.

Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh đầu tư 3 tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc

Cập nhật: 11:53, 24/10/2024 (GMT+7)

Gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ưu tiên đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối Việt - Trung.

Tối 23-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dự hội nghị nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Nga).

Tại cuộc gặp, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại. Theo ông, quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển sang giai đoạn mới, với mục tiêu xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc theo định hướng "6 hơn".

Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông. Ông đề nghị đẩy nhanh triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm kết nối Việt Nam với Trung Quốc, là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, để tăng kết nối giữa hai nền kinh tế.

a
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 23-10. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Trước đó, trong tuyên bố Việt - Trung sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi đầu tháng này, hai bên đã nhất trí đẩy nhanh nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và lập quy hoạch hai tuyến Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Việc này nhằm hướng đến ký thỏa thuận hợp tác song phương về xây dựng ba tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn.

Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định sẵn sàng cùng Việt Nam duy trì trao đổi chiến lược, đưa quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện không ngừng đi vào chiều sâu. Chủ tịch Trung Quốc cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan thúc đẩy kết nối giao thông, kinh tế với Việt Nam.

Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư Việt - Trung Quốc không ngừng tăng thời gian qua. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 thế giới của Trung Quốc.

9 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch khoảng 105 tỷ USD, chiếm gần 38% tổng kim ngạch cả nước. Mức này tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất gần 43,6 tỷ USD sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2023.

a
Tàu liên vận chở hàng hóa tại ga Lào Cai. Ảnh: Giang Huy

Cùng ngày, Thủ tướng cũng gặp lãnh đạo các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Turkmenistan, Lào. Gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Ông mong muốn các doanh nghiệp nước này đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng. Hai nước sẽ sớm nâng tầm quan hệ, đưa kim ngạch song phương lên 4 tỷ USD.

Hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng nhất trí khẳng định Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Lào, giúp nước này vượt qua các thách thức, khó khăn hiện nay. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sớm chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh triển khai các dự án lớn kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Lào, cũng như ba nền kinh tế Việt Nam – Lào – Campuchia. Việt Nam - Lào sẽ tăng hợp tác về an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại.

Thủ tướng đang dự hội nghị các nhà lãnh đạo nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Nga, ngày 23-24/10, với tư cách khách mời theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin - Chủ tịch nhóm BRICS năm 2024.

BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nhóm được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. BRICS sau đó kết nạp Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Theo vnexpress.net


 

.
.
.