Người dân nên cẩn thận khi tham gia bán hàng đa cấp
Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rõ phương thức kinh doanh nên xảy ra tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xung quanh sự việc này, Trung tá Phạm Hữu Trước, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an Tiền Giang trao đổi:
Hiện nay, bán hàng đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến ở nhiều nơi, với rất nhiều người tham gia. |
Bán hàng đa cấp hiểu một cách đơn giản là hình thức bán hàng mà hàng hóa được phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Người tiêu dùng trực tiếp giới thiệu và phân phối sản phẩm đến người khác như: Bạn bè, người thân. Ở đây, người tiêu dùng vừa là người bán hàng, vừa là người cung ứng, quảng cáo sản phẩm, vì vậy giúp tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất, số tiền đó được chia hoa hồng cho các cấp độ trong mạng lưới phân phối của người mua hàng và đầu tư để cải thiện sản phẩm.
* Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh hiện nay?
* Trung tá Phạm Hữu Trước: Hiện nay, Phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận hồ sơ của 2 công ty thông báo kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra trong thực tế, hầu hết các doanh nghiệp còn lại không có trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Tiền Giang.
Hình thức hoạt động của họ là ký kết hợp đồng bán hàng đa cấp trực tiếp với cá nhân. Nhiều cá nhân tham gia bán hàng đa cấp là do tâm lý số đông, họ quen biết nhau, truyền miệng về phương thức trả hoa hồng siêu lợi nhuận của doanh nghiệp, sau đó họ lôi kéo nhau vào kinh doanh đa cấp, mua bán nhiều loại sản phẩm. Nhân viên kinh doanh đa cấp gồm nhiều đối tượng, nhiều thành phần. Họ tiếp xúc, giới thiệu và bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng ở mọi nơi, mọi thời điểm, cho nên ngành chức năng rất khó kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng, giá cả sản phẩm.
Thực tế, cũng có trường hợp kinh doanh đa cấp bất chính tạo nên những hình ảnh xấu cho mô hình kinh doanh này, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, gây bức xúc trong xã hội như: Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa; cung cấp thông tin sai lệch về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh Tiền Giang; đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Sở Công thương đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và Phòng Cảnh sát Kinh tế triển khai thực hiện việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng đa cấp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
* PV: Theo Trung tá, đâu là những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo?
* Trung tá Phạm Hữu Trước: Thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo thường có những dấu hiệu sau đây: Thứ nhất, công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp.
Thứ hai, công ty đó không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán.
Thứ ba, người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.
Thứ tư, công ty đó khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người.
Thứ năm, công ty cung cấp hàng hóa, tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng.
Thứ sáu, người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới.
Cuối cùng, công ty bán hàng đa cấp đó buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn.
Nguyên nhân bị lôi kéo tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp lừa đảo của các đối tượng này, đầu tiên phải kể đến do kinh tế khó khăn, nhiều người muốn tìm việc làm nhưng không có kinh nghiệm, bằng cấp nên bị các đối tượng trong công ty bán hàng đa cấp lừa đảo lôi kéo bằng các khoản lợi nhuận khổng lồ mà bán hàng đa cấp mang lại, đánh vào tâm lý hám lợi, lòng tham và tâm lý làm ít nhưng hưởng lợi nhiều, bỏ vốn ít nhưng lợi nhuận cao. Thêm vào đó các cơ quan chức năng của Nhà nước chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và chế tài phù hợp để có thể xử lý một cách hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp lừa đảo này.
* PV: Vậy thì người bán hàng cần làm gì để không vi phạm pháp luật, không bị lừa đảo khi tham gia “đa cấp”?
* Trung tá Phạm Hữu Trước: Để tránh rơi vào bẫy của các hệ thống đa cấp lừa đảo, người tham gia cần lưu ý các điểm sau để nhận biết các công ty kinh doanh đa cấp biến tướng: Thứ nhất, người dân cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.
Thứ hai, người tham gia cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.
Thứ ba, người tham gia đa cấp cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp.
Theo quy định, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu trong năm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Thứ tư, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền chấm dứt hợp đồng với thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trước thời hạn tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác.
Trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp đã liên hệ nhưng doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, nếu có lý do để cho rằng doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo ngay với cơ quan Công an để được bảo vệ; hoặc có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.
Trong quá trình bảo vệ quyền lợi của mình, người dân có thể liên hệ với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Sở Công thương tỉnh Tiền Giang hoặc Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Tiền Giang để được tư vấn, hỗ trợ.
* PV: Xin cảm ơn trung tá!
THANH DUY
(thực hiện)