.

Tích hợp đăng nhập một lần các ứng dụng công nghệ thông tin

Cập nhật: 22:23, 22/11/2017 (GMT+7)

Đánh giá tổng quát về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, tình hình triển khai dịch vụ công trên địa bàn tỉnh nói riêng, Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trần Văn Dũng nhận định:

Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng đã được Đảng, Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian vừa qua, thể hiện qua các văn bản như Nghị quyết 36 ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 36a ngày 14-5-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Quyết định 1819 ngày 26-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Chỉ thị 15 ngày 22-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong cơ quan Nhà nước.

Trong thời gian qua, Sở TT-TT với vai trò là đơn vị chuyên trách về CNTT của tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành rất nhiều các văn bản để đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước: Kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Chính phủ; kế hoạch ứng dụng CNTT hằng năm của tỉnh; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực CNTT cũng như triển khai các chương trình, dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước các cấp như: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVB-ĐH), Một cửa điện tử, Thư điện tử công vụ, Cổng thông tin điện tử tỉnh và Chữ ký số.

Sau thời gian triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả như Cổng thông tin điện tử của tỉnh chính thức ra mắt từ tháng 6-2014, gồm cổng chính và 35 cổng thành phần (22 sở, ban, ngành và 11 UBND cấp huyện), tích hợp toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) công của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện và UBND cấp xã, các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đều đạt mức độ 2 trở lên. Việc đưa Cổng thông tin điện tử của tỉnh vào hoạt động giúp cho việc cung cấp DVCTT trên mạng thuận lợi, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được triển khai trên mô hình tập trung tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, đến nay tỉnh đã cấp trên 7.234 hộp thư điện tử công vụ đã được cấp phát cho cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công việc đạt tỷ lệ 90% cán bộ, công chức, với tỷ lệ khoảng 80% cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử.

Phần mềm một cửa - một cửa liên thông đã triển khai đến tất cả UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh và một số sở, ngành tỉnh. Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Tiền Giang đã cung cấp tập trung tất cả các DVCTT của các cơ quan Nhà nước trên Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh tại địa chỉ http://motcua.tiengiang.gov.vn, với trên 1600 DVCTT đạt mức độ 2, 815 DVCTT đạt mức độ 3 và 226 DVCTT đạt mức độ 4.

Việc triển khai chữ ký số, chứng thư số đã phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ cấp hơn 415 chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Sở TT-TT đã phối hợp với Ban cơ yếu Chính phủ tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai cấp và sử dụng chứng thư số cho các sở, ban, ngành tỉnh; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; UBND cấp huyện; UBND cấp xã và đã triển khai thực hiện đưa ứng dụng chữ ký số vào gửi liên thông văn bản điện tử.

Trang bị kiến thức tin học cho học sinh tiểu học.                                                                                                                                                                                                                                                                         Ảnh: CAO THẮNG
Trang bị kiến thức tin học cho học sinh tiểu học. Ảnh: CAO THẮNG

Hiện nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử liên thông trong tất cả cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã và mở rộng ra một số cơ quan khác giúp tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước; tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí, công sức so với việc áp dụng theo mô hình thủ công trước đây. Có thể nói, việc tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính và các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành tỉnh, các cơ quan cấp huyện, cấp xã; từng bước hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, tạo môi trường làm việc điện tử diện rộng, an toàn, an ninh thông tin, nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc; giảm thời gian, chi phí, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động các cơ quan Nhà nước của tỉnh là một bước tiến quan trọng để hướng đến xây dựng nền chính quyền điện tử phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp trong tương lai.

* Phóng viên (PV): Đâu là thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện DVCTT trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Đến nay, có thể nói tất cả các TTHC của tỉnh đều được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh (motcua.tiengiang.gov.vn), với hơn 1.600 dịch vụ đều cung cấp đạt mức độ 2, 815 DVCTT đạt mức độ 3 và 226 DVCTT đạt mức độ 4. DVCTT giúp người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, tìm hiểu về các TTHC qua môi trường mạng Internet mà không phải đến trực tiếp đến cơ quan cung cấp TTHC. Đến thời điểm hiện nay, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện; qua theo dõi trên hệ thống phần mềm từ đầu năm 2017 đến nay tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm Một cửa điện tử là 92.845 hồ sơ, chủ yếu ở các lĩnh vực: Đất đai, hành chính; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn 55%, đúng hạn 24%, không có hồ sơ trễ hạn. Tổng số lượt truy cập vào trang dịch vụ hành chính công của tỉnh 263.531 lượt.

Bước đầu triển khai thực hiện DVCTT giúp cơ quan Nhà nước giảm tải được áp lực công việc; giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. Qua đó, người dân được hưởng thụ dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí cũng như thời gian đăng ký, làm các TTHC; giao tiếp, tương tác 2 chiều với cơ quan Nhà nước trong quá trình xử lý hồ sơ trên môi trường mạng. Lãnh đạo các sở, ngành, UBND các cấp giám sát, đôn đốc, kiểm tra cán bộ công chức, viên chức giải quyết hồ sơ cho người dân sớm hơn. Đặc biệt là tránh được tệ nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ những cán bộ công quyền. Bên cạnh đó, việc tăng cường cung cấp các DVCTT, đặc biệt là các DVCTT ở mức độ cao sẽ góp phần mạnh mẽ vào công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước hiện đại hóa nền hành chính cũng như xây dựng một nền Chính phủ điện tử nói chung, chính quyền điện tử nói riêng tại Tiền Giang.

Tuy nhiên, công tác triển khai DVCTT, đặt biệt là các DVCTT mức độ cao gặp một số khó khăn, vướng mắc như việc ứng dụng CNTT đối với cấp xã còn hạn chế do chưa có sự quyết tâm cao của cán bộ lãnh đạo. Cán bộ công chức cấp xã không ổn định, thường xuyên thay đổi đặc biệt là ở bộ phận một cửa nên khó khăn trong quá trình tiếp cận phần mềm. Triển khai các DVCTT mức độ 3, 4 còn gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền, giới thiệu cho người dân cho nên đa số các thủ tục mặc dù đã đưa lên mức độ 3 hoặc 4 nhưng chưa có nhiều hồ sơ được người dân nộp trực tuyến. Bước đầu triển khai các dịch vụ công mức độ 3, 4 đối với các thủ tục đơn giản, dễ dùng nên đa số chưa nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý của người dân, doanh nghiệp.

* PV: Đồng chí có thể cho biết một số định hướng trong thời gian tới, nhất là việc tích hợp đăng nhập một lần các ứng dụng: Email, Văn phòng điện tử, Một cửa điện tử và tích hợp chữ ký số vào phần mềm Văn phòng điện tử.

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Qua triển khai các ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước các cấp giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong công tác quản lý. Qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch, hiện đại hóa nền hành chính; từng bước xây dựng nền chính quyền điện tử; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các ứng dụng CNTT đã được cung cấp cụ thể như sau:

- Tích hợp chữ ký số của Ban cơ yếu chính phủ đã được cấp cho tất cả các cơ quan, đơn vị vào Phần mềm QLVB-ĐH để tăng cường tính tiện dụng khi gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan; đồng thời, thực hiện việc gửi nhận liên thông 4 cấp (Văn phòng Chính phủ - Tỉnh - Huyện - Xã) đúng theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.

- Tiếp tục triển khai dự án một cửa điện tử giai đoạn 2 theo hướng tích hợp các ứng dụng CNTT đã triển khai: Thư điện tử, Văn phòng điện tử, Một cửa điện tử theo cơ chế Single Site - on (đăng nhập một lần) để tăng cường tính tiện dụng của các phần mềm; tăng cường tính bảo mật của các hệ thống thông tin. Hệ thống sẽ tự cấp phát, cũng như xóa bỏ các quyền truy cập trên các ứng dụng khi có cán bộ, công chức mới gia nhập hay nghỉ việc. Mỗi cán bộ, công chức chỉ có 1 tài khoản duy nhất để đăng nhập vào các ứng dụng CNTT mà mình được cấp quyền.

- Từng bước có lộ trình để xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành thành phố thông minh theo nội dung ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; hướng đến xây dựng nền Chính phủ điện tử nói chung, chính quyền điện tử nói riêng tại Tiền Giang.

- Triển khai các quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; điều chỉnh Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để tăng cường, phát triển các ứng dụng CNTT của tỉnh; cũng như nâng cấp về cơ sở hạ tầng để phục vụ sự phát triển các ứng dụng IoT (Tnternet of things) của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về DVCTT trên tất cả các phương tiện để người dân, doanh nhiệp được biết và tham gia vào môi trường điện tử, công khai, minh bạch, thay thế cho phương thức truyền thông trước đây góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho dân, doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội…

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Phần mềm QLVB-ĐH phát huy hiệu quả

Hệ thống Phần mềm QLVB-ĐH của tỉnh Tiền Giang triển khai theo mô hình quản lý tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh triển khai chung một hệ thống phần mềm nên việc gửi nhận văn bản liên thông giữa các cơ quan, đơn vị trên địa bàn được thuận lợi. Tính đến nay, hệ thống Phần mềm QLVB-ĐH đã triển khai đưa vào sử dụng chính thức cho 35 sở ban, ngành tỉnh; 23 cơ quan đoàn thể, ngành dọc; 11 UBND cấp huyện; 173 UBND xã, phường, thị trấn. Theo đó, tổng số tài khoản người dùng trên hệ thống Phần mềm QLVB-ĐH trên 21.154 tài khoản. Bình quân có hơn 5.000 lượt truy cập sử dụng phần mềm mỗi ngày. Tỷ lệ người dùng tại các đơn vị ngày càng được nâng cao, phần lớn tỷ lệ người dùng thường xuyên tại các đơn vị trên 90%. Tổng số văn bản đến hệ thống Phần mềm QLVB-ĐH là 2.846.408 văn bản; tổng số văn bản đi được thực hiện trên hệ thống là 401.323 văn bản.

Phần mềm này đã cho phép gửi liên thông tất cả các sở ngành, các cơ quan Nhà nước cấp huyện, cấp xã đồng thời thực hiện ký số và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông qua phần mềm, không gửi văn bản giấy đối với một số loại văn bản theo quy định như: 100% văn bản không mật trình UBND tỉnh dưới dạng điện tử (gồm văn bản trình song song cùng văn bản giấy: Tờ trình...); 80% các hồ sơ, văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử; 20% các hồ sơ, văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước dưới dạng điện tử kèm văn bản giấy; 90% văn bản, tài liệu lưu trữ được số hóa phục vụ tra cứu, tìm kiếm và xử lý thông tin. Hiện nay, phần mềm này đã cho phép gửi liên thông tất cả các sở ngành, các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, cấp xã.

Ngoài các chức năng chính là gửi nhận văn bản điện tử hệ thống Phần mềm QLVB-ĐH đã triển khai bổ sung một số module phục vụ công tác quản lý và điều hành ngày một hiệu quả hơn như: Chức năng theo dõi chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đối với các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã (module chỉ đạo điều hành); Chức năng Quản lý phòng họp (module họp không giấy) giúp quản lý họp và theo dõi kết quả thực hiện thông báo kết luận cuộc họp. Việc thực hiện kết nối liên thông phần mềm với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có liên quan trong việc thử nghiệm liên thông 4 cấp (Văn phòng Chính phủ - Tỉnh - Huyện - Xã), hệ thống Phần mềm QLVB-ĐH của Tiền Giang đã thử nghiệm kết nối liên thông thành công với hệ thống thử nghiệm của Văn phòng Chính phủ thông qua trục liên thông của TP. Hồ Chí Minh.

 

PV (thực hiện)

.
.
.