Đồng hành khởi nghiệp cùng chị em
Cập nhật: 15:25, 29/05/2023 (GMT+7)
(ABO) Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển sản xuất là giải pháp then chốt giúp phụ nữ tự tạo việc làm, phát triển kinh tế trong thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Với phẩm chất cần cù, năng động, vượt khó cùng sự chung tay tiếp sức của các ngành, các cấp, nhiều chị em phụ nữ của xã Lương Hòa Lạc đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.
Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm mà Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc chú trọng thực hiện. Theo đó, ngay từ đầu năm, Ban Chấp hành Hội đã dành nhiều thời gian trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em phụ nữ, rà soát hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hội còn hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn do Hội quản lý, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn để thực hiện ý tưởng kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, giúp chị em mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc là một trong nhiều phụ nữ của xã đã mạnh dạn vay vốn, quyết tâm khởi nghiệp. |
Hằng năm, Hội LHPN xã tổ chức cho hội viên, phụ nữ tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như mô hình trồng mận, mít có hiệu quả tại huyện Cái Bè. Sau đó, có 5 chị mua giống mít về trồng, với số lượng 600 cây mít và được cơ sở hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra sản phẩm. Về vốn, Hội đã hỗ trợ 5 chị số tiền 160 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ MOM để trồng trọt, cải tạo vườn cây. Hội còn thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ kiến thức, qua khảo sát hội viên, phụ nữ sử dụng vốn đúng mục đích, phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài ra, Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc đã giới thiệu nhiều phụ nữ tham gia lớp khởi nghiệp; phối hợp khảo sát nhu cầu lao động, mở lớp dạy nghề đan lát, lục bình... cho 35 học viên; từ đó, tạo việc làm tại nhà cho hàng chục phụ nữ. Hội còn duy trì hiệu quả Mô hình nhóm “Phụ nữ chăn nuôi sạch” tại ấp Lương Phú C có 15 phụ nữ tham gia. Nhóm sinh hoạt theo quý, thông qua các cuộc họp, buổi sinh hoạt, Hội hướng dẫn hội viên, phụ nữ về kiến thức chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, trao đổi kinh nghiệm, cách làm có hiệu quả.
Với niềm đam mê hoa lan, ban đầu chỉ là trồng theo sở thích, nhưng sau gần 2 năm chăm sóc bán có lãi vào dịp tết, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, sinh năm 1985, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc đã mạnh dạn vay vốn quyết tâm khởi nghiệp với mô hình trồng hoa lan, bước đầu đem lại hiệu quả khá cao.
Chị Trang chia sẻ: "Thấy hoa lan đẹp nên chỉ trồng vài chậu trong nhà, chứ lúc đầu chưa nghĩ là mình sẽ khởi nghiệp bằng việc trồng, mua bán hoa lan. Bởi khi lập gia đình, để có tiền lo cho gia đình, nuôi các con ăn học, tôi nhận hàng đan lát từ Tổ hợp tác đan lát của phụ nữ xã Lương Hòa Lạc về đan được hơn 10 năm. Sau những lúc đan lát, tôi mài mò tách, chiếc từ vài chậu hoa lan đang trồng trong nhà. Đồng thời, qua tìm hiểu cho thấy ngày càng có nhiều người có nhu cầu mua bán hoa lan nên mạnh dạn đầu tư trồng hoa lan để bán, vừa có thu nhập, vừa thỏa niềm đam mê yêu thích hoa lan. Nghĩ là làm, tôi bắt tay ngay vào việc lên các trang mạng xã hội mua bán lan, tìm những loại lan phù hợp mua về trồng thử".
Chị Trang đang chăm sóc vườn lan của gia đình. |
Năm 2021, được sự giới thiệu của Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc, chị Trang mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang. "Nhờ có Hội LHPN xã giới thiệu cho vay vốn, phát triển kinh tế, tôi đã mua các loại cây giống lan, giá thể, làm giàn cho hoa; ban đầu vài chục chậu, rồi lên 100 chậu. Vào dịp Tết Nguyên đán hắng năm, bà con xung quanh thấy hoa đẹp nên ủng hộ nhiều, nên rất phấn khởi", chị Trang bày tỏ.
Từ vài chục chậu, đến nay vườn lan của chị Trang có trên 500 chậu lan đủ màu sắc, với các loại lan Dendro, hồ điệp… Nhờ chịu khó chăm sóc, học tập kinh nghiệm từ bạn bè và qua mạng Internet mà vườn lan của chị Trang phát triển tốt, nhân được nhiều giống, cho ra hoa đẹp. Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp, chị Trang cho rằng: “Theo tôi, để khởi nghiệp thành công, thì mình phải đam mê, chịu khó tìm tòi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc của mình. Và điều quan trọng hơn hết là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm”.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Hòa Lạc Nguyễn Thị Thúy Vân, để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, Hội LHPN xã tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của phụ nữ, vận động phụ nữ tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để có điều kiện tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
P. MAI