trong đó, cần ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và tạo chuỗi liên kết sản xuất để tạo vùng nguyên liệu sản phẩm, chuỗi liên kết tiêu thụ để mở rộng thị trường đầu ra chính là chìa khóa vàng thành công trong chăn nuôi nói chung và gà đẻ trứng nói riêng.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thông tin về các nội dung như: Cơ hội và thách thức của ngành Chăn nuôi Việt Nam; giống và công tác giống để nâng cao năng suất, chất lượng trứng và hiệu quả chăn nuôi gia cầm đẻ trứng; đột phá mới về ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà để trứng ở Tiền Giang; gà tre tiêu chuẩn vàng…

M. THÀNH - H. THÔNG

 

.
.
.