Thách thức của doanh nghiệp Việt khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, doanh nghiệp cần lưu ý các thách thức như sản phẩm để bán hay chi phí vận hành.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc giao dịch qua các nền tảng thương mại điện tử quốc tế giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí và thời gian so với các phương thức thương mại truyền thống.
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đã chia sẻ về các cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương mại điện tử xuyên biên giới.
Doanh nghiệp Việt đối diện với nhiều thách thức
- Ông đánh giá thế nào về thương mại điện tử xuyên biên giới của Việt Nam trong thời gian qua?
Ông Gijae Seong: Có thể thấy sự gia tăng không ngừng của các đối tác bán hàng Việt trên thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Amazon. Sự phát triển liên tục không chỉ ở quy mô mà còn là sự đa dạng danh mục sản phẩm và thương hiệu ở nhiều ngành hàng.
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
5 năm qua chứng kiến những thành tựu và cải tiến không ngừng, và chúng tôi tin rằng điều này sẽ còn tiếp diễn, với sự tham gia sôi nổi của các nhà bán hàng thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Lần đầu đến Việt Nam trong chuyến công tác vào năm 2017, tôi nhận thấy nhiều nhà bán hàng rất hào hứng về kinh doanh trực tuyến. Nhìn lại sau bảy năm, so với thời điểm đó, chúng tôi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ không chỉ về quy mô mà còn nhiều chỉ số khác kể trên, và cả chất lượng.
Tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử bán lẻ trên 20%/năm, đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ.
Ban đầu, nhà bán chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản, tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, hướng đến lợi ích ngắn hạn. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đang dần hướng đến tầm nhìn dài hạn hơn.
Họ không chỉ gia tăng doanh thu hay đạt được những con số triệu đô mà còn nâng cao chất lượng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, xây dựng thương hiệu và mở rộng sang nhiều ngành hàng. Điều này cho phép chúng tôi khai thác tối đa tiềm năng phát triển của Việt Nam với thương mại điện tử xuyên biên giới.
- Theo ông, đâu là những lợi thế của các đối tác Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu?
Ông Gijae Seong: Các đối tác bán hàng Việt Nam có nhiều lợi thế. Việt Nam rất chú trọng xuất khẩu với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các sáng kiến, chính sách của chính phủ. Nhiều nhà máy và nhà cung cấp tại Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm xuất khẩu, mang đến lợi thế riêng biệt.
Ngoài ra, còn có một cộng đồng các doanh nhân trẻ thành công không chỉ trên Amazon mà còn trên nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Những nhà bán hàng này thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các động lực của thương mại điện tử.
Ngành sản xuất của Việt Nam cũng thu hút sự đầu tư lớn khi nhiều thương hiệu quốc tế chuyển nhà máy đến đây, thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Sự phát triển này đã góp phần củng cố chuỗi cung ứng và gia tăng năng lực sản xuất trong nước. Không những thế, năng lực sản xuất không chỉ phục vụ cho những thương hiệu quốc tế lớn, mà đang dần được mở rộng sang các doanh nghiệp nhỏ hơn, đóng góp tích cực vào sản xuất trong nước.
- Những thách thức nào mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu thưa ông?
Ông Gijae Seong: Khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Đầu tiên là quyết định sản phẩm để bán. Điều này không chỉ đòi hỏi các nhà bán hàng có sự thấu hiểu nhu cầu thị trường mà còn cần nắm bắt các quy định của thị trường và sự tuân thủ về sản phẩm, từ đó, có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về sản phẩm để bán ra thị trường.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển sản phẩm, các doanh nghiệp cần phải rất linh hoạt để có thể phản ánh nhu cầu của khách hàng trong sản phẩm của mình. Các doanh nghiệp cần liên tục, linh hoạt và nhanh chóng đọc vị, đáp ứng những thị hiếu mới nhất của thị trường. Đây là một phần quan trọng, đồng thời là thách thức lớn đối với nhiều người bán chưa quen với tốc độ của thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng và thương mại điện tử toàn cầu nói chung.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN). |
Thách thức lớn thứ hai là chi phí. Bán sản phẩm từ Việt Nam sang Mỹ đòi hỏi rất nhiều chi phí, đặc biệt về logistics, vận chuyển đầu vào (inbound shipping) và quản lý tồn kho.
Tại Amazon, chúng tôi cung cấp nhiều công cụ và dịch vụ hỗ trợ, do đó người bán trước tiên cần hiểu rõ những công cụ và chương trình nào có thể tận dụng. Tiếp theo, họ cần tìm cách áp dụng những công cụ và chương trình này vào quy trình sản xuất để tối ưu hoá lợi ích sản xuất, đàm phán với nhà cung cấp, và thiết kế chuỗi cung ứng phù hợp, từ đó cải thiện cấu trúc chi phí và vượt qua thách thức này một cách hiệu quả.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới
- Ông có thể chia sẻ những giải pháp nào có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới?
Ông Gijae Seong: Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ là rất cần thiết. Hiện nay, Amazon Global Selling Việt Nam đang làm việc chặt chẽ với chính phủ để truyền tải những thông điệp, góc nhìn cụ thể, chính xác nhất về mô hình kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới. Chúng tôi kết nối chính phủ với các nhà bán hàng để các bộ ban ngành có thể nắm bắt các khó khăn thực tế của các doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ công tác xây dựng và hoạch định chính sách hiệu quả hơn.
Không dừng lại ở đó, chúng tôi cũng tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để cung cấp nhiều cơ hội đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Chúng tôi đang tiếp tục phát triển các sáng kiến hợp tác với các cơ quan chính phủ, chuyên gia ngành và hiệp hội nhằm cung cấp nhiều cơ hội học tập hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương.
Tiếp tục các cam kết hỗ trợ các nhà sản xuất, thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội cất cánh toàn cầu, chúng tôi công bố trọng tâm chiến lược 2025 với định hướng “Tăng tốc. Vươn tầm. Bứt phá thành công.”
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN) |
Trọng tâm chiến lược 2025 đánh dấu bước tiến quan trọng của Amazon Global Selling Việt Nam trong giai đoạn mới, tiếp tục khai thác tiềm năng xuất khẩu của thương mại điện tử Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu?
Ông Gijae Seong: Ngày nay, thị trường vận hành dựa trên nhu cầu hơn là nguồn cung. Trước đây, nguồn cung hạn chế giúp sản phẩm mới dễ dàng thu hút người mua. Hiện tại, với nguồn sản phẩm phong phú, việc thấu hiểu khách hàng mục tiêu và nhu cầu của họ là rất quan trọng. Một sản phẩm đại trà, cơ bản có thể thu hút nhiều người nhưng rốt cuộc lại không làm hài lòng bất kỳ ai.
Để xây dựng một thương hiệu thành công, cần xác định rõ khách hàng mục tiêu và giải quyết được các vấn đề cụ thể của họ. Bằng cách kết hợp sự hiểu biết về thị trường mục tiêu cùng với lợi thế bán hàng (unique-selling-point), các doanh nghiệp có thể thiết lập được bản sắc thương hiệu riêng biệt. Nếu không có sự khác biệt, sẽ rất khó để duy trì hoạt động kinh doanh trên Amazon hay bất kỳ nền tảng nào khác.
Nếu sự thành công ban đầu của nhà bán hàng là nhờ vào sự am hiểu về các nền tảng trực tuyến, họ sẽ sớm đối mặt với sự cạnh tranh từ các sản phẩm tương tự, dẫn đến việc mất thị phần nếu không có yếu tố khác biệt. Do đó, xây dựng thương hiệu là điều cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử.
- Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia một số chương trình gọi vốn trong nước, và họ cũng đang kinh doanh toàn cầu trên Amazon. Nhận định của ông về điều này?
Ông Gijae Seong: Có thể thấy rằng, nếu trước đây, các nhà khởi nghiệp chủ yếu tập trung vào các cơ hội trong nước, thì giờ đây đã có sự chuyển biến rõ rệt khi nhiều đơn vị khởi nghiệp nhận ra rằng, mặc dù thị trường nội địa rất quan trọng, nhưng thị trường thương mại điện tử toàn cầu cũng mang đến nhiều cơ hội rộng mở. Đây là một tín hiệu tích cực khi ngày càng có nhiều start-up mở rộng tầm nhìn ra thị trường xuyên biên giới.
Trước đây, nhiều nhà khởi nghiệp chưa biết cách đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng toàn cầu hay làm thế nào để thương hiệu của mình bán hàng hiệu quả trên thị trường quốc tế. Với nguồn lực hạn chế, họ phải thận trọng về nơi để đầu tư, và thường chỉ giới hạn ở thị trường trong nước. Nhưng hiện nay, nhận thức về thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và các hỗ trợ cần thiết để mở rộng ra toàn cầu. Kết quả là ngày càng có nhiều startup sáng tạo lựa chọn Amazon với mong muốn cùng nhau cất cánh toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Vietnam+ (TTXVN)