Phân bón thông minh chưa làm hài lòng nông dân
Mô hình trồng lúa theo công nghệ cao được triển khai tại xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông), với diện tích 7,5 ha và có 12 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho biết, phân bón thông minh phục vụ cho mô hình trồng lúa này cung cấp không đủ dinh dưỡng cho cây lúa nên phải bón thêm các loại phân bón khác để lúa có năng suất cao.
Xoay quanh vấn đề này, bà Dương Ngọc Cẩm Tú, Giám đốc kinh doanh Công ty Rynan Fertilizers, đơn vị cung cấp phân bón thông minh thừa nhận:
Doanh nghiệp nghiên cứu chưa tới nên lượng phân bón mà công ty cung cấp không đủ dinh dưỡng và phải bổ sung thêm.
* Phóng viên (PV): Đến thời điểm này, bà đánh giá thế nào về phân bón thông minh của công ty sản xuất bón trên cây lúa của vùng đất huyện Gò Công Đông?
* Bà Dương Ngọc Cẩm Tú: Phân bón thông minh của Công ty Rynan Fertilizers đã đưa ra thị trường từ đầu năm 2018. Công ty đã tham gia và thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa ở các tỉnh: Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang.
Qua đánh giá của các hộ dân đã sử dụng phân bón thông minh, đa số người dân đều thích loại phân bón này vì chỉ bón 1 lần. Tuy nhiên, một số điểm mà phân bón của công ty cung cấp chưa phù hợp do độ phèn, mặn của đất, chẳng hạn như ở vùng đất huyện Gò Công Đông.
Ban đầu, chúng tôi nghĩ số lượng phân bón như vậy bón cho lúa ở khu vực này là đủ, nhưng thực tế thiếu một ít. Lúc đó, công ty phải mang phân xuống để nông dân bổ sung thêm.
* PV: Khi triển khai mô hình, công ty khẳng định với nông dân là đã lấy mẫu đất phân tích và đưa ra loại phân bón thông minh cho nông dân bón 1 lần. Tuy nhiên, hiện nay vì lý do gì mà nông dân nơi đây phải bón tới 3 lần?
* Bà Dương Ngọc Cẩm Tú: Đối với canh tác theo kiểu thông thường, nông dân bón phân xuống ruộng lúa và thấy cây lúa xanh rì thì cho đó là đủ phân. Nhưng khi sử dụng phân bón thông minh, lượng phân tan chậm, có kiểm soát và theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trong từng giai đoạn.
Chính điều này, cây lúa luôn ở trạng thái ngà ngà. Do đó, nông dân cho rằng, cây lúa không đủ phân nên không yên tâm và đã bón thêm. Vấn đề này đã được ngành Nông nghiệp tỉnh phát hiện và đã báo công ty.
* PV: Thưa bà, nếu nông dân không “lén” bón thêm phân vào ruộng lúa của mình thì liệu năng suất có được như hôm nay không?
* Bà Dương Ngọc Cẩm Tú: Công ty tự tin về phân bón của mình và tin là năng suất lúa trong mô hình tương đương với năng suất lúa sản xuất ngoài mô hình, chứ không dám khẳng định cao hơn.
* PV: Xin cảm ơn bà!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)