.

Bộ Tài chính 'tăng tốc' triển khai 'ba không' trong chuyển đổi số

Cập nhật: 15:57, 20/09/2024 (GMT+7)

Để triển khai mục tiêu 3 không (không tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy) tại Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước (NSNN) và Kho bạc.

a
 VDF là sự kiện thường niên uy tín của ngành Tài chính.

Tại Hội thảo -Triển lãm về tài chính số trong quản lý NSNN năm 2024 (Vietnam Digital Finance 2024 - VDF 2024)  do Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Tập đoàn EIC tổ chức ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết: Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong tài chính - ngân sách là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả; trong đó, tập trung vào 3 vấn đề chính là thể chế, công nghệ và con người. Thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 4.039 tỷ đồng

Thời gian qua, ngành Tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Đề cập về kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) tại Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) Đoàn Thanh Tùng cho biết: Đối với lĩnh vực Thuế, Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) trực tiếp hoặc uỷ quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế. Trong đó, có 101 NCCNN thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia. Đến nay, tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 4.039 tỷ đồng.

Tính đến ngày 16/8, hệ thống hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý là hơn 9,6 tỷ hóa đơn. Về hoạt động khai thuế điện tử, tính đến ngày 30/6, đã có 932.509 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 933.274 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,99%.

Bộ Tài chính cũng đã giảm chi bằng tiền mặt, tỷ lệ thanh toán tiền mặt giảm mạnh. Số thu NSNN bằng tiền mặt chỉ còn chiếm khoảng 0,069%; đã điện tử hóa 100% công tác thu NSNN thông qua việc phối hợp với các ngân hàng thương mại (NHTM), tận dụng mạng lưới của ngân hàng để cung cấp dịch vụ thu nộp ngân sách qua kênh điện tử 24/7.

a
 Thứ trưởng Bùi Văn Khắng phát biểu tại Hội thảo - Triển lãm VDF 2024.

Về lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đang thực hiện kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu của 100% thủ tục hành chính đang thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa...

Ứng dụng AI phân tích dữ liệu quản lý thu thuế

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; vận hành và thu thuế qua Cổng thông tin nộp thuế nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Nhằm mục đích tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, từ tháng 7/2023, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai chức năng bản đồ số hộ kinh doanh trên toàn quốc. Đến nay, toàn bộ hộ kinh doanh nộp thuế khoán đã công khai trên Bản đồ số hộ kinh doanh.

a
 Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số.

Theo báo cáo trên toàn quốc có 31.838 hộ kinh doanh đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai bản đồ số, số thuế tăng thêm là 12,7 tỷ đồng. Thời gian tới, cơ quan Thuế tiếp tục đẩy mạnh áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn.

Ngoài ra, triển khai Cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn); Đề án xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu,...

Cơ quan Thuế cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; quyết liệt xử lý thu nợ thuế, phấn đấu giảm số thuế nợ đọng.

“Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi trong ngành tài chính cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Đến nay, kinh phí triển khai Đề án 06 và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 cho các đơn vị trong ngành tài chính chưa được giao nên chưa có cơ sở để triển khai.

Ngoài ra, chuyển đổi số ngành tài chính còn phải đối mặt với những cuộc tấn công ransomware (một loại phần mềm độc hại có mục đích tống tiền người dùng bằng cách xâm nhập vào máy tính và thao túng dữ liệu của nạn nhân) trên không gian mạng làm lộ lọt thông tin, gian lận tài chính và các cuộc tấn công có chủ đích với chiều hướng gia tăng”, ông Đoàn Thanh Tùng chia sẻ.

Theo TTXVN



   

 

.
.
.