Thứ Sáu, 08/11/2013, 16:06 (GMT+7)
.

Nâng cao ý thức tự giác, thi hành và bảo vệ pháp luật

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường                             (Ảnh: HG)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: HG)

Ngày Pháp luật chỉ thành công khi thu hút, huy động sự vào cuộc một cách thực chất của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân; từ đó, tạo lập một phong trào xã hội rộng lớn, biến Ngày Pháp luật thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ngày 9-11, Ngày Pháp luật đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Nhân sự kiện này, đồng chí Hà Hùng Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản để làm rõ thêm ý nghĩa, mục đích to lớn của việc triển khai thi hành Ngày pháp luật.

PV: Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam trong phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc tổ chức ngày này?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Với việc thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định lựa chọn ngày 9-11 hằng năm là Ngày Pháp luật. Việc lựa chọn ngày này không chỉ khẳng định, tôn vinh vai trò to lớn và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946, mà còn thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội, trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc và trong bảo vệ các quyền, tự do của mỗi người; qua đó, làm cho tinh thần "thượng tôn pháp luật" thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao các giá trị con người, xây dựng, bồi đắp tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lối sống có kỷ luật, kỷ cương trong khuôn khổ pháp luật, coi trọng các giá trị truyền thống tốt đẹp; khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc để mỗi người dân tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, để mọi người và mỗi người cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật là việc làm thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật; động viên, khích lệ toàn dân đoàn kết, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, tự giác chấp hành Hiến pháp, pháp luật; tích cực tham gia bảo vệ pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Năm 2013 là năm đầu tiên Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và cũng là năm đầu tiên Ngày Pháp luật được tổ chức thống nhất, rộng khắp trên quy mô toàn quốc. Lịch sử dường như lặp lại khi mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực tham gia góp ý sâu rộng cho bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) và tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đang thay mặt quốc dân, đồng bào xem xét, thảo luận thông qua bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.

Vì vậy, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, vừa nhằm phát huy ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và thiết thực hơn.

Ngày Pháp luật là dịp để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân tự nhìn nhận lại mình, nghiêm khắc với mình hơn, tự kiểm điểm trách nhiệm, từ đó giáo dục ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh và chống các hành vi vi phạm pháp luật.

Từ góc độ đối ngoại, Ngày Pháp luật được tổ chức trong năm nay và những năm tiếp theo còn là thông điệp của Việt Nam gửi đến bạn bè thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp, cũng như các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài và bạn bè quốc tế về cam kết của Đảng và Nhà nước ta xây dựng một Nhà nước pháp quyền, góp phần củng cố và tạo lập trên trường quốc tế hình ảnh của nước Việt Nam thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

PV: Vậy chúng ta cần làm gì để Ngày Pháp luật thực sự có ý nghĩa và không trở thành hình thức, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Để Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, không trở thành hình thức, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, hành động theo tinh thần "thượng tôn pháp luật", không chỉ trong ngày 9-11, mà là trong cả 364 ngày khác trong năm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu và Bộ Tư pháp đã hướng dẫn từng ngành, từng cấp cần xuất phát từ yêu cầu quản lý của mình trong từng lĩnh vực, địa bàn mà đề ra nhiệm vụ tổ chức Ngày pháp luật cho phù hợp, sát với nhu cầu và điều kiện tham gia của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Đối với nhân dân, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với việc cung cấp đầy đủ, tiện  lợi các dịch vụ pháp lý hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình để người dân cảm nhận được ý nghĩa, lợi ích, tác dụng thiết thực của Ngày Pháp luật, từ đó hăng hái tham gia.

Đối với các Bộ, ngành, việc triển khai Ngày Pháp luật phải gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất; góp phần cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, công khai, dễ tiếp cận, dễ thực hiện trong xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật; tính hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi trong cải cách thủ tục hành chính, giải quyết đơn thư của cá nhân, tổ chức ...

Đối với các địa phương, việc tổ chức Ngày Pháp luật cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh bằng pháp luật, với công tác tổ chức thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay; phát hiện những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thực thi pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, chỉ số hiệu quả cải cách hành chính ...

Đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải xác định rõ Ngày Pháp luật là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn rộng lớn để mỗi người tự tìm hiểu, nắm bắt, cập nhật những kiến thức pháp luật mới, bồi dưỡng và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong nền hành chính phục vụ nhân dân.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, cần tích cực và chủ động tham gia, hưởng ứng Ngày Pháp luật; tiếp tục vận động, giáo dục, thuyết phục thành viên, hội viên ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đưa pháp luật đến với nhân dân, hội viên, thành viên của tổ chức mình.

Đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, Ngày Pháp luật cũng là dịp lắng nghe thấu đáo, suy ngẫm nghiêm túc các ý kiến đóng góp, phản hồi từ quần chúng nhân dân để rút ra bài học cần thiết cho việc đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, nhất là lãnh đạo các cơ quan pháp luật và tư pháp, đảm bảo các tổ chức Đảng và đảng viên đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.

Như vậy, Ngày Pháp luật chỉ thành công khi thu hút, huy động sự vào cuộc một cách thực chất của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân; từ đó, tạo lập một phong trào xã hội rộng lớn, biến Ngày pháp luật thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

PV: Lâu nay, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn chưa thực sự đi vào đời sống. Vậy theo Bộ trưởng, Ngày Pháp luật Việt Nam ra đời sẽ góp phần như thế nào vào quá trình tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của người dân?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực đẩy mạnh và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có lúc, có thời điểm, công tác này còn mang tính phong trào, thậm chí còn hình thức, chưa đi vào thực chất nên chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của các tầng lớp nhân dân.

Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan như: Nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của pháp luật nói chung và của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng trong đời sống xã hội; thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật chưa hoàn thiện; sự phức tạp, biến động thường xuyên của hệ thống pháp luật; sự chưa vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở một số địa phương.

Đặc biệt, những năm qua, chúng ta dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật mà chưa quan tâm đầu tư đúng mức cả về nguồn nhân lực và vật lực cho công tác tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, nên công tác này còn chưa theo kịp với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Chính những bất cập, hạn chế, thậm chí là tiêu cực trong thi hành pháp luật, đặc biệt là các vi phạm pháp luật không được xử lý nghiêm từ phía các cơ quan công quyền, lại tác động ngược, tiêu cực đến nhận thức và tình cảm, niềm tin pháp luật của nhân dân. Ngoài ra, để giải quyết tận gốc vấn đề thì cần phải có sự phối kết hợp của nhiều yếu tố, điều kiện liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương

Ngày Pháp luật được tổ chức trong cả nước, với các nội dung, hình thức thiết thực, không phô trương mà đi sâu và gắn liền với nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt là với sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, của chính từng người dân trong ngày hội tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, như đã nêu ở trên, sẽ là điểm nhấn quan trọng tạo nên một phong trào rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong các ngành, các cấp để hình thành, củng cố ở mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân ý thức về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan mình trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật; để mỗi người tự giác trở thành một thẩm phán của chính mình trong thực hành” Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Với ý nghĩa đó, Ngày Pháp luật Việt Nam sẽ là bước ngoặt trong công tác nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và của mỗi người dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, như Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân” đã đề ra.

PV: Nhân dịp này, Bộ trưởng có mong muốn và gửi thông điệp gì đến các cán bộ làm công tác pháp luật và nhân dân cả nước?

Bộ truởng Hà Hùng Cường: Tôn vinh Hiến pháp, pháp luật cũng chính là tôn vinh các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác pháp luật. Trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở mỗi cán bộ làm công tác pháp luật: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật.

Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo. “Phụng công” nghĩa là phụng sự việc công, tôn trọng lẽ công bằng, công lý, không thiên lệch. “Thủ pháp” là tuân thủ, giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không vì bất cứ lý do gì mà bẻ cong, làm trái pháp luật. Muốn “phụng công, thủ pháp” được thì trước hết, mỗi cán bộ làm công tác pháp luật phải có bản lĩnh, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và cái tâm trong sáng; phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.

Trong công việc chuyên môn không chỉ thuộc luật, hiểu luật, nắm vững hệ thống pháp luật mà còn phải có hiểu biết về cuộc sống của người dân, phải hiểu phong tục, tập quán để thi hành pháp luật một cách thấu tình đạt lý, khiến người dân “tâm phục khẩu phục”; từ đó, vận động, thuyết phục mọi người tích cực học tập, nâng cao hiểu biết pháp luật, hình thành ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật trong mỗi hành vi của mình.

Vì vậy, tự hào có Ngày Pháp luật - ngày truyền thống chung, tôi mong muốn, những người làm công tác pháp luật cùng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, vì sự phát triển, trường tồn của dân tộc, của đất nước, vì lợi ích của nhân dân, tự soi lại mình, tự kiểm điểm trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ và trong quan hệ với nhân dân.

Từ đó, mỗi người tự mình chủ động tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức hiểu biết pháp luật, nêu cao tinh thần gương mẫu trong tuân thủ, chấp hành pháp luật, tự điều chỉnh trong ý thức và hành xử cho xứng đáng là những “công bộc” của nhân dân, thực sự là người tuyên truyền, phổ biến pháp luật tích cực nhất.

Đối với mỗi người dân trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, cả đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, Ngày Pháp luật là dịp để mỗi người nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Hiến pháp, của pháp luật trong đời sống xã hội, cũng như trách nhiệm và bổn phận của người công dân trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật.

Tôi cho rằng, thông điệp quan trọng nhất thông qua Ngày Pháp luật chính là “khơi dậy, phát huy tính tích cực công dân và cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân trong xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp, pháp luật” với nhận thức sâu sắc rằng, “Hiến pháp, pháp luật thực sự là của chính mình, do mình làm ra, do mình tổ chức thực hiện, là công cụ bảo vệ cuộc sống an toàn, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.