.

Đề xuất tăng 30 lần tiền phạt khi mang điện thoại vào khu vực cấm về phòng cháy

Cập nhật: 22:24, 14/01/2025 (GMT+7)

Bộ Công an đề xuất phạt 3-5 triệu đồng với hành vi mang bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào nơi có quy định cấm liên quan phòng cháy.

Thông tin được nêu trong dự thảo lần 2 Nghị dịnh quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ với cá nhân là 50 triệu đồng, tổ chức là 100 triệu đồng - cao gấp 16-30 so với hiện hành.

Tại nghị định 144/2021 đang có hiệu lực, người có các hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng

Dự thảo đề xuất phạt 5-7 triệu đồng với hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy theo quy định. Mức phạt hiện hành là 300.000-500.000 đồng.

Một hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện nay. Ảnh: Phạm Dự
Một hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện nay. Ảnh: Phạm Dự


Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền 10-15 triệu đồng nếu sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt ở những nơi có quy định cấm; hàn, cắt mà không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo quy định. Nếu để xảy ra cháy mức phạt sẽ tăng gấp đôi.

Không tham gia chữa cháy nếu có khả năng có thể bị phạt đến 5 triệu đồng

Bộ Công an đề xuất người không tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có khả năng, điều kiện cho phép sẽ bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.

Mức phạt 3-5 triệu đồng còn được đề xuất cho hành vi, không chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện, nguồn nước và các điều kiện khác phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không chấp hành lệnh huy động tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; không tham gia khắc phục hậu quả vụ cháy khi có yêu cầu của người có thẩm quyền.

Theo dự thảo, nhà chức trách sẽ phạt 500.000-1 triệu đồng với hành vi tự ý vào khu vực chữa cháy khi không được phép của người có thẩm quyền (quy định hiện hành phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng); 10-15 triệu đồng với hành vi lấn chiếm, bố trí vật cản gây cản trở hoạt động của phương tiện chữa cháy.

Mức 15-25 triệu đồng áp dụng với hành vi cản trở lực lượng, phương tiện chữa cháy (hiện hành 5-10 triệu đồng). Mức phạt tăng lên 30-40 triệu đồng nếu có hành vi không thực hiện hoặc không duy trì đường giao thông cho phương tiện chữa cháy; làm mất tác dụng của đường giao thông dành cho chữa cháy (hiện hành 5-10 triệu đồng).

Với hành vi báo cháy giả, báo tình huống cần phải cứu nạn, cứu hộ giả, Bộ Công an đề xuất phạt 5-10 triệu đồng. Lỗi này đang áp dụng theo quy định hiện hành là 4-6 triệu đồng với cá nhân, với tổ chức 8-12 triệu.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.