.

Nỗ lực đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Cập nhật: 09:58, 11/12/2024 (GMT+7)

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động), thời gian qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đăng ký và ra mắt các điểm bán hàng Việt tại các xã, phường. Qua đó, góp phần đưa hàng Việt đến với đại đa số người tiêu dùng.

PHÁT TRIỂN CÁC ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT

Năm 2024, với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động TX. Cai Lậy, Ủy ban MTTQ thị xã đã tăng cường phối hợp với các đoàn thể, tổ chức thành viên, Phòng Kinh tế thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động.

Lãnh đạo TX. Cai Lậy trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng ”Điểm bán hàng Việt” tại cửa hàng Song Anh. 	Ảnh: MINH TẤN
Lãnh đạo TX. Cai Lậy trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng ”Điểm bán hàng Việt” tại cửa hàng Song Anh. Ảnh: MINH TẤN

Ban Chỉ đạo thị xã đã tổ chức thống nhất các nội dung triển khai thực hiện Cuộc vận động đến cộng đồng dân cư, gắn với nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ và các tổ chức thành viên phát động.

Đối với cấp xã, đã tổ chức triển khai tuyên truyền cho cấp ủy đảng, chính quyền, thành viên MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, khu phố, đoàn viên, hội viên 365 cuộc, với 18.250 lượt người tham dự.

MTTQ thị xã, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phối hợp với các ngành, đoàn thể thị xã tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về tiêu dùng và Cuộc vận động với 16 cuộc, có 800 người dự.

Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thị xã tổ chức đưa 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán tại các xã: Mỹ Phước Tây, Tân Phú, Nhị Quý. Vận động các hộ tiểu thương 15 chợ truyền thống ở các xã, phường ưu tiên bán hàng Việt Nam, niêm yết giá cả, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, nhãn mác đúng theo quy định.

Trong năm, các cơ sở, doanh nghiệp, công ty trên địa bàn thị xã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, cam kết quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình.

Thông qua các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động, tích cực đưa hàng về nông thôn, bình ổn giá nhằm kích cầu tiêu dùng trong tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp đưa hàng Việt về địa phương như: Siêu thị Co.opmart Cai Lậy; siêu thị Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh tổ chức 19 lượt bán hàng qua xe lưu động và phiên chợ hàng Việt tại các xã, phường.

Việc tổ chức quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, giá cả phù hợp tạo được sự đồng tình và hưởng ứng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Cuộc vận động như: Niêm yết giá cả, sản phẩm, xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tại 16 đơn vị xã, phường.

"Sau Đại hội của MTTQ thị xã, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động được kiện toàn, công tác tuyên truyền, phát động trong nhân dân tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông khá tốt.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư mở rộng thị trường nội địa cả về mẫu mã, chất lượng, giá cả cạnh tranh, hệ thống lưu thông phân phối từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được tổ chức thông suốt, từ đó từng bước tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng.

Cuộc vận động ngày càng lan tỏa và được nâng cao, nhận thức của người dân về tầm quan trọng tiêu dùng hàng Việt Nam đã thực sự tạo thói quen qua hành vi của người mua, người bán”.

CHỦ TỊCH ỦY BAN MTTQ TX. CAI LẬY NGÔ THANH SƠN

Nhìn chung, các hộ tiểu thương, người tiêu dùng nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động, qua đó đã thay đổi niềm tin, hành vi và thói quen tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại đã tồn tại lâu nay.

Trong năm, thị xã ra mắt mới 1 điểm bán hàng Việt, nâng tổng số thị xã có 3 điểm bán hàng Việt gồm: Cửa hàng Kim Búp (ấp Phú Hưng, xã Long Khánh), cửa hàng Mai Loan (khu phố 1, phường 1) và cửa hàng Song Anh (ấp Phú An, xã Phú Quý).

Trong hoạt động triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của Phòng kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật đã lồng ghép vận động, hướng dẫn người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam để áp dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp như: Sử dụng các loại máy nông, ngư cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón và tiêu thụ nông sản hàng Việt Nam.

ĐỂ NGƯỜI VIỆT ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT

Để Cuộc vận động tiếp tục lan tỏa sâu rộng, nhất là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thị xã trong thời gian tới, đồng chí Ngô Thanh Sơn cho biết, cần tiếp tục tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thị xã đưa ra nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, làm lan tỏa hơn nữa về mục đích, ý nghĩa, các mô hình thực hiện Cuộc vận động trong nhân dân. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thị xã tiếp tục xây dựng và nhân rộng nhiều điểm bán hàng Việt, phấn đấu tại các ấp, khu phố trên địa bàn thị xã đều có điểm bán hàng Việt…

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cán bộ, đảng viên các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân và người tiêu dùng nội dung Cuộc vận động với nhiều phương thức thích hợp có sức thu hút, phù hợp với từng loại đối tượng; tăng cường vận động chiều sâu, vận động người thân sử dụng hàng Việt.

MTTQ thị xã phối hợp UBND thị xã có kế hoạch dự trữ cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm 2025; đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan đến Cuộc vận động nhằm tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị mới, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa mới; nhất là chất lượng sản phẩm OCOP.

Ban Chỉ đạo thị xã, các xã, phường thường xuyên theo dõi, kiểm tra báo cáo thực hiện Cuộc vận động theo định kỳ; đồng thời phát hiện những tập thể, cá nhân thực hiện, hưởng ứng tốt Cuộc vận động đề xuất, khen thưởng kịp thời.

HÀ NAM

.
.
.