Thứ Năm, 30/05/2019, 20:15 (GMT+7)
.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tiền Giang Phan Quang Châu:

Mở hụi từ 100 triệu đồng phải thông báo bằng văn bản cho chính quyền

(ABO) Từ ngày 5-4-2019, Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường có hiệu lực thi hành (thay thế Nghị định 144/2006/NĐ-CP). Nghị định này quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức họ, hụi, biêu, phường và các điều kiện tham gia, văn bản thỏa thuận cũng như lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các bên. Xung quanh Nghị định này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phan Quang Châu trao đổi:

chau
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Châu

Theo Nghị định 144/2006/NĐ-CP, trước đây hình thức thỏa thuận dây hụi được thể hiện bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều nơi việc chơi hụi phát triển với quy mô lớn, có tính chất phức tạp và bị biến tướng thành hình thức huy động vốn, cho vay lãi nặng…

Nhiều trường hợp chủ hụi đã lợi dụng lòng tin của những người tham gia hụi để chiếm đoạt tài sản. Đa phần hình thức thỏa thuận về dây hụi là bằng miệng. Vì vậy, Nghị định 19/2019/NĐ-CP chỉ quy định một hình thức thỏa thuận về dây hụi là phải thể hiện bằng văn bản. Văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.

Trường hợp thỏa thuận về dây hụi được sửa đổi, bổ sung thì việc sửa đổi, bổ sung phải được thể hiện bằng văn bản. Văn bản sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.

Văn bản thỏa thuận về dây hụi có những nội dung chủ yếu sau đây: Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi; số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; phần hụi; thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; thể thức góp hụi, lĩnh hụi.

Ngoài các nội dung được quy định nêu trên, văn bản thỏa thuận về dây hụi có thể có những nội dung sau đây: Mức hưởng hoa hồng của chủ hụi trong hụi hưởng hoa hồng; lãi suất trong hụi có lãi; trách nhiệm ký quỹ hoặc biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác của chủ hụi; việc chuyển giao phần hụi; gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây hụi; trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ; nội dung khác theo thỏa thuận.

+ Phóng viên: Trong trường hợp nào thì chủ hụi phải thông báo cho chính quyền địa phương về việc tổ chức dây hụi?

+ Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Châu: Theo quy định của Nghị định  19/2019/NĐ-CP thì chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên.

Nội dung văn bản thông báo gồm:  Họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi; tổng số thành viên.

Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông báo theo quy định như trên mà có sự thay đổi thì chủ hụi  phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.

Nếu chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi trong trường hợp phải thông báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.

+ Phóng viên: Theo quy định của Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ  thì mức lãi suất chơi hụi được quy định ra sao, khi phát sinh tranh chấp thì các thành viên và chủ hụi phải xử lý như thế nào cho đúng luật?

+ Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Châu: Mục đích chính của hụi là hình thức tương trợ trong cộng đồng dân cư, đây không phải là hoạt động kinh doanh nhưng để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, pháp luật quy định hụi có lãi, hụi không có lãi. Nếu như trước đây trong Nghị định 144/2006 chỉ quy định lãi suất hụi có lãi do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Điểm mới của Nghị định 19/2019 là bổ sung các quy định giới hạn lãi suất lĩnh hụi trong hụi có lãi, lãi suất trong trường hợp chậm đóng góp phần hụi trong quan hệ hụi có lãi và hụi không có lãi. Theo đó, lãi suất trong hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn quy định nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Ngoài ra, Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần hụi.

Trong trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.

+ Phóng viên: Nghị định 19 có bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của chủ hụi và thành viên, đồng chí hãy cho biết cụ thể về những quy định này?

+ Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Châu: Điểm mới của Nghị định 19 là bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý bao gồm trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự theo hướng quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý khi người tham gia quan hệ về hụi có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Cụ thể như sau: Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi thì chủ hụi có trách nhiệm đối với thành viên đó như sau:

Giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi; nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi theo quy định. Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; bồi thường thiệt hại (nếu có).

Trường hợp đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì thành viên đó có trách nhiệm đối với chủ hụi như sau:

Hoàn trả số tiền mà chủ hụi đã góp thay cho thành viên; trả lãi đối với số tiền chậm góp hụi theo quy định; chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật Dân sự; bồi thường thiệt hại (nếu có).

+ Phóng viên: Cảm ơn đồng chí

PHÙNG LONG (thực hiện)



 

.
.
.