Ấn tượng với phát triển doanh nghiệp
Bàn về những chính sách điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng như những dấu ấn, kỳ vọng, bước đi của doanh nghiệp (DN) Tiền Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tiền Giang Trần Đỗ Liêm đánh giá:
Là một doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, với thâm niên gần 40 năm liên tục, tôi nhận thấy sự phát triển DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong 2 năm 2017 - 2018 là rất ấn tượng, nếu không muốn nói là mạnh mẽ và chất lượng chưa từng có.
Tất nhiên, việc phát triển này cũng nằm trong xu hướng chung của cả nước khi Chính phủ tập trung quyết liệt vào phát triển DN.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2020, lãnh đạo tỉnh đã nhận thấy một trong những con đường để giúp Tiền Giang phát triển đột phá là bắt đầu từ cộng đồng DN. Bởi dù có chủ trương, chính sách tốt mà không có nguồn lực tài chính cũng rất khó đưa Tiền Giang đi lên.
Muốn có nguồn lực tài chính thì phải thu trực tiếp qua DN, hộ sản xuất, kinh doanh thông qua thuế. Chính vì thế, phát triển DN, hộ sản xuất, kinh doanh được xem là đòn bẩy chủ yếu để đưa Tiền Giang vượt lên.
* Phóng viên (PV): Đâu là dấu ấn rõ nét trong lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh đối với phát triển DN thời gian qua?
* Ông Trần Đỗ Liêm: Dấu ấn đặc biệt là Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN của tỉnh đến năm 2020, sau đó UBND tỉnh có Kế hoạch hành động 01 thực hiện Nghị quyết 06. Đây là 2 văn bản pháp lý mạnh mẽ để cấp ủy, chính quyền làm cơ sở tạo ra “đột phá” trong việc phát triển đội ngũ DN thực chất và chất lượng.
Việc đó được triển khai đồng loạt trong cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến đoàn thể ở 2 cấp tỉnh và huyện, ngành có liên quan. Hiệp hội DN tỉnh cũng được xem là bộ phận quan trọng để giúp cho UBND tỉnh khuyến khích và phát triển DN.
Nhiều cơ hội đang được mở ra cho DN. |
Việc phát triển DN của Tiền Giang vừa qua thông qua 2 hình thức là: Tạo ra đội ngũ DN mới (lập nghiệp, khởi nghiệp) và củng cố, phục hồi, mở rộng phát triển bền vững các DN đang gặp khó khăn do chính sách chưa cập nhật thực tế hoặc do khâu nào đó trong bộ máy công quyền gây cản trở, làm hoạt động kém hiệu quả.
Điều đặc biệt là từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu Hiệp hội DN tỉnh củng cố tổ chức, thay đổi tư duy lãnh đạo để đủ sức đồng hành với tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy và Kế hoạch 01 của UBND tỉnh về phát triển DN đến năm 2020.
* PV: Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 cũng là điểm nhấn quan trọng trong lãnh đạo, điều hành của tỉnh đối với cộng đồng DN? Thứ nhất là số lượng doanh nhân, cả trong và ngoài tỉnh, tham dự rất đông. Thứ hai, có rất nhiều dự án đã được trao giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ hoặc chủ trương nghiên cứu đầu tư, với tổng giá trị vốn lớn nhất từ trước đến nay (hơn 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sau khi hội nghị kết thúc, lãnh đạo tỉnh đã có động thái đôn đốc và giám sát triển khai các biện pháp giúp đỡ quyết liệt để thực hiện đối với từng dự án cụ thể. |
* PV: Đối thoại, tiếp xúc DN của lãnh đạo tỉnh cũng mang lại nhiều hiệu quả?
* Ông Trần Đỗ Liêm: Đó là kết quả nổi bật trong 2 năm qua của lãnh đạo tỉnh, huyện với DN nói riêng và nhân dân nói chung. Với nhiều lần đối thoại cấp tỉnh và cấp huyện, thành, thị (đây là điểm mới) và hàng chục buổi tiếp xúc trực tiếp, gần 200 kiến nghị, đề xuất, khiếu nại.. đã được lần lượt giải quyết đạt lý thấu tình.
Có những kiến nghị tồn đọng hơn chục năm đã được giải quyết. Trong các cuộc đối thoại đã có những tiêu chí rõ ràng như “giải quyết, không giải thích”, “hứa cùng với hẹn”, đã giải quyết thì “phải làm đến cùng”, không nói rồi cho qua.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức, nhưng số lượng DN tham gia đối thoại với lãnh đạo các cấp chắc cũng ở mức 3 con số.
Đến nay, hầu như tất cả các vướng mắc của DN đã được giải quyết. Đó cũng được xem là thắng lợi lớn trong công tác điều hành của lãnh đạo tỉnh và các địa phương. Nhờ đó đã giúp cho DN tin tưởng, tự tin và chủ động đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh.
Số lượng DN thành lập mới, phục hồi sản xuất trên địa bàn tỉnh tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, đến cuối năm 2018 đã có 5.123 DN đăng ký và đang hoạt động. Như vậy, tỉnh Tiền Giang đã cán đích trước 2 năm kế hoạch về số DN đăng ký và hoạt động có hiệu quả.
* PV: Vậy Hiệp hội DN Tiền Giang đã làm được gì đáng ghi nhận và được ghi nhận? * Ông Trần Đỗ Liêm: Hiệp hội DN tỉnh đã tổ chức đại hội, sửa đổi điều lệ, thay đổi căn bản nhân sự… Sau 2 năm 2017 - 2018, 1 Hội, 11 Chi hội trực thuộc ở các huyện, thị, thành và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức và đi vào hoạt động. Thông qua các đầu mối là Hội và Chi hội DN, lãnh đạo địa phương, ngành, Hiệp hội DN tỉnh đã có thể tiếp xúc được với nhiều DN trong địa bàn. Từ đó có nhiều thông tin nhanh, chính xác của DN, biết rõ thực trạng hoạt động (khó khăn, thuận lợi, nhu cầu, nguyện vọng...), tức là nắm chắc được “sức khỏe” của mỗi DN, để có chính sách giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả, thiết thực đối với từng nhóm đối tượng DN; đồng thời, khuyến khích các DN mới phát triển. Hiệp hội DN tỉnh cũng có cơ hội tập hợp thêm thành viên ở khắp địa bàn tỉnh, làm cho tổ chức đông hơn, mạnh thêm… |
* PV: Vậy đâu là dấu ấn của DN Tiền Giang thời gian qua?
* Ông Trần Đỗ Liêm: Một trong những dấu ấn quan trọng nhất là nhiều sản phẩm của DN Tiền Giang đã xâm nhập thị trường các nước nhóm G7, Nga, EU..., với mức giá rất cao. Điều quan trọng là hầu hết sản phẩm mới lại là nông - thủy - hải sản, vốn là tiềm năng, lợi thế rất lớn của Tiền Giang: Thanh long Chợ Gạo, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bưởi lông, cá tra, tôm sú, nghêu, sò...
Nhiều chuỗi DN từ sản xuất giống, sản phẩm, sơ chế, chế biến... đến xuất trực tiếp ra nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế đã hình thành, đã làm “được mùa mà không mất giá”, hiệu quả kinh tế rất cao.
Tổng mức đầu tư, tổng thu nhập xã hội tăng, thu ngân sách tăng rất mạnh, hạ tầng đô thị, bệnh viện, trường học, nhà ở, đường sá, giao thông, nhiều xã nông thôn mới ra đời... là công lao chung của toàn dân, toàn Đảng. Song nhìn kỹ thì từ phía nào cũng có đóng góp không hề nhỏ của đội ngũ doanh nhân, DN Tiền Giang.
* PV: Vậy đâu là xu hướng DN Tiền Giang?
* Ông Trần Đỗ Liêm: DN, doanh nhân Tiền Giang hiện tại và tương lai đang đứng trước cơ hội, thời cơ rộng mở chưa từng có để hình thành và phát triển. Từ chính sách vĩ mô đến lãnh đạo điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tiềm năng thiên nhiên, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực, thị trường sản phẩm, nguồn vốn... chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay.
Cách đây 5 năm, tôi thấy sản phẩm của DN Tiền Giang đã có mặt trên kệ nhiều siêu thị ở Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản..., nay chắc đã nhiều hơn. Như vậy, các điều kiện cần và đủ để doanh nhân đầu tư là: Niềm tin, cơ hội, thị trường, lợi ích đã có, công việc còn lại chính là của doanh nhân!
Tất nhiên, sản phẩm tốt phải được thực hiện trên chuỗi sản xuất công nghệ hiện đại với sự tham gia của nhiều DN, hợp tác xã, hộ sản xuất khác. Khi giải quyết được vấn đề này thì số lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh sẽ tăng. Do vậy, tương lai các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ của Tiền Giang còn rất nhiều đường, cửa mở, có mặt khắp đất nước và đi ra “bốn biển năm châu”.
* PV: Kỳ vọng của DN Tiền Giang như thế nào?
* Ông Trần Đỗ Liêm: DN chân chính bao giờ cũng hướng vào mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Một khi người làm DN không có chuyên môn, không đầu tư công nghệ sẽ khó thành công, chưa kể sự liên kết giữa các DN để “cùng thắng” cũng là một yếu tố.
Yếu tố con người là tùy thuộc vào DN, doanh nhân; nhưng muốn làm ăn lớn cũng cần có hỗ trợ của Nhà nước.
Vì vậy, chủ trương, chính sách phát triển DN cần sớm đi vào từng DN, từng khu vực sản xuất - kinh doanh, kể cả hộ kinh doanh. Việc chính quyền giải quyết nhanh những bức xúc của DN là vấn đề thường xuyên. Bởi trên con đường của mình, bao giờ DN cũng sẽ gặp những trở ngại phát sinh. Làm được như thế, DN mới có thể phát triển bền vững.
* PV: Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG ANH (thực hiện)