Khởi công dự án khai thác cát phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Mỏ cát có tổng trữ lượng hơn 855.000m3, trong đó, trữ lượng cát san lấp được phép khai thác trong năm 2024 là 346.950m3. Thời hạn khai thác mỏ cát 3 tháng.
Khai thác cát san lấp tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh vào chiều 6-10-2024 (Ảnh: HỮU NGHĨA) |
Chiều 6-10, tại khu vực sông Tiền, thuộc xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C phối hợp các sở, ngành liên quan tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công dự án khai thác cát san lấp phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1).
Đây là mỏ cát thứ 4 được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp giao cho nhà thầu thực hiện thủ tục và khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội để phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1).
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác theo cơ chế đặc thù đối với mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 33,96ha, thuộc phường 11 và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh.
Mỏ cát có tổng trữ lượng hơn 855.000m3, trong đó, trữ lượng cát san lấp được phép khai thác trong năm 2024 là 346.950m3.
Thời hạn khai thác mỏ cát 3 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12-2024), thời gian cải tạo phục hồi môi trường để đóng cửa mỏ là 6 tháng.
Mỏ cát được phép khai thác đến độ sâu -17m bằng 3 xáng cạp (dung tích gàu 3,5m3), từ 7 giờ đến 17 giờ hằng ngày, không khai thác vào ban đêm. Công suất khai thác cát không vượt quá 3.855m3/ngày.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp yêu cầu nhà thầu khai thác cát theo đúng khối lượng, công suất, kế hoạch, phương pháp; chỉ cung cấp cát cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1.
Thống kê, kiểm kê, tổng hợp đầy đủ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế để thực hiện nghĩa vụ tài chính và những nghĩa vụ khác theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, phải thuê đơn vị chức năng giám sát sự ổn định của đường bờ, khảo sát địa hình đáy sông trong khu vực khai thác nhằm đưa ra kế hoạch khai thác phù hợp, cảnh báo rủi ro khi có dấu hiệu bất thường; thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong khai thác.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C và các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp theo dõi, quản lý chặt chẽ, đảm bảo toàn bộ nguồn cát khai thác cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1.
Được biết, nhu cầu vật liệu cát san lấp của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m3, trong đó, nhu cầu năm 2024 là 1,7 triệu m3.
Đến nay, 4 mỏ cát do Ủy ban nhân dân tỉnh giới thiệu cho nhà thầu đã đưa vào khai thác để cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, gồm: Mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò).
Mỏ cát thuộc xã Thường Lạc, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (thành phố Hồng Ngự); mỏ cát thuộc xã An Hiệp, An Nhơn (huyện Châu Thành); mỏ cát thuộc phường 11 và xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh).
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 dài 16km, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản, khởi công ngày 25-6-2023.
Theo nhandan.vn