Thứ Hai, 02/12/2013, 06:56 (GMT+7)
.
Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới:

Tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM

Sau thời gian triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình xây dựng NTM), đây là dịp nhìn lại những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm; đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp để hoàn thành kế hoạch đề ra. Trao đổi với Phóng viên Báo Ấp Bắc xung quanh vấn đề này, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (BCĐ) tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Cẩn cho biết:

Để thực hiện chương trình, bên cạnh các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy ban hành nghị quyết, UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng NTM từ năm 2010 - 2015. Để đảm bảo đến năm 2015 có 20% xã đạt NTM theo yêu cầu của Chính phủ, tỉnh đã chọn ra các xã điểm, xã diện chỉ đạo xây dựng NTM.

Đến nay, các xã này cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, xây dựng đề án và triển khai thực hiện. Từ những đồ án, đề án này, các xã đã định hình được bước đi trong xây dựng NTM. Kết quả đến nay, các xã điểm đều có số tiêu chí đạt từ 9 trở lên, xã đạt nhiều nhất 15 tiêu chí.

Phóng viên (PV): Như ông đã nói, các xã điểm đến nay chỉ mới đạt từ 9 - 15 tiêu chí, vậy liệu có thể hoàn thành kế hoạch ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2015 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Cẩn: Thời gian qua, Thường trực BCĐ tỉnh đã đến các xã chỉ đạo, hướng dẫn lập kế hoạch, lộ trình nâng các tiêu chí đạt NTM đến năm 2015. Đến nay, các xã đã hoàn thành kế hoạch, lộ trình trình huyện phê duyệt và huyện cũng đã trình cho BCĐ tỉnh. Thường trực BCĐ tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành lập kế hoạch thực hiện của ngành mình theo từng lĩnh vực phụ trách, hướng dẫn, giúp các xã hoàn thành các tiêu chí có liên quan.

Trên cơ sở kế hoạch, lộ trình đó, tỉnh phân chia nguồn vốn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn vốn; tổng hợp, phân tích phần vốn nào của Trung ương, tỉnh, huyện, xã và phần nào vốn của nhân dân, đơn vị kinh tế đóng góp. Theo kế hoạch, lộ trình mà các xã xây dựng, đến năm 2015 có ít nhất 10 xã điểm đạt chuẩn xã NTM, trong đó có từ 1 - 3 xã đăng ký về đích vào năm 2014.

PV: Qua tiếp cận, các xã điểm, xã diện đều cho rằng, tiến độ xây dựng NTM chuyển biến còn chậm và đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông thực tế diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Cẩn: Có thể nói, tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chuyển biến tương đối chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Về phía Trung ương, lúc đầu các văn bản của Trung ương ban hành thiếu đồng bộ gây lúng túng cho địa phương. Nhận thức của các cấp về chương trình chưa thông.

Ban đầu, huyện nào cũng muốn được chọn nhiều xã điểm để được đầu tư. Nhưng khi được chọn, các địa phương, cơ sở lại lúng túng, trông chờ cấp trên. Công tác xây dựng đồ án, đề án khá chậm; một số nơi không tuân thủ quy trình lấy ý kiến, công khai trước nhân dân mà chỉ thuê tư vấn thực hiện rồi thông qua hội đồng.

Chính vì thế, có những đề án, đồ án  không đảm bảo chất lượng, không sát với thực tế phải chỉnh sửa nhiều lần. Ngoài ra, các xã quá lệ thuộc vào nhà tư vấn trong việc xây dựng đồ án quy hoạch nên bị chậm trễ. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, chưa trở thành mũi đột phá trong xây dựng NTM. Việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở đòi hỏi phải có thiết kế, hóa đơn  làm mất thời gian và tốn chi phí. Nhìn chung, quá trình triển khai, thực hiện chương trình đến thời điểm này khá chặt chẽ nhưng còn chậm.

Nông dân xã Phú Thạnh (Tân Phú Đông) giúp nhau thu hoạch lúa. Ảnh: Hạnh Nga
Nông dân xã Phú Thạnh (Tân Phú Đông) giúp nhau thu hoạch lúa. Ảnh: Hạnh Nga

Đến nay, các xã điểm đã xác định lộ trình, kế hoạch, phân chia nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nhưng qua đây cho thấy vốn đầu tư để thực hiện theo lộ trình rất lớn. Cụ thể, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, trong đó có vốn phân bổ từ Trung ương đến năm 2015 cho các xã điểm trên dưới 190 tỷ đồng (Trung ương phân bổ hàng năm khoảng 20 tỷ đồng).

Như vậy, mỗi năm tỉnh cần 80 tỷ đồng để đầu tư cho các xã điểm (ưu tiên số một là trường học, sau đó giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ…). Tất nhiên, trong đó có vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu. Đây là cái khó của tỉnh. Tuy khó khăn như thế nhưng tỉnh cũng có thể thực hiện được bằng cách tìm các nguồn vốn khác để lấp vào. Khó khăn nhất phải kể đến là việc nâng các tiêu chí không cần vốn.

Các tiêu chí này các xã về mặt chủ quan cho rằng có thể đạt nhưng thực tế không đơn giản, nhất là tiêu chí thu nhập. Đây là tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng NTM, bởi mục tiêu cuối cùng của chương trình là thu nhập của người dân phải được nâng lên.

Theo quy định, để đạt tiêu chí này, bình quân thu nhập của người dân phải đạt tối thiểu 29 triệu đồng/người/năm vào năm 2015. Mặc dù hiện nay các địa phương đều có lộ trình phấn đấu hoàn thành nhưng thực tế cho thấy, việc đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt mức trên trong 2 năm tới là không dễ, nhất là ở những vùng sâu; dân cư sống, sản xuất rải rác rất khó đưa mô hình làm ăn hiệu quả vào để vực dậy sản suất, nâng thu nhập người dân. Tiêu chí khó thứ 2 là Bảo hiểm y tế. Nói gì thì nói, ngay cả đối với người dân thành thị, việc tiếp cận các dịch vụ này còn không dễ dàng thì nói chi đến người dân nông thôn…

PV: Theo ông, cần tập trung thực hiện những giải pháp nào để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đã đề ra?

Ông Nguyễn Thanh Cẩn: Chúng tôi xác định tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân hiểu lợi ích thiết thực từ chương trình, qua đó tích cực hưởng ứng, tham gia và giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng NTM; cán bộ, công chức chính quyền, đoàn thể xã, huyện hiểu, ủng hộ, tham gia hỗ trợ nâng các tiêu chí liên quan, nhất là tiêu chí thu nhập. Về chỉ đạo, điều hành, Thường trực BCĐ tỉnh đã xây dựng đề án kiện toàn hệ thống quản lý, chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến xã. Theo đó, từ tỉnh đến xã phải kiện toàn BCĐ, phân công cán bộ, bộ phận chuyên trách tham mưu, giúp việc cho BCĐ của cấp mình.

Đối với tiêu chí không cần vốn hoặc cần ít vốn, BCĐ yêu cầu địa phương, cơ sở cần tập trung quyết liệt, tăng cường vận động người dân hưởng ứng, tìm giải pháp thích hợp. Về phía tỉnh, ngoài việc BCĐ nỗ lực hỗ trợ các xã, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan cũng phải tham gia vận động, tìm các mô hình; tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ các xã chuyển đổi mô hình, cơ cấu sản xuất đồng bộ, hiệu quả. 

Về việc nâng các tiêu chí liên quan đến cơ sở hạ tầng, trên cơ sở khái toán, phân chia nguồn vốn, phân cấp thực hiện để đảm bảo không lấn cấn về vốn trong đầu tư cho các xã điểm, Thường trực BCĐ tỉnh đã cáo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các sở, ngành hỗ trợ các xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng các tiêu chí liên quan đến ngành.

Riêng giải quyết những vướng mắc trong thủ tục đầu tư và thanh quyết toán các công trình giao thông, trên cơ sở học hỏi cách làm của địa phương bạn về thiết kế mẫu đường giao thông, chúng tôi đã trình và được tỉnh chấp nhận cho áp dụng. Vừa qua, Thường trực BCĐ đã mời các ngành liên quan đến để thống nhất cơ chế hỗ trợ đối với thực hiện đường giao thông theo thiết kế mẫu trình UBND tỉnh ban hành.

Với cơ chế này, địa phương muốn thực hiện một đường giao thông nào đó chỉ cần xác định quy mô, nền đất đường như thế nào rồi áp dụng vào mẫu thiết kế đó với bao nhiêu vật liệu đã được ấn định. Tương ứng với đó, là mức tỉnh hỗ trợ bao nhiêu, địa phương bao nhiêu và dân đóng góp bao nhiêu.

Ngoài ra, BCĐ tỉnh yêu cầu các thành viên BCĐ tỉnh phải tích cực xuống địa bàn, hỗ trợ các xã tháo gỡ khó khăn. Về phía lãnh đạo tỉnh, BCĐ đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với chương trình này.

PV: Xin cảm ơn ông!

N.VĂN (thực hiện)

.
.
.