.

Để sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao

Cập nhật: 10:58, 08/01/2025 (GMT+7)

Nhiều năm qua, phong trào chơi, thưởng lãm và kinh doanh sinh vật cảnh (SVC) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển và lan rộng. Phong trào không chỉ duy trì thú chơi tao nhã, mà còn góp phần tăng giá trị cây trồng và làm giàu chính đáng.

KHAI THÁC TIỀM NĂNG

Chủ tịch Hội SVC tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết, tiềm năng phát triển SVC của tỉnh là rất lớn với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, đa dạng giống, loài hoa cảnh, cây cảnh, nguồn nhân lực dồi dào... Từ năm 2019 đến nay, theo số liệu điều tra chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 100 ha trồng hoa, cây cảnh, cá kiểng như: TP. Mỹ Tho có vùng trồng hoa tết, vườn trồng hoa lan, vùng sản xuất cá cảnh (xã Trung An, xã Phước Thạnh); huyện Gò Công Tây vùng trồng mai chiếu thủy nu Gò Công được công nhận nhãn hiệu năm 2021. Huyện Chợ Gạo tạo vùng trồng linh sam, đặc biệt có cây linh sam hồng đã đăng ký sở hữu trí tuệ năm 2022.

Làng nghề Kiểng cổ mai nu tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) là một trong những nơi cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Làng nghề Kiểng cổ mai nu tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) là một trong những nơi cây cảnh có giá trị kinh tế cao.

Tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè và TX. Cai Lậy, nhân dân trồng cây tùng rộng khắp các xã vùng Nam Quốc lộ 1, tạo vùng nguyên liệu, cây phôi bán cho cả nước. Bên cạnh đó, huyện Cái Bè phát triển cây nguyên liệu mai vàng, cung cấp mai tết cho cả vùng Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh (đã đăng ký sở hữu trí tuệ). Huyện Châu Thành có vườn Lan Vĩnh Kim, chủ nhân đầu tư gần 4 ha sản xuất hoa lan cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh.

Khai thác tiềm năng lợi thế của từng địa phương, nghề sản xuất, kinh doanh SVC duy trì mạnh, có nhà vườn bán tác phẩm SVC trị giá hàng tỷ đồng. Hằng năm, Hội SVC tổ chức phiên chợ SVC; thi cây kiểng; Hội thi Hoa lan mở rộng; Hội thi Cá cảnh; thi, trưng bày cây kiểng cổ, cây mai chiếu thủy; thi cây bonsai tiểu, siêu mini.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội SVC tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Tọa đàm giải pháp phát triển kinh tế SVC, phổ biến kiến thức phát triển hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao.

Tại tọa đàm, lãnh đạo các ngành, nghệ nhân, nhà vườn SVC cùng chia sẻ quan điểm phát triển ngành hoa, cây cảnh trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh.

Đồng thời, phát triển ngành hoa, cây cảnh theo hướng thị trường gắn với phát triển du lịch, trải nghiệm; khuyến khích các hình thức liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ...

Cụ thể, hiện nay, theo đề nghị của UBND huyện Gò Công Tây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu thành lập Hội đồng thẩm định xét công nhận Làng nghề Kiểng cổ mai nu tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây. Nghề kiểng cổ mai chiếu thủy nu được những nghệ nhân tâm huyết uốn tỉa, tạo tác thành các sản phẩm độc đáo, mang giá trị văn hóa cao.

Đặc biệt, thương hiệu “Mai chiếu thủy nu Gò Công” đã được bảo hộ, sản phẩm “mai nu mặt khỉ - kiểng cổ đuôi lân Tám Bỉnh” còn được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024. Nếu được xét công nhận, đây sẽ là làng nghề SVC đầu tiên của tỉnh.

Trong số 336 sản phẩm OCOP của tỉnh đã có 5 sản phẩm thuộc nhóm SVC đạt chứng nhận OCOP 3 sao: Cây mai vàng, cây lan phi điệp nuôi cấy mô, cây linh sam hồng Ngọc Ánh, mai nu mặt khi - kiểng cổ đuôi lân Tám Bỉnh, cây sam hương. Điều đó dần khẳng định rằng, các sản phẩm OCOP thuộc nhóm SVC ngày càng được quan tâm nâng cao về chất lượng và ngày càng khẳng định trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình sản xuất SVC vẫn còn theo truyền thống và tập quán cũ, nhỏ lẻ, phân tán, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa lớn, chưa xác định được nhu cầu, sức cạnh tranh của thị trường SVC trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, chưa nhiều kinh nghiệm, kiến thức, khoa học - kỹ thuật về giống, cây, con, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, ứng phó với biến đổi khí hậu..., cần có những giải pháp cụ thể để SVC trở thành ngành nghề cho giá trị kinh tế cao.

HƯỚNG ĐẾN NGÀNH KINH TẾ CÓ GIÁ TRỊ CAO

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn cho rằng, để phát triển SVC trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập hợp đông đảo hội viên, nghệ nhân, doanh nhân, người chung sở thích; trong đó, thu hút đầy đủ các lĩnh vực, nhóm ngành.

Cây linh sam hồng Ngọc Ánh (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) là một trong những sản phẩm đạt OCOP.
Cây linh sam hồng Ngọc Ánh (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo) là một trong những sản phẩm đạt OCOP.

Đồng thời, xây dựng đội ngũ nghệ nhân, doanh nhân SVC trở thành lực lượng nòng cốt, cơ sở nền tảng cho mọi hoạt động của Hội; hỗ trợ các hội viên, thành viên trong hoạt động nghề nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các dịch vụ...

Việc đổi mới nhận thức về hiệu quả, giá trị, đóng góp của Hội SVC đối với xã hội là rất cần thiết, khi sản phẩm SVC đáp ứng nhu cầu về vật chất, tinh thần ngày càng lớn của đời sống xã hội. Để SVC trở thành ngành kinh tế cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ SVC đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh thực hiện các giải pháp về cơ chế chính sách, quy hoạch gắn với đầu tư, cần chú trọng việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất.

Trong đó, cần quan tâm đến việc liên doanh, liên kết giữa “các nhà” theo mô hình ký kết, hợp tác cùng đầu tư cùng hưởng lợi; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành trong quá trình sản xuất.

Hướng đến sự phát triển bền vững, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, số lượng sản phẩm lớn, chất lượng đồng đều.

Hướng đến sự phát triển ngành kinh tế này, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho rằng, tỉnh cần xây dựng các chương trình, chính sách để SVC có nhiều điều kiện phát triển, tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực, nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển SVC.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) khởi nghiệp thành công từ con cá cảnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) khởi nghiệp thành công từ con cá cảnh.

Song song đó là hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất phù hợp với nhu cầu thực tế địa phương, thị trường tiêu thụ; phát triển các hình thức hợp tác liên kết đa dạng, phù hợp, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát và mở rộng quy hoạch vùng sản xuất hoa kiểng, SVC tập trung gắn với du lịch cộng đồng, trải nghiệm và du lịch nông nghiệp; tổ chức sản xuất theo hướng giá trị cao, đa dạng chủng loại theo thị hiếu người dùng. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh doanh trên nền tảng số nhằm đa dạng hóa các kênh bán hàng, góp phần phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Mỗi khu vực trọng điểm hình thành một mô hình thiết chế SVC (trung tâm bảo tồn, phát triển sinh vật cảnh; công viên sinh vật cảnh; hội chợ sinh vật cảnh...). Các huyện, thành, thị có tiềm năng phát triển SVC xây dựng được quy hoạch, kế hoạch phát triển hoa, cây cảnh, xác định vùng sản xuất, làng nghề hoa, cây cảnh; phát triển các chủng loại sinh vật cảnh truyền thống, bản địa trở thành sản phẩm có thương hiệu, giá trị cao.

Thời gian tới, Hội SVC tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng tập trung quy hoạch vùng cho sản xuất sinh vật cảnh; tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đào tạo lao động chuyên ngành SVC cùng với lồng ghép các chương trình khuyến nông để giúp các hội viên nâng cao tay nghề, phát triển mạnh nghề sản xuất, kinh doanh SVC, đưa SVC trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

SỚM MAI

 

.
.
.