.

WB tại Việt Nam: Kinh tế toàn cầu ổn định, Việt Nam tăng trưởng vượt trội

Cập nhật: 10:51, 20/12/2024 (GMT+7)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những bất ổn, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2024.

b
Phóng viên Bnews/TTXVN phỏng vấn Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính, và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Ảnh: WB

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiên tai, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2024.

Ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính, và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia - trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên TTXVN đã nhấn mạnh, sự ổn định của môi trường kinh doanh cùng xu hướng cải cách liên tục là chìa khóa duy trì sức hút đầu tư và tăng trưởng của Việt Nam.

Dù vậy, năm 2025 cũng đặt ra một số thách thức đòi hỏi Việt Nam cần có những đột phá trong cải cách để duy trì đà tăng trưởng bền vững và hướng đến mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

* Kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 và triển vọng tăng trưởng của năm 2025? Theo ông, đâu là những điểm sáng cũng như động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong năm nay?

Ông Andrea Coppola: Tin vui là lần đầu tiên sau nhiều năm đối mặt với các cú sốc tiêu cực, kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại vào năm 2024 với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 2,7%. Trong bối cảnh chi phí tài chính tăng cao cùng những bất ổn liên quan đến các diễn biến địa chính trị, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được củng cố bởi ba yếu tố chính:

Yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, đó là lạm phát đang dần hạ nhiệt ở nhiều quốc gia nhờ giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng và lương thực, giảm. Ngoài ra, tác động trễ của làn sóng chính sách thắt chặt tiền tệ từ năm 2023 cũng đã phát huy hiệu quả. Hiện nay, lạm phát đã tiến gần hơn tới mục tiêu của nhiều quốc gia, làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh tế. Yếu tố thứ hai, trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã chuyển sang lập trường chính sách tiền tệ nới lỏng, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nhu cầu và hoạt động kinh tế. Yếu tố thứ ba, nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, giúp củng cố thương mại và đầu tư, vốn là động lực quan trọng hỗ trợ hoạt động kinh tế toàn cầu.

Nhìn chung, triển vọng kinh tế năm 2025 là tích cực, mặc dù hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc có thể chững lại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bằng xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ ở phần còn lại của thế giới. Trên thực tế, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 sẽ diễn ra đồng đều với sự phục hồi được ghi nhận ở phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Phóng viên: Một số định chế tài chính toàn cầu mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Âu và cảnh báo chính sách thuế quan đáp trả lẫn nhau có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của châu Á (Trung Quốc và Đông Nam Á) trong năm 2024 và 2025. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này, thưa ông?

Ông Andrea Coppola: Tôi nghĩ rằng tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và hội nhập thương mại là rất quan trọng đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu tại khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, bối cảnh tăng trưởng yếu hơn ở châu Âu và các biện pháp hạn chế thương mại có thể có tác động tiêu cực đến các nước định hướng xuất khẩu.

Tuy nhiên mặc dù hoạt động kinh tế ở châu Âu vẫn còn yếu, nhưng các chỉ số đã được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng từ 0,4% trong năm 2023 lên 0,8% trong năm 2024. Trong năm tới, chúng tôi kỳ vọng chỉ số này tăng lên mức từ 1-1,5%.

* Việt Nam tăng trưởng vượt trội

Phóng viên: Năm 2024, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm căng thẳng địa chính trị, xu hướng tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn, tăng trưởng chậm lại của các đối tác thương mại quan trọng và tác động từ thiên tai. Trong bối cảnh đó, ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm nay?

Ông Andrea Coppola: Tôi cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với bất định gia tăng do căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn chứng tỏ được sự kiên cường trước các nghịch cảnh.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và thiên tai cũng đặt ra những thách thức lớn. Chúng ta đã chứng kiến những tác động từ cơn bão Yagi (cơn bão số 3) vừa qua, và đó thực sự là những thử thách đáng kể đối với đất nước. Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng.

Quốc gia này không chỉ duy trì được đà phát triển kinh tế mà còn tiếp tục xu hướng tăng trưởng dài hạn. Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong năm 2024, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, nhờ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa. Đây là một thành tựu đáng khen ngợi, và tôi tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục trong năm 2025.

Phóng viên: Dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang các thị trường mới. Giữa bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, ông nhận định thế nào về vị thế cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới? Những yếu tố nào giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh và những yếu tố nào cần cải thiện?

Ông Andrea Coppola: Đây là một câu hỏi rất thú vị. Tôi cho rằng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ ba yếu tố chính. Đầu tiên, thực tế là môi trường kinh doanh của Việt Nam mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư. Đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Thứ hai, tôi nghĩ rằng cộng đồng quốc tế cũng rất đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này cũng rất quan trọng. Thứ ba, Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược là "cầu nối" giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Nhờ tất cả những điều này, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Để nâng cao hơn nữa vị thế cạnh tranh, tôi khuyến nghị Việt Nam tập trung vào ba lĩnh vực, bao gồm: Đầu tư vào vốn nhân lực để nâng cao kỹ năng và tay nghề của lực lượng lao động; Cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải và năng lượng, bao gồm năng lượng sạch, để giảm cường độ phát thải carbon trong các sản phẩm xuất khẩu; và Tận dụng triệt để các hiệp định thương mại hiện có, để làm sâu sắc hơn các hiệp định này bằng cách giảm thiểu các rào cản phi thuế quan, từ đó thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư.

Phóng viên: WB dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2025. Theo ông, đâu là những rủi ro chính mà Việt Nam cần nhận diện và vượt qua để đạt tăng trưởng tích cực trong năm sau?

Ông Andrea Coppola: Đúng vậy, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2025, giúp Việt Nam một lần nữa trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chúng ta cần cảnh giác trước một số rủi ro. Đầu tiên, nguy cơ tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu có thể tác động đến xuất khẩu. Thứ hai, chất lượng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng có thể giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng cho vay và đầu tư. Cuối cùng, biến đổi khí hậu và thiên tai cũng là một yếu tố cần quan tâm.

Nếu những rủi ro này trở thành hiện thực, chính sách tiền tệ có thể không còn đủ dư địa để hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt khi đồng USD có xu hướng tăng giá vào năm 2025.

Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, bao gồm các biện pháp như đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để giảm thiểu rủi ro và thu hẹp lỗ hổng tài chính. Các cơ quan chức năng có thể khuyến khích các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn và củng cố khuôn khổ thể chế nhằm giám sát thận trọng và can thiệp sớm.

Đồng thời, Việt Nam nên tăng cường khuôn khổ giám sát tài chính và thực hiện các cải cách cơ cấu quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và môi trường kinh doanh. Đây là chìa khóa cho sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chính sách kinh tế trong năm 2024? Ông có thể nêu ra khuyến nghị chính sách để Việt Nam có thể vượt qua các thách thức này và hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra cho năm 2025?

Ông Andrea Coppola: Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công đáng ghi nhận trong việc sử dụng linh hoạt các chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi nhu cầu trong nước. Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy định, cũng rất đáng khen ngợi.

Để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trong thời gian tới, tôi cho rằng Việt Nam cần tập trung các lĩnh vực trọng tâm, đó là con người, cơ sở hạ tầng và thể chế. Điều quan trọng là tiếp tục đầu tư vào vốn nhân lực và cải thiện hệ thống giao thông và năng lượng - nhằm hỗ trợ khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời hiện đại hóa các thể chế để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045.

Cuối cùng, tôi xin chúc Việt Nam một năm 2025 thật nhiều sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo BNEWS (TTXVN)

.
.
.