.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT TRỊNH CÔNG MINH:

Tiền Giang nỗ lực cùng cả nước vượt qua "Thẻ vàng" của EC

Cập nhật: 21:03, 15/08/2019 (GMT+7)
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trịnh Công Minh 

Trao đổi về những nỗ lực của Tiền Giang để vượt qua “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU - Illegal, unreported and unregulated fishing), Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Tiền Giang Trịnh Công Minh cho biết:

Trên cơ sở các chỉ đạo từ Trung ương, ngày 15-5-2018, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 12 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngày 24-5-2019, Sở NN-PTNT đã ban hành Công văn 1767 về tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống khai thác IUU; Công văn 2492 ngày 15-7-2019 về việc tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống khai thác IUU...

* Phóng viên (PV): Là tỉnh có lợi thế về khai thác hải sản, với đội tàu lớn, Tiền Giang đã đang làm gì để góp phần vượt qua “Thẻ vàng” của EC?

 

Khai thác thủy sản Tiền Giang đang nỗ lực vượt qua
Khai thác thủy sản Tiền Giang đang nỗ lực vượt qua "Thẻ vàng" EC

* Đồng chí Trịnh Công Minh: Bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã lập danh sách các tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình; đồng thời, tiếp xúc với các chủ tàu để tuyên truyền, vận động thực hiện việc lắp đặt theo quy định (trong đó, tàu có chiều dài từ 24 m trở lên phải lắp đặt trước ngày 1-7-2019).

Ngoài việc phát hành thông báo về lộ trình lắp thiết bị giám sát hành trình gửi đến từng chủ tàu, từ ngày 22-4-2019, Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản đến trực tiếp từng chủ tàu để yêu cầu viết cam kết thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, tổng số tàu đã lắp đặt thiết bị là 127 tàu, trong đó tàu từ 24 m trở lên là 98/133 tàu (còn lại 35 tàu chưa lắp đặt gồm: 24 tàu đang đậu bờ ngưng hoạt động, 7 tàu đang hoạt động ngoài biển và 4 tàu đang liên hệ đơn vị cung cấp để lắp đặt). Ngoài ra, Sở NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện nghiêm chủ trương là các tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định thì không được ra khơi.

Khai thác thủy sản Tiền Giang đang nỗ lực vượt qua “Thẻ vàng” của EC.                                                              Ảnh: Minh Thành
Khai thác thủy sản Tiền Giang đang nỗ lực vượt qua “Thẻ vàng” của EC. Ảnh: Minh Thành

Song song đó, Sở NN-PTNT đã thành lập 2 Văn phòng Thanh tra, kiểm soát nghề cá đặt tại Cảng cá Mỹ Tho và Cảng cá Vàm Láng. Các Văn phòng này đã đi vào hoạt động ổn định từ đầu tháng 5-2018 và đã tổ chức kiểm tra tàu cá tại cảng theo quy định.

* PV: Những thuận lợi và khó khăn của Tiền Giang trong nỗ lực vượt qua “Thẻ vàng” của EC, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trịnh Công Minh: Một trong những điểm thuận lợi là được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, công tác truyền thông tuyên truyền thời gian qua đã được các sở, ngành tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương có liên quan như: Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân... triển khai thực hiện khá tốt và đạt một số kết quả nhất định.

Cụ thể, lượng tàu và ngư dân bị bắt giảm, ý thức của các chủ tàu và thuyền trưởng được nâng lên (từ ngày 1-7-2018 đến nay không có tàu của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản trái phép). Công tác phối hợp giữa tỉnh Tiền Giang với các tỉnh: Bến Tre, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đã được thực hiện tốt. Việc trao đổi thông tin được thực hiện thường xuyên tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành giữa các địa phương trong công tác thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có một số khó khăn như Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019; các nghị định và thông tư hướng dẫn có liên quan đều được ban hành với các quy định rất nghiêm ngặt nhằm chống khai thác IUU cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực khai thác hải sản đã tạo áp lực công việc rất lớn cho các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tình hình khai thác trong thời gian qua không thuận lợi, nguồn lợi thủy sản vùng khơi có xu hướng sụt giảm dẫn đến sản lượng khai thác giảm, hiệu quả kinh tế thấp làm cho việc mua và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cũng như thực hiện các quy định nghiêm ngặt có liên quan nêu trên còn chậm so với tiến độ quy định.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng cũng như việc ghi chép nhật ký khai thác, khai báo sản lượng, thành phần loài... chưa được các thuyền trưởng thực hiện đúng theo quy định gây khó khăn cho công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo quy định.

* PV: Những giải pháp của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là gì thưa đồng chí ?

* Đồng chí Trịnh Công Minh: Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Luật Thủy sản năm 2017 và các quy định có liên quan đến công tác chống khai thác IUU để bà con ngư dân, nhất là chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá khai thác vùng khơi quán triệt, đồng thuận và chấp hành, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép. Bên cạnh đó là tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo Quyết định 27, Thông tư 21 của Bộ
NN-PTNT; nâng cao chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thanh tra, kiểm soát nghề cá trong việc kiểm tra, kiểm soát tốt các tàu cá cập, rời cảng, tuyên truyền, vận động các chủ tàu ghi chép nhật ký và thực hiện các quy định về chống khai thác IUU.

Thực hiện tốt công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành nhằm thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản mà trọng tâm là vi phạm về khai thác IUU; tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương  liên quan trong thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác vùng biển xa theo quy định; xúc tiến công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp Cảng cá Mỹ Tho, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất công trình Khu neo đậu tránh, trú bão cửa sông Soài Rạp kết hợp với Cảng cá Vàm Láng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân trong việc giảm chi phí, gia tăng chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế chuyến biển…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.