Doanh nhân Tiền Giang và những kỳ vọng đầu năm
Năm 2019 được rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có những bước tăng tốc nhờ vào những điều kiện thuận lợi, nhất là khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Ngay trên địa bàn tỉnh, với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mới và sự trỗi dậy của các ngành hàng chủ lực sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Cộng hưởng các yếu tố, Tiền Giang cũng đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2019 vượt 3 tỷ USD.
TỔNG GIÁM ĐỐC GODACO NGUYỄN VĂN ĐẠO: Ngành Thủy sản khởi sắc
Năm 2018 vừa qua, ngành Thủy sản nói chung, cá tra nói riêng về đích rất tốt, với nhiều điểm mang tính đột phá.
Điểm đầu tiên, cá tra vẫn là ngành hàng chỉ có ở Việt Nam, qua mỗi giai đoạn vẫn khẳng định đây là loại thủy sản được nhiều người ưa chuộng, với mức giá phù hợp.
Điểm thứ hai là thị trường Trung Quốc nổi lên như hiện tượng với mức tiêu thụ hàng rất lớn. Chính nhờ mức tăng trưởng đột biến của thị trường này đã kéo theo hàng loạt các công đoạn của chuỗi sản xuất từ người làm con giống, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời, thời gian qua thời tiết, khí hậu thuận lợi và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền đã tiếp sức cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Tất nhiên, trong sản xuất, kinh doanh bao giờ cũng hàm chứa những khó khăn như: Rào cản về kỹ thuật, thuế quan, thương mại, sự cạnh tranh của các nước có mặt hàng tương tự như Việt Nam; chưa kể sự không ổn định về thị trường, cạnh tranh thương mại giữa các nước…, nhưng nhìn chung thuận lợi vẫn là nét cơ bản hơn.
Trong xu thế chung của năm 2018, năm 2019 nếu Việt Nam giữ vững được hình ảnh của con cá tra, quản lý được chất lượng, kiểm soát được điều kiện chế biến, kiểm soát được vùng nuôi, ngành Thủy sản sẽ tiếp tục thuận lợi như năm 2018.
Riêng Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO), năm 2018 tổng doanh thu đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng 129% so với năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 88 triệu USD, tổng sản lượng chế biến xuất khẩu đạt khoảng 42.000 tấn, sản lượng nuôi trồng khoảng 53.000 tấn. Nhìn chung, các chỉ tiêu trong năm 2018 tăng trưởng từ 25% - 30% so với năm trước.
Dựa trên những kết quả năm 2018, công ty xây dựng kế hoạch năm 2019 với một số chỉ tiêu cơ bản như: Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 115 triệu USD, doanh thu đạt 2.900 tỷ đồng, sản lượng sản xuất và xuất khẩu đạt khoảng 55.500 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 70.000 tấn cá nguyên liệu. Các chỉ tiêu tăng trưởng dao động bình quân từ 20% - 30% so với năm 2018.
Ngoài ra, công ty tiếp tục nâng cấp thêm 1 nhà máy chế biến nghêu, đầu tư 1 dây chuyền chế biến cá thêm 50 tấn nguyên liệu/ngày; nâng tổng các nhà máy chế biến của hệ thống lên 250 tấn nguyên liệu/ngày; đồng thời, nâng cấp 1 dây chuyền thức ăn cho cá từ 120.000 tấn/năm lên 250.000 tấn/năm; đầu tư phát triển thêm khoảng 50 ha vùng nuôi và xây dựng thêm 1 nhà máy chế biến thủy sản. Tổng vốn đầu tư các hạng mục trong năm 2019 khoảng 550 tỷ đồng nhằm tạo đà cho các năm tiếp theo.
TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TIPHARCO PHẠM QUANG BÌNH: Hướng đến sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên
Với tình hình chung của cả nước, ngành Dược trong năm 2018 ngoài những thuận lợi cũng có một số khó khăn nhất định, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất trên 90% phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Trong năm 2018 cũng xảy ra một số biến động như giá nguyên liệu tăng đột biến, nguyên liệu khan hiếm nên nhà cung cấp đứt hàng không cung cấp cho đơn vị sản xuất… Những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến ngành Dược trong cả nước, trong đó có công ty. Riêng Tipharco cũng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Tipharco được sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của khách hàng nên công ty phấn đấu vượt qua khó khăn và đạt được hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, năm 2019 công ty kỳ vọng sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, trong năm 2018 công ty đã đầu tư trên 85 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất thuốc dược liệu đạt tiêu chuẩn GMP-WHO và đã được Bộ Y tế công nhận. Đây là hướng phát triển mới của công ty, đặc biệt là theo chiến lược phát triển của ngành Dược, công ty sẽ cung cấp thêm một số sản phẩm, nhất là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
Ngoài ra, theo dự kiến trong năm 2019 công ty dành khoảng 6 - 7 tỷ đồng để đầu tư bổ sung máy móc thiết bị sản xuất thuốc.
GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ QUANG MINH CAO DŨNG KHANH: Rộng cửa cho hàng thủ công mỹ nghệ
Hàng thủ công mỹ nghệ năm 2019 dự kiến tiếp tục có những điểm sáng. Bởi sau khi tham khảo thị trường Nhật Bản hay châu Âu, chúng tôi nhận thấy rằng hàng thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã (HTX) Quang Minh hay nói rộng ra là hàng sản xuất bằng tay của Việt Nam những năm trước vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 5%, còn lại là thị trường Trung Quốc.
Thế nhưng, xu thế thị trường gần đây đã thay đổi, thị trường Mỹ dần chiếm tỷ trọng cao hơn đối với hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam. Từ góc nhìn này, các nhà máy sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nói chung, HTX Quang Minh nói riêng sẽ có nhiều lợi thế trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là đội ngũ lao động, do hiện nay các khu, cụm công nghiệp đã thu hút lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp đã đầu tư về tận vùng nông thôn nên người lao động đã có nhiều sự lựa chọn về việc làm. Mặc dù HTX cũng có nhiều vệ tinh nhưng nguồn lao động vẫn bị sụt giảm.
Hiện tại, HTX Quang Minh đã ký được các đơn hàng lớn đến tháng 6-2019. Để đảm bảo các đơn hàng giao cho khách hàng, HTX đã tổ chức các vệ tinh sản xuất ổn định thông qua việc trả tiền công thỏa đáng cho người lao động; đồng thời, mở thêm các vệ tinh ngoài tỉnh và thực hiện chiến lược dài hạn thông qua đầu tư thêm nhà xưởng sản xuất.
PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY LƯƠNG THỰC TIỀN GIANG LÊ THANH KHIÊM: Tập trung vào sản phẩm an toàn
Nằm trong bức tranh chung về xuất khẩu gạo năm 2018 đã tạo thêm tiền đề quan trọng cho năm 2019. Đặc biệt trong năm 2018, lần đầu tiên sau 6 năm, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt hơn 6 triệu tấn, tăng hơn 3% về lượng và tăng đến hơn 15% về giá trị so với năm 2017.
Đồng thời, xuất khẩu gạo có những chuyển biến tương đối tốt, rõ nét nhất là cơ cấu gạo xuất khẩu đã thay đổi theo chiều hướng chú trọng vào gạo chất lượng cao.
Thị trường xuất khẩu gạo cũng được đa dạng hóa, hợp đồng xuất khẩu tập trung ít nhưng hợp đồng thương mại tăng khá cao. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, từ chỗ gạo Việt Nam chỉ xuất sang 60 quốc gia, đến nay đã xuất sang được 150 quốc gia, đã mở rộng sang thị trường Nam Mỹ, Trung Đông…
Một trong những điểm sáng trong thời gian tới là Nghị định 107 về xuất khẩu gạo được xem là “cởi trói” cho nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu; đồng thời, khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Nằm trong bức tranh chung đó, năm 2018 Công ty Lương thực Tiền Giang cũng đã giao dịch được 310.000 tấn gạo, tăng 24% so với năm 2017; trong đó xuất khẩu 175.000 tấn, đạt 90 triệu USD, tăng 17%, với thị trường châu Á chiếm 95%.
Điểm đặc biệt là tiêu thụ nội địa tăng 141% so với năm 2017, chủ yếu thông qua các sản phẩm thương hiệu được sản xuất dựa trên vùng nguyên liệu an toàn, được kiểm soát chặt chẽ thuốc bảo vệ thực vật.
Theo kế hoạch, năm 2019 công ty tiêu thụ khoảng 270.000 tấn gạo; ngoài các kênh thông thường công ty sẽ tăng cường bán hàng thông qua hệ thống siêu thị với chuỗi các sản phẩm an toàn, chất lượng, mang thương hiệu Tigifood.
P.A (thực hiện)