Thứ Tư, 30/10/2013, 12:30 (GMT+7)
.
BS CKI Võ Văn Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang:

Nạn nhân TNGT cần phải được sơ cứu ban đầu và vận chuyển an toàn

Sơ cứu các nạn nhân bị tai nạn giao thông (TNGT) là vấn đề được các cấp, các ngành và các đoàn thể hết sức quan tâm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về tính mạng và sức khỏe của người dân từ hậu quả của TNGT. Xung quanh vấn đề này, Bác sĩ Chuyên khoa I (BS CKI) Võ Văn Hùng (V.V.H) cho biết:

Tai nạn giao thông đường bộ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người, trung bình mỗi năm trên thế giới có hàng triệu người tử vong vì TNGT và hàng chục triệu người khác bị thương.

Tại Việt Nam, tình hình TNGT trong những năm qua tuy có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương vẫn còn cao, là mối bất an cho xã hội. Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia thì:

* Năm 2011, toàn quốc xảy ra 43.204 vụ TNGT đường bộ, làm chết 10.800 người, bị thương 47.351 người.

* Năm 2012 TNGT đường bộ xảy ra 35.820 vụ, làm chết 9.540 người, bị thương 38.170 người.

* 7 tháng của năm 2013 toàn quốc xảy ra 17.181 vụ TNGT, làm chết 5.635 người, bị thương 17.153 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 1.257 vụ (6,82%), tăng 261 người chết (4,86%), giảm 2.497 người bị thương (12,71%).

Tại Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang (BVĐKTG), số liệu thống kê 8 tháng của năm 2013 cho thấy số người bị TNGT đường bộ nhập viện điều trị tăng 17,3%; số trường hợp tử vong tại bệnh viện do TNGT tăng 50 % so với cùng kỳ năm 2012. Với số người bị thương nhập viện điều trị và số người tử vong tăng như vậy nên đã tạo một áp lực rất lớn cho bệnh viện từ khâu tiếp nhận cấp cứu, khâu chẩn đoán, chăm sóc, điều trị.

Tuy nhiên, thời gian qua bệnh viện đã tổ chức cấp cứu, tiếp nhận bệnh nhân bị TNGT rất tốt. Tại khoa Cấp cứu luôn có BS chuyên khoa trực 24/24 giờ, lực lượng điều dưỡng chăm sóc sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân; phương tiện cấp cứu, trang thiết bị, thuốc men luôn đầy đủ. Đặc biệt, lực lượng cấp cứu ngoại viện gồm 1 BS, 1 điều dưỡng và xe cứu thương với đầy đủ phương tiện cấp cứu luôn trong tư thế sẵn sàng. Khi cần cấp cứu, chỉ gọi số 115, báo rõ địa điểm là lực lượng này sẽ lên đường ngay để cấp cứu nạn nhân.

Phóng viên (PV): Được biết, thực tế cho thấy với các nạn nhân TNGT có “thời gian vàng” để có khả năng sống sót, BS có thể nói thêm về điều này?

BS CKI V.V.H: Thật ra, không có một quy định cụ thể nào về “ thời gian vàng”. Về nguyên tắc một nạn nhân bị TNGT cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chăm sóc và điều trị. Năm 2009, Ban ATGT TP. Hồ Chí Minh cùng Bệnh viện Chợ Rẫy có công bố kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về ATGT cho thấy với các nạn nhân bị TNGT có chỉ định can thiệp phẫu thuật, bệnh nhân có “thời gian vàng” (từ lúc xảy ra TNGT đến lúc được can thiệp của nhân viên y tế) nhỏ hơn hoặc bằng 12 giờ thì có cơ hội sống cao 2,6 lần so với các nạn nhân được cấp cứu trễ.

Tuy nhiên, vấn đề là không phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế bằng bất cứ giá nào mà phải đưa nạn nhân đi một cách an toàn để không làm nặng thêm các thương tổn mà người đó đã bị. Có nghĩa là nạn nhân phải được sơ cứu ban đầu và vận chuyển an toàn.

Cấp cứu nạn nhân bị TNGT tại Khoa Cấp cứu BV ĐK Tiền Giang. Ảnh: Hạnh Nga
Cấp cứu nạn nhân bị TNGT tại Khoa Cấp cứu BV ĐK Tiền Giang. Ảnh: Hạnh Nga

PV: Trong tình hình hiện nay, BV ĐK TG có những giải pháp gì để làm tốt công tác cấp cứu cũng như chăm sóc nạn nhân TNGT?

BS CKI V.V.H: Như đã nói ở trên, tình hình TNGT hiện nay vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, dù trên phạm vi toàn quốc số vụ và số tử vong có giảm nhưng tại Tiền Giang vẫn còn một số địa phương có số vụ và số tử vong do TNGT tăng. BVĐKTG là đơn vị tuyến cuối của tỉnh do đó những nạn nhân nặng chắc chắn sẽ được chuyển về đây. Ý thức rõ được vấn đề này nên bệnh viện luôn trong tư thế sẵn sàng để tiếp nhận và điều trị cho người bị TNGT.

Giải pháp chủ yếu của bệnh viện là:

*Tổ chức cấp cứu ngoại viện tốt, kịp thời để sớm tiếp cận được nạn nhân khi xảy ra tai nạn.

* Tại Khoa Cấp cứu, các BS và điều dưỡng trực luôn trong tư thế sẳn sàng để tiếp nhận và điều trị cho nạn nhân.

* Tại các Khoa Lâm sàng luôn chuẩn bị đầy đủ thuốc men, trang thiết bị phục vụ

* Tuyên truyền về an toàn giao thông cho bệnh nhân và người nhà để góp phần làm giảm TNGT

PV: Xin BS cho biết về những khuyến cáo đối với người dân khi tham gia cấp cứu nạn nhân TNGT (sơ cứu) trước khi chuyển đến bệnh viện cấp cứu nhằm đảm bảo an toàn cho nạn nhân?

BS CKI V.V.H:

Có một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị TNGT tử vong do không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách và không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Do đó chúng ta cần lưu ý những điểm sau khi sơ cứu nạn nhân: việc đầu tiên là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho nạn nhân, làm thông thoáng đường thở. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... phải dùng tay móc ngay ra.
- Với người bị nhẹ (hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu, thậm chí đứng dậy được), cần cho nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.

- Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy ngón tay, nắm tay, khăn hay một cục bông đè mạnh vào vết thương. Đây là động tác rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.

- Với người có tổn thương chi như gãy xương, tay, chân phải cố định chi gãy bằng các nẹp cứng có sẵn. Gãy cẳng tay thì có thể lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chân thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện, nếu không có nẹp thì có thể cột 2 chân với nhau để cố định. Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định. Lưu ý: không được dùng tay nâng đầu nạn nhân lên vì làm như thế có thể gây tổn thương cột sống cổ.

- Với người bị nặng (trong tình trạng hôn mê), nên tiến hành sơ cứu theo 3 bước: Thông đường thở: làm nạn nhân thở được (hà hơi, hồi sức); kiểm tra tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết; chuyển ngay đến cơ sở y tế. Lưu ý, cần từ 2-3 người nhấc nạn nhân lên chứ không bế xốc bổng hay bế gập người lại, đưa đến chỗ an toàn và gọi xe cứu thương đến hoặc chuyển ngay đến bệnh viện.

- Không đặt người bị nạn nằm ngửa.

- Không lấy bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật gì nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút vật nhọn đó ra, vì lúc này nó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, nạn nhân mất máu nhiều, có thể bị tử vong.

- Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ do chở đi bị xóc đã tử vong trước khi vào viện do liệt hô hấp.

- Không đưa bất cứ một vật lạ, nước vào miệng người bị nạn, có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở.
Có một điều quan trọng mà chúng tôi cần khuyến cáo thêm là tình hình sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông hiện nay rất đáng báo động.

Thống kê 8 tháng của năm 2013 số nạn nhân bị TNGT nhập viện điều trị là 3.249 trường hợp, trong đó nam là 2.285, nữ 964. Thử nồng độ cồn trong máu các nạn nhân thấy có 2.263 người có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép, trong đó nam chiếm 96,7 %. Đây quả là điều đáng báo động!

PV: Xin cảm ơn BS!

PHÙNG LONG
(thực hiện)

.
.
.