.
Trong thế giới "người điên":

Bài cuối: Những tấm lòng "từ mẫu"

Cập nhật: 09:57, 24/03/2021 (GMT+7)
 
Chăm sóc người bình thường đã khó thì chăm sóc bệnh nhân tâm thần lại càng khó hơn. Mỗi bệnh nhân một tính cách, có người trầm tính, ít nói nhưng có người thì luôn miệng la hét, quậy phá... Vì vậy, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần đòi hỏi người thấy thuốc phải có cái tâm, cái tình và sự tận tụy yêu thương.

Chúng tôi đã có một ngày ở cùng các bác sĩ, nhân viên điều trị, chăm sóc các bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang. Có tận mắt quan sát, chứng kiến công việc của họ mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của những người áo trắng phải sống cùng bệnh nhân nơi đây.

HẾT LÒNG VỚI BỆNH NHÂN

Khi được hỏi: “Có khi nào bác sĩ bị bệnh nhân rượt hay đánh không?”, bác sĩ Võ Thị Chinh cho biết: “Chuyện bác sĩ, nhân viên của bệnh viện bị bệnh nhân đánh là bình thường và hầu như ai cũng từng bị bệnh nhân đánh. Bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp trực tiếp chăm sóc bệnh nhân đã không ít lần bị những người mình chăm sóc, điều trị nổi cơn đánh đập, chửi mắng…”.

 Điều dưỡng Huỳnh Ngọc Cơ thăm khám bệnh nhân tâm thần.
Điều dưỡng Huỳnh Ngọc Cơ thăm khám bệnh nhân tâm thần.

Nhớ lại một lần tiếp nhận bệnh nhân điều trị, bác sĩ Chinh kể: “Lần đó bệnh nhân mới nhập viện, lên cơn, nổi tính hung dữ, lật đổ cả bàn làm việc, không chịu hợp tác, dọa đánh bác sĩ. Do có kinh nghiệm nên tôi đã cho bệnh nhân ra khỏi phòng khám bệnh, sau đó nhờ lực lượng bảo vệ, trực ban đóng cổng giữ bệnh nhân lại. Làm nghề này, đặc thù lắm, đòi hỏi người làm nghề phải có nghiệp vụ và cách xử trí tình huống hợp lý”.

Theo bác sĩ Chinh, chuyện bệnh nhân lên cơn là hầu như ngày nào cũng có. Khi tỉnh táo, bệnh nhân nghe lời, hợp tác với bác sĩ, nhân viên nhưng khi lên cơn, không kiểm soát thì cái gì họ cũng dám làm, kể cả đánh người. Do đó, với bệnh nhân tâm thần, người thầy thuốc phải hết sức mềm dẻo, dùng lời lẽ nhẹ nhàng để khuyên ngăn họ chứ không nên quá cứng rắn. Trong trường hợp bất khả kháng lắm người thầy thuốc mới sử dụng đến biện pháp cuối cùng là nhờ công an, bảo vệ khống chế bệnh nhân.

Thật vậy, bên cạnh tình yêu nghề thì đòi hỏi bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần phải có tình yêu thương con người và quyết tâm cao mới có thể trụ được với công việc đặc biệt này. “Nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng bị đánh, chửi bới hằng ngày nhưng do hiểu được loại bệnh này nên anh chị em ai nấy đều vui vẻ và tận tình chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân. Không những thế, việc khám bệnh cho người bệnh tâm thần rất khó, đau một đằng họ lại nói một nẻo, thậm chí có không ít người suốt ngày chỉ đòi tự tử. Còn mỗi lần cho uống thuốc hay ăn cơm thì có nhiều bệnh nhân hộ lý phải dỗ dành như trẻ con, mới chịu ăn, chịu uống, có khi phải đút cho ăn như một đứa trẻ” - bác sĩ Chinh trải lòng.

Hơn 30 năm trong nghề, điều dưỡng Huỳnh Ngọc Cơ cho biết, anh không nhớ nổi mình đã từng chăm sóc cho bao nhiêu bệnh nhân, mỗi người một tính cách khác nhau, thế nhưng tựu trung ở họ mà anh cảm nhận đó là sự đáng thương, bởi họ rất cô đơn, cần người quan tâm, chăm sóc. “Có bệnh nhân sau khi ra viện trở về với cuộc sống đời thường khi gặp lại mình ngoài đời họ nhớ và chào hỏi làm mình cũng cảm thấy ấm lòng” - anh Cơ chia sẻ.

Với hơn 20 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, chị Lương Thị Hồng Yến (là hộ lý) xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình. Dù công việc vất vả nhưng chưa khi nào chị có ý định xin nghỉ việc. Nói về những bệnh nhân ở đây, chị Yến xem họ như người nhà của mình. “Nhiều người xin vào làm chỉ được vài ngày chịu không nổi phải xin nghỉ việc. Việc chăm sóc người bệnh tâm thần phải bằng cả cái tâm và thật là tỉ mỉ từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến tắm rửa, thay đồ… đặc biệt là khâu uống thuốc, phải dỗ dành như em bé không thôi là họ bỏ thuốc” - chị Yến trải lòng về công việc của mình.

YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ

Tại khu điều trị những bệnh nhân nặng của Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang hiện có 2 “buồng cách ly” với hơn 60 bệnh nhân nam. Không có những tiếng chửi bới, gào khóc... “thế giới người điên” trầm lặng hơn chúng tôi tưởng. Buổi cơm trưa, các bệnh nhân nam ngồi vào bàn ăn khá trật tự. Ăn xong, phần cơm thừa ai nấy tự bỏ vào cái xô để sẵn, rồi “ngoan ngoãn” vào “buồng cách ly”. Thấy chúng tôi đưa máy chụp hình, các bệnh nhân ùa lại cánh cửa sắt, có người nói: “Cười rồi nè, chụp đi!”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy luôn đồng cảm, chia sẻ, chăm sóc các nữ bệnh nhân như người nhà của mình.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy luôn đồng cảm, chia sẻ, chăm sóc các nữ bệnh nhân như người nhà của mình.

Theo chân một chị hộ lý vào tận “buồng cách ly”, chúng tôi nhìn thấy một số bệnh nhân sau khi ăn cơm xong thì đi lang lang trong khuôn viên “buồng cách ly”. Số khác khi thấy chúng tôi và chị hộ lý vào thì xúm xít ngồi lại rất trật tự. Từng người được chị hộ lý cắt móng tay, móng chân. Trong khi chờ đến lượt mình, một bệnh nhân chừng 40 tuổi đưa tay phát biểu: “Nay vui, cho em xin hát một bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”. Không khí trong “buồng cách ly người điên” trở nên thân tình, với những nụ cười hiền lành, ngờ nghệch.

Đến thăm khu điều trị dành cho bệnh nhân nữ thì không khí còn trầm lặng hơn. Các cô, các chị chủ yếu mắc bệnh tâm thần mãn tính, mọi người rất ít nói chuyện nhưng khi được hỏi thăm thì tất cả đều xúm lại tranh nhau trình bày. Khi chúng tôi hỏi thăm một bệnh nhân này thì một bệnh nhân khác lại chen vào nói: “Em xin trả lời dùm chị này, do áp lực sau khi sinh con nên chị này bị điên nè!”.

Vừa chải đầu, cắt móng tay, móng chân cho các cô, các chị bệnh nhân, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Đa số các bệnh nhân đều hiền lành, nghe lời y, bác sĩ, điều dưỡng. Bệnh nhân tâm thần thật sự không đáng sợ như nhiều người nghĩ, họ chỉ lên cơn khi bị kích động về một vấn đề nào đó”.

CẦN LIỆU PHÁP TÂM LÝ

Bên cạnh công tác chăm sóc, điều trị, Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang còn tạo ra nhiều không gian sinh hoạt bổ ích cho các bệnh nhân như: Vui chơi thể thao, đọc sách báo, ca hát…, để họ có thể giảm bớt phiền muộn, suy nghĩ cuộc sống tích cực, lạc quan hơn. Tại Phòng Phục hồi chức năng của bệnh viện, dưới sự hướng dẫn của điều dưỡng Huỳnh Ngọc Cơ, các bệnh nhân được tập thể dục hoặc đọc báo. “Với bệnh nhân tâm thần họ rất cần lao động hoặc cần người trò chuyện, tâm sự để có thể vơi đi ưu phiền, không suy nghĩ tiêu cực. Chính vì lẽ đó, bệnh viện thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động thể thao như đánh cầu lông, dưỡng sinh hay đọc báo…” - anh Cơ cho biết. Còn trong phòng giặt giũ, chị Nguyễn Thị Tươi, một bệnh nhân đang thoăn thoắt đôi tay với thao tác nhanh, chính xác để giúp các hộ lý của bệnh viện gấp lại quần áo. “Ở đây buồn lắm, được anh, chị kêu làm giúp là vui rồi” - chị Tươi hăm hở nói.
Nói về công tác điều trị bệnh nhân tâm thần, Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Quốc Kính, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang cho biết, điều trị bệnh nhân tâm thần khác với điều trị các bệnh nhân thông thường bởi đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm rất lớn do có những bệnh nhân đến điều trị mà luôn có hành vi chống đối hay nguy hiểm hơn là những bệnh nhân hoang tưởng sẵn sàng hành hung các y, bác sĩ. Bên cạnh nắm chắc chuyên môn, các y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện còn phải biết liệu pháp tâm lý để có thể xử trí tốt mọi tình huống. Đặc biệt người thầy thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần phải luôn gần gũi, tìm hiểu, lắng nghe để xem họ bị khiếm khuyết mặt nào hay cần bổ sung những gì để họ có cuộc sống lạc quan, tích cực hơn.

***

Chia tay Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang, chúng tôi vẫn khắc khoải về cuộc đời, số phận bất hạnh của những bệnh nhân không may mắc bệnh tâm thần đang điều trị nơi đây. Mong rằng, xã hội sẽ bớt đi sự kỳ thị, dang rộng vòng tay yêu thương giúp những bệnh nhân tâm thần có thể sớm bình phục hòa nhập với cuộc sống đời thường. Và cũng cảm kích biết mấy những vất vả, nhọc nhằn của đội ngũ y, bác sĩ điều dưỡng, hộ lý đã trao cho những bệnh nhân tâm thần tình yêu thương, để họ có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật.

PHƯƠNG MAI - PHI CÔNG

.
.
.