.

Đảm bảo an toàn khi sử dụng vắc xin ComBe Five

Cập nhật: 16:53, 23/01/2019 (GMT+7)

Bắt đầu từ ngày 25-1, Tiền Giang sẽ triển khai sử dụng vắc xin ComBe Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng 5 bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi rút Hib (vắc xin DPT-VGB-Hib). Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết:

Đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện công tác phổ biến, tập huấn cho cán bộ y tế tham gia vào quy trình tiêm chủng ở các tuyến về chuyển đổi sử dụng vắc xin ComBe Five. Đặc biệt là phải thực hiện đúng các quy định về an toàn tiêm chủng. Bên cạnh đó, công tác khám sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn cho bà mẹ theo dõi phát hiện sớm những phản ứng sau tiêm chủng cũng rất được chú trọng.

* Phóng viên (PV): Những phản ứng nào thường thấy sau tiêm vắc xin ComBe Five, thưa bác sĩ?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Cũng như thuốc hay các loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

Phụ huynh cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm những bất thường.
Phụ huynh cần theo dõi sát sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng để phát hiện sớm những bất thường.

Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số phản ứng thông thường như: Sốt nhẹ (dưới 38,50C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Cũng như các loại vắc xin DPT-VGB-Hib có thành phần ho gà toàn tế bào khác, khi sử dụng vắc xin ComBe Five sẽ có một tỷ lệ rất nhỏ trẻ có thể bị một số phản ứng như: Khóc dai dẳng, co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ.

Mặc dù sốc phản vệ khi tiêm vắc xin DPT-VGB-Hib là rất hiếm gặp, tỷ lệ chỉ khoảng 20/1 triệu liều, nhưng để đảm bảo an toàn tiêm chủng, trong chương trình tập huấn cho cán bộ tiêm chủng, chúng tôi đã hướng dẫn rất kỹ về phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ theo Thông tư 51 của Bộ Y tế.

Tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ ngày 14-2

Thực hiện Quyết định của Bộ Y tế về việc triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi vùng có nguy cơ cao năm 2018 - 2019, Tiền Giang sẽ tiến hành tiêm chính thức từ ngày 14 đến 19-2 và tiêm vét từ ngày 20 đến 24-2 tại các địa phương của tỉnh đã được Bộ Y tế nhận định là vùng có nguy cơ cao gồm các huyện: Cái Bè, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và TP. Mỹ Tho.

Theo đó, đối tượng tiêm bổ sung là tất cả trẻ em từ 1 đến 5 tuổi (kể cả trẻ không có hộ khẩu tại các địa phương trên); không kể trẻ có tiền sử đã tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubella trước đó; chỉ loại trừ những trẻ tiêm vắc xin này trong thời gian dưới 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung. Dự kiến, tỉnh có trên 60.500 trẻ được tiêm bổ sung sởi - rubella đợt này.
 

* PV: Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần phải làm gì khi đưa con đi tiêm chủng?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần mang theo sổ/phiếu tiêm chủng cá nhân của trẻ. Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con em mình (đang bệnh, sốt, tiền sử dị ứng…) hay thường có phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như: Sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc các bất thường khác.

Yêu cầu cán bộ y tế thông báo về các loại vắc xin sẽ tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe trẻ trước khi tiêm.

Các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến địa điểm tiêm chủng đúng thời gian đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.

* PV: Các bà mẹ cần phải làm gì để có thể phát hiện sớm những phản ứng sau tiêm chủng, thưa bác sĩ?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Sau khi tiêm chủng, trẻ cần phải ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường xảy ra. Các bậc cha, mẹ cần phải theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu như: Toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, thân nhiệt, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm…

* PV: Bác sĩ có thể cho biết, sau khi tiêm chủng về nhà, nếu trẻ sốt, quấy khóc thì cần phải làm gì?

* BSCKII Lê Đăng Ngạn: Sau tiêm chủng, trẻ có thể có những biểu hiện như: Sốt nhẹ, đau chỗ tiêm… Lúc này, các bà mẹ cần lưu ý đến trẻ nhiều hơn; đồng thời, cho trẻ bú nhiều hơn và lưu ý cho trẻ bú khi trẻ thức, tránh cho trẻ bú ở tư thế nằm; theo dõi thân nhiệt của trẻ. Đặc biệt là không nên đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.

Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ và theo dõi sát tình trạng sốt, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu tình trạng sốt của trẻ không thuyên giảm thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí.

Cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện nếu trẻ có một trong các dấu hiệu bất thường như: Sốt cao trên 390C, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban… hoặc khi các phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày. Trong trường hợp cha mẹ không yên tâm về những phản ứng sau tiêm chủng của con thì có thể đưa trẻ đến gặp trực tiếp cán bộ y tế để được tư vấn cách theo dõi và chăm sóc trẻ.

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.