.

Tiền Giang: Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025

Cập nhật: 20:29, 09/01/2025 (GMT+7)

(ABO) Chiều 9-1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025.

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, các sở, ban, ngành tỉnh đến dự.

a
Quang cảnh hội nghị.

Hiện nay, toàn tỉnh có 30 chi nhánh ngân hàng thương mại cấp 1; 11 chi nhánh ngân hàng thương mại loại 2 trực thuộc chi nhánh cấp 1; 101 phòng giao dịch; 16 Quỹ Tín dụng nhân dân; 2 chi nhánh Tổ chức Tài chính vi mô (CEP); 1 phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển; 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và 170 điểm giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội. Mạng lưới ngân hàng phủ khắp các huyện, thị, thành của tỉnh, đảm bảo nguồn vốn và cung ứng kịp thời các dịch vụ thanh toán đến người dân, doanh nghiệp.

a
Đồng chí Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay và thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử của ngân hàng nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 107.131 tỷ đồng, tăng 10.249 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng 10,58%, đạt 102,39% so với kế hoạch; vốn huy động tăng bình quân 0,85%/tháng.

Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thực hiện là 106.439 tỷ đồng với 238.664 khách hàng còn dư nợ, dư nợ tăng 9.135 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng 9,39%, bình quân tăng 0,76%/tháng. Hệ thống tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho hơn 1,5 triệu lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay lũy kế hơn 229.000 tỷ đồng.

a
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đồng hành cùng các khách hàng vay, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã tổ chức nhiều chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với UBND TP. Mỹ Tho và các chi nhánh ngân hàng thương mại thực hiện các tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Mỹ Tho, đã tạo được sự quan tâm, đồng thuận của người dân trên địa bàn. Tổ chức thành công Hội nghị chuyển đổi số ngành Ngân hàng Tiền Giang, có kết hợp triển lãm các gian hàng trưng bày sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để người dân, doanh nghiệp đến tham quan và trải nghiệm, góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành Ngân hàng và của địa phương.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, ngành Ngân hàng Tiền Giang còn tích cực, chủ động tham gia nhiều hoạt động an sinh xã hội, tài trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn xây dựng, sửa chữa nhà ở; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, cán bộ hưu; xây dựng, sửa chữa cầu đường, trường học; tặng sách vở, học bổng và tài trợ các chương trình giáo dục… với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Văn Dũng ghi nhận và biểu dương những thành tích mà toàn ngành Ngân hàng Tiền Giang đã đạt được trong năm 2024. Đồng chí Trần Văn Dũng đề nghị, tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động ngân hàng, từ đó chủ động nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành hoạt động ngành Ngân hàng. Tích cực nghiên cứu, đề ra các giải pháp cụ thể để tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo và điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Theo dõi, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc chấp hành các quy định về lãi suất cho vay nhằm đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận vốn vay với mức lãi suất hợp lý tạo điều kiện cho khách hàng đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời, tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ của các ngân hàng…

LÊ MINH

.
.
.