Tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC
Diễn tập PCCC&CNCH tại Trường Đại học Tiền Giang (cơ sở Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành). |
(ABO) Nhằm hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (PCCC)” (4-10) và Tháng An toàn PCCC (tháng 10-2019), phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Thanh Long, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh về công tác PCCC trên địa bàn tỉnh.
* Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2019?
* Thượng tá Lê Thanh Long: Trong 9 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 vụ cháy, làm chết 1 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 15,6 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy giảm 9 vụ (15/24 vụ, giảm 37.5%), số người bị thương giảm 1 người (0/1 người), tài sản thiệt hại giảm khoảng 213 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã điều tra làm rõ nguyên nhân: 10 vụ liên quan đến sự cố chập điện, hàn điện gây cháy, bất cẩn trong sử dụng lửa, tự sinh nhiên gây cháy, đốt do mâu thuẫn gia đình...) và 5 vụ đang trong quá trình điều tra.
Trong đó, có 7 vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành thị, 8 vụ cháy xảy ra ở nông thôn; khu vực xảy ra cháy tại: Hộ dân (5 vụ); cơ sở sản xuất, kinh doanh (6 vụ); tàu cá (1 vụ); ô tô (1 vụ); bãi rác (1 vụ), phòng trọ cho thuê (1 vụ). Trong 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ nổ nào.
Thượng tá Lê Thanh Long, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh. |
* PV: Thưa đồng chí, vậy đâu là những nguy cơ cháy, nổ và giải pháp ứng phó trong thời gian tới?
* Thượng tá Lê Thanh Long: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa cháy, nổ đến các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động. Nhìn chung, ý thức về an toàn PCCC của cơ quan, doanh nghiệp và người lao động có nâng lên, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC.
Tuy nhiên, do ý thức chủ quan, mất cảnh giác nên nguy cơ cháy, nổ vẫn tiềm ẩn rất cao, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác quản lý đối với người đứng đầu cơ sở trong công tác PCCC. Do đó, để đảm bảo an toàn cháy, nổ trong thời gian tới cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Đối với cơ sở, người đứng đầu cơ sở cần đề cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, quan tâm thật sự đến công tác PCCC; tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC đến toàn thể người lao động nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức trong công tác PCCC. Phải thường xuyên tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC, bảo dưỡng các thiết bị máy móc, hệ thống điện, tách riêng biệt các nguồn điện: Chiếu sáng, bảo vệ phục vụ thoát nạn, chữa cháy, nguồn điện sản xuất, sinh hoạt.
Bên cạnh đó, thành lập đội PCCC cơ sở và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; bố trí lực lượng bảo vệ thường trực 24/24 giờ tại cơ sở, tổ chức tuần tra để kịp thời phát hiện sự cố cháy, nổ và dập tắt kịp thời khi đám cháy mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn.
Đồng thời, trang bị phương tiện PCCC và cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ của cơ sở. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người trong tình huống phức tạp nhất.
Đối với cơ quan Cảnh sát PCCC thì tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC, thường xuyên làm tốt công tác điều tra cơ bản các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ; tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC các cơ sở trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra an toàn về PCCC các cơ sở.
Cùng với đó là tăng cường mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng Dân phòng, Đội PCCC cơ sở; đồng thời, củng cố, nâng chất hoạt động của Đội Dân phòng, Đội PCCC cơ sở; thường xuyên phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm, có nguy hiểm về cháy, nổ.
* PV: Tiền Giang có những hoạt động gì để hưởng ứng “Ngày toàn dân PCCC” và Tháng An toàn PCCC?
* Thượng tá Lê Thanh Long: Để hưởng ứng “Ngày Toàn dân PCCC” và Tháng An toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh tập trung tổ chức công tác tuyên truyền về PCCC đến người dân với nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền lưu động, treo băng rôn, cờ phướn, xây dựng phim phóng sự về PCCC, viết tin, bài đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng... nhằm nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mọi người về công tác PCCC.
Đồng thời, phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Công an địa phương tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC các cơ sở tại khu, cụm công nghiệp, các cơ sở trọng điểm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, cơ sở sản xuất - kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại và các nơi vui chơi tập trung đông người.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp Công an địa phương mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng Dân phòng; tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho Đội PCCC cơ sở tại các cơ quan, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy nổ.
* PV: Xin cảm ơn Thượng tá!
Trong 9 tháng năm 2019, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh phối hợp các ban, ngành và Công an các đơn vị, địa phương kiểm tra, phúc tra công tác PCCC định kỳ, đột xuất được 1.392 cơ sở, 1 Khu Bảo tồn Đồng Tháp Mười và 3 xã có rừng thuộc địa bàn huyện Tân Phước; lập 1.396 biên bản kiểm tra; trong đó, kiến nghị khắc phục sửa chữa 51 lỗi vi phạm, thiếu sót không đảm bảo an toàn PCCC. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an tỉnh phối hợp các ban, ngành và Công an các đơn vị, địa phương triển khai Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC đối với 3 trường hợp (với các lỗi như: Vô ý để xảy ra cháy gây thiệt hại trên 50 triệu đồng và lỗi vô ý của người dân vi phạm các quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ mà chưa gây thiệt hại, thiệt hại dưới 2,5 triệu đồng), phạt tiền 120,4 triệu đồng. |
VĂN THẢO (thực hiện)