.

Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ"

Cập nhật: 15:51, 13/01/2020 (GMT+7)
Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tăng ngày làm việc thứ bảy, chủ nhật để giải quyết hồ sơ tồn đọng.
Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh tăng ngày làm việc thứ bảy, chủ nhật để giải quyết hồ sơ tồn đọng.

Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay còn gọi cấp “sổ đỏ” là bài toán khó; bởi tính chất phức tạp của việc xác minh nguồn gốc đất cùng với hàng loạt những thể chế từ Trung ương còn bất cập dẫn đến lượng hồ sơ tồn đọng của Tiền Giang những năm qua luôn ở mức cao. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sau gần 5 năm tập trung giải quyết từng khúc mắc từng vấn đề cụ thể, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong năm vừa qua.

Bài 1: Đã có hướng tháo gỡ

Cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, việc cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung thực hiện với phương châm quyết tâm gỡ vướng để cấp “sổ đỏ” cho các thửa đất tồn đọng. Kết quả đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét; tỷ lệ hồ sơ tồn đọng giảm mạnh qua từng năm.

Do đặc thù liên quan đến đất đai rất phức tạp, khó quản lý, nên việc quan tâm đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, bộ thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Trong đó, việc đầu tư các phầm mềm phục vụ công tác cấp GCNQSDĐ đã tạo nên những thành công bước đầu.

SỐ HÓA CÁC THỦ TỤC

Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Văn Đậm cho biết: “Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh đang áp dụng 3 phần mềm: Phần mềm Một cửa liên thông, phần mềm Vilis 2.0 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành để kết nối thực hiện giữa Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) và Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện và phần mềm Liên thông hồ sơ tính thuế nên đã rút ngắn thời gian, giúp việc tiếp nhận, giải quyết, tra cứu hồ sơ nhanh, tiện lợi, hiệu quả. Đồng thời, đã áp dụng các phần mềm liên thông hỗ trợ nhập thông tin, dịch vụ chuyển trả hồ sơ GCNQSDĐ qua Bưu điện hạn chế sai sót hồ sơ và thời gian đi lại của người dân”.

Theo thống kê của Sở TN&MT, từ ngày 1-7-2015 đến 26-7-2019, Sở TN&MT đã hoàn thiện thủ tục và ký cấp được 7.745 GCNQSDĐ, còn tồn 59.151 hồ sơ thuộc Dự án VLAP chưa được tiếp tục giải quyết do có nhiều sai sót cần chỉnh sửa, bổ sung.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã xây dựng Bộ công cụ hỗ trợ nhập thông tin liên thông phần mềm đăng ký cấp GCNQSDĐ tích hợp trên Một cửa điện tử của tỉnh để hướng dẫn người dân kê khai các biểu mẫu, giấy tờ có liên quan và phối hợp với Cục Thuế thực hiện quy trình liên thông thuế không sử dụng văn bản giấy.

Biểu đồ thể hiện tỷ lệ hồ sơ Cấp GCNQSDĐ tại Văn phòng ĐKĐĐ.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ hồ sơ cấp GCNQSDĐ tại Văn phòng ĐKĐĐ.

Tại Văn phòng ĐKĐĐ, các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, UBND cấp xã hiện nay đang sử dụng phần mềm Một cửa điện tử của tỉnh để xử lý, quản lý và luân chuyển hồ sơ. Từ ngày 1-12-2018, trong hệ thống Văn phòng ĐKĐĐ đã phối hợp với ngành Thuế thực hiện quy trình liên thông hồ sơ tính thuế không sử dụng văn bản giấy trên phần mềm Liên thông thuế. Nhờ ứng dụng các phần mềm hiệu quả mà hồ sơ tồn đọng đã giảm rõ rệt.

HIỆU QUẢ RÕ RỆT

Theo thống kê, nếu năm 2015 tổng số hồ sơ cấp GCNQSDĐ liên quan đến hộ gia đình và cá nhân trong tỉnh được tiếp nhận từ cấp huyện gửi về và tồn đọng tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh (trực thuộc Sở TN&MT) là 6.396 hồ sơ, cơ quan chức năng chỉ mới giải quyết 1.831 hồ sơ, còn 4.565 hồ sơ tồn đọng (chưa bao gồm hồ sơ Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai - VLAP) thì hiện nay hồ sơ tồn đọng đã giảm nhiều.

Còn theo Báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh, tính đến ngày 31-8-2019, tiến độ cấp GCNQSDĐ lần đầu ở các huyện, thành, thị đạt tỷ lệ rất cao, trung bình toàn tỉnh đạt khoảng 97,7%; trong đó, có một số huyện, thị xã đạt 100%; hầu hết các hồ sơ được giải quyết đúng hạn, rất ít hồ sơ giải quyết trễ hạn và có một số huyện giải quyết đúng hạn 100%.

Cụ thể, trong năm 2019, Văn phòng ĐKĐĐ và các Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ cấp huyện đã linh hoạt trong điều hành, quản lý, tăng thêm ngày làm việc thứ bảy, chủ nhật để giải quyết các hồ sơ tồn đọng của các năm trước. Tính đến ngày 31-8-2019, tại Văn phòng ĐKĐĐ, hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn 85.977 thửa/87.105 thửa (đạt 99,7%), quá hạn 0,3%. Tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ, số hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn 96,3%, quá hạn 3,7%; công tác đo đạc, hồ sơ giải quyết đúng hạn, trước hạn 92,3%, quá hạn 7,7%.

Riêng đối với Dự án VLAP, Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Tươi cho biết, Dự án VLAP là câu chuyện kéo dài nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết rốt ráo, không ít người dân than phiền bức xúc bởi có đất nhưng không được cấp đổi GCNQSDĐ do nhiều sai sót với nhiều dạng khác nhau. Dự án này kết thúc vào ngày 30-6-2015 nhưng lượng hồ sơ tồn đọng vẫn rất lớn, khoảng 59.150 hồ sơ. Tuy nhiên, nếu trước đây gần như không có giải pháp hiệu quả đối với Dự án VLAP thì mới đây Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp và bước đầu thí điểm tại xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) có hiệu quả tích cực. Sở TN&MT đang xin ý kiến UBND tỉnh để nhân rộng mô hình này tại các địa phương có hồ sơ Dự án VLAP tồn đọng”.

Có thể nói, có được kết quả này phải kể đến việc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh và sự vận hành hiệu quả của các ngành, địa phương. Tuy nhiên, qua khảo sát của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về tình hình cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh vừa qua cho thấy, vẫn còn không ít bất cập cần tiếp tục tháo gỡ.

THU HOÀI (Còn tiếp)

.
.
.