Tám Chất, sống như tên anh
Tôi quen biết anh Nguyễn Hữu Chất (tên thường gọi là Tám Chất) từ năm 1988. Hồi đó, đi khai hoang ở kinh 27, chiều tối tôi hay đạp xe ra nhà anh. Bây giờ gặp lại, nhà anh ở trong khu chợ Mỹ Phước. Gia đình anh nền nếp văn hóa, luôn luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nguyễn Hữu Chất sinh năm 1952, quê Thanh Chương - Nghệ An. Thanh Chương là vùng bán sơn địa, đất cằn sỏi đá, chuyên trồng chè và mít. Bởi thế mới có câu ca: “Có phải vậy mà anh nỏ về. Hay anh chê quê em nghèo đói. Đất Thanh Chương nhút mặn tương cà…”.
Mảnh đất ấy tạo nên những con người cao quý như Lê Huy Mậu, tác giả của “Khúc hát sông quê” nổi tiếng. Người Thanh Chương đến đâu cũng làm ăn rất giỏi. Tám Chất cũng vậy.
Anh tham gia đơn vị Tỉnh đội Tiền Giang, hết chiến tranh chuyển sang làm kinh tế. Xí nghiệp Mía đường giải thể, phục viên, anh về bươn chải kiếm sống giữa đời thường. May mắn cho anh là cơ quan cho căn nhà cấp bốn nằm sát chợ Bà Bèo. Chị Tám người cùng quê, tháo vát.
Hồi ấy gọi là chợ nhưng nhếch nhác lắm, mùa nước nổi khách vắng teo, chỉ khi mùa khô mới bán buôn được chút đỉnh. Anh thì làm đủ nghề: Ươm bạch đàn con, khẩn đất hoang, chạy “xe ôm”… Hễ làm cái gì kiếm được tiền chính đáng thì làm. Vóc người anh thấp đậm, nước da cháy nắng, bàn tay nứt nẻ, chai sạn, chịu lắm vất vả mà vẫn bình thản, vui vẻ với nụ cười hiền hậu.
Xung quanh nhà anh trồng chuối già. Hễ có tí đất trống là anh trồng rau, trồng chuối. Vợ chồng anh hồi đó nuôi mấy con heo nái. Nhà chật, nhếch nhác.
Năm 1992, lụt to. Đường vô Bà Bèo ngập hết. Nền nhà anh nước đã ngập thềm. Bầy heo lội chòm chõm dưới nước, phải đưa heo lên cầu chùa Phật Đá, là chỗ cao nhất ở chợ Bà Bèo. Bà con dời heo, gà… lên để tránh lụt. Những năm đó cơ cực lắm. Bà con thường mua thiếu gạo ở nhà anh. Mấy đứa con của anh lăn lóc, tội lắm!
Vậy mà, những người con gái của anh là An, Tâm, Phương, Thúy và Linh đều xinh đẹp, học giỏi. Hiện nay đều tốt nghiệp đại học ngân hàng, kinh tế. Các cháu tự học, tự vươn lên.
Người lính trinh sát năm nào nay đã qua tuổi 60 rồi. Anh bùi ngùi kể lại: - Lúc làm có chút tiền lại bị người ta lừa mất vốn. May có Hoàng Thái Hòa giúp đỡ. Qua rồi, nghĩ càng thương người nghèo…
Hòa cũng là thượng úy, từng ở chiến trường K. Ngày nhà anh gặp chuyện, tôi đưa hai vợ chồng đến nhà anh Hòa. Bộ đội với nhau dễ thông cảm. Hoạn nạn người ta bỏ hết, chỉ còn đồng đội thôi!
Hôm nay, Bà Bèo đã sang trang mới. Thị trấn Mỹ Phước với chợ khang trang, người, xe tấp nập. Tám Chất dẫn tôi lên tầng hai thiết kế rất đẹp, ngăn nắp. Có giếng trời tắm ánh sáng trời. Có bệ thờ Phật bà trang trọng để ngồi thiền tĩnh tâm. Anh chị tin vào Phật hay tin vào tình thương? Phòng nghỉ của anh đầy đủ tiện nghi. Vậy mà anh vẫn ngủ ở tầng trệt, trên tấm phản cũ ngày trước. Anh bảo: Nằm nệm không quen, khó ngủ.
Anh dẫn tôi đi một vòng quanh chung cư và ăn sáng. Một buổi sáng sau hơn 20 năm tôi trở lại. Tất cả đổi thịt thay da như cô lọ lem thành công chúa! Riêng anh vẫn thế.
Hơn 60 rồi, anh nói: - Giờ đau đầu, thiếu máu não. Nhớ bạn bè, muốn tới thăm, nhưng con không cho chạy xe, sợ nguy hiểm. Mua xe hơi cũng được, nhưng ai lái đây? Hôm nào thuê xe xuống Mỹ Tho chơi thăm anh em một chuyến.
Nhìn anh đi đôi dép mủ bể đế, mặc bộ đồ cũ cà tàng, ít ai nghĩ là người có tiền. Cả tủ quần áo sang trọng, vậy mà vẫn ăn mặc như xưa. Anh hòa khuất trong những nông dân vùng quê Tân Phước còn đầy khó khăn, thiếu thốn. Những nguời đến bám trụ lâu nhất, chung thủy với đất phèn vùng lũ lụt như Tám Chất bây giờ đều có của ăn của để. Họ xứng đáng được sung sướng bởi công sức và thời gian bỏ ra biết nhường nào.
Giàu có thì hưởng thụ. Người đời thường thế. Nhưng cái người Thanh Chương “nhút mặn” này vẫn sống giản dị và nhân ái. Anh vui với sự trưởng thành của đàn con và giúp đỡ người nghèo khó xung quanh.
Nét đẹp tâm hồn kín đáo ấy phải chăng phẩm chất người lính vẹn nguyên như vàng mười trước dòng đời đầy biến động!?
Vùng Mỹ Phước, ra đến Long Định, vô tận Tân Hòa Đông, bà con đều biết anh Tám Chất. Bởi anh từng chạy “xe ôm”, gắn bó hơn 40 năm ở đây và nhất là tính hiền lành, chân chất, bình dị như tên anh: Tám Chất.
Mỹ Phước, tháng 12-2012
NGUYỄN THANH XUÂN