.
TS THÁI QUỐC HIẾU:

Dịch tả heo châu Phi ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi heo

Cập nhật: 10:49, 04/09/2019 (GMT+7)
 

Trong thời gian qua, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngành Chăn nuôi của tỉnh. Hiện dịch đang tiếp tục lây lan, vấn đề đang được nhiều người quan tâm là việc tiêu hủy heo bệnh và phòng ngừa dịch này như thế nào cho đạt hiệu quả cao. Về vấn đề này, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết:

Tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi có nhiều phương pháp, trong đó đốt hoặc chôn được xử lý rộng rãi nhất. Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, phương pháp đốt hủy không cần nhiều đất, áp dụng được vùng bị ngập nước (đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long), giảm công lao động, phân hủy xác heo nhanh hơn, tiêu diệt mầm bệnh triệt để hơn. Ở Tiền Giang, phương pháp đốt hủy đã giảm được 60% - 70% thể tích chôn, với thời gian từ 18 đến 24 giờ tùy theo nhiên liệu đốt. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí nên tuyệt đối không sử dụng vỏ xe, bao ni lông để đốt heo… Phương pháp chôn hủy được áp dụng ở vùng có đất rộng, vùng thiếu nhiên liệu đốt, không gây ô nhiễm môi trường không khí. Tuy nhiên, phương pháp này phải cần nhiều đất, không áp dụng được ở vùng bị ngập nước, xác heo phân hủy chậm, tồn tại mầm bệnh thời gian dài, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nước (nước ngầm, nước mặt).

* Phóng viên (PV): Nếu bệnh dịch tả heo châu Phi không gây bệnh cho người thì tại sao heo nhiễm bệnh  phải tiêu hủy mà không được giết mổ làm thực phẩm cho con người?

* Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu: Bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ gây bệnh trên heo (heo nhà và heo rừng), không gây bệnh trên người và vật nuôi khác. Vi rút dịch tả heo châu Phi bị tiêu diệt ở nhiệt độ 1000C trong 1 phút. Do vậy, người tiêu dùng vô tình sử dụng thịt heo nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi đã được nấu chín cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng điều đáng nói là quá trình giết mổ heo bệnh dịch tả heo châu Phi, vi rút gây bệnh này từ cơ thể heo bệnh sẽ phát tán, tồn tại lâu trong môi trường, đây là nguồn lây truyền bệnh hết sức nguy hiểm.

Tiêu hủy heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi bằng phương pháp đốt.
Tiêu hủy heo nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi bằng phương pháp đốt.

Nhiều tài liệu đã xác định, vi rút dịch tả heo châu Phi có trong thịt, phủ tạng, máu, dịch bài tiết (phân, nước bọt...) của heo. Do vậy, nếu giết mổ heo bệnh dịch tả heo châu Phi cũng đồng nghĩa là phát tán vi rút bệnh dịch này vào môi trường, vi rút có thể tồn tại trong máu khô 70 ngày, trong phân 11 ngày, máu heo ở nhiệt độ 4°C có thể tồn tại trong 18 tháng...

Nếu thịt, phủ tạng heo nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi được đưa đến một trại heo thì đây chính là nguyên nhân làm dịch bùng phát tại trại. Nếu máu, dịch tiết… của heo sau khi giết mổ đưa vào nguồn nước mặt (sông, kinh, rạch…) và người chăn nuôi heo sử dụng nước này để vệ sinh chuồng, tắm heo hoặc tưới cây (tưới cây trồng, tưới kiểng…); sau đó giẫm đạp nước này mang vào chuồng trại cũng là nguyên nhân xảy ra dịch tả heo.

Do vậy, heo nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi không liên quan đến an toàn thực phẩm, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn ngành chăn nuôi heo. Chính vì thế, heo bệnh dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy và không được giết mổ làm thực phẩm cho con người.

* PV: Hiện nay, trên thị trường có bán rất nhiều loại vôi khác nhau. Trong đó, nhiều địa phương, nhiều hộ chăn nuôi đã sử dụng nguồn vôi để xử lý xung quanh chuồng. Có thông tin cho rằng, hiện nay một số loại vôi không có tác dụng trong xử lý vệ sinh môi trường chăn nuôi cũng như tiêu diệt được mầm bệnh các loại dịch. Xin tiến sĩ cho biết, loại vôi nào sử dụng có hiệu quả?

* Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu: Hiện nay, bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin nên việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn ngừa là giải pháp hiệu quả nhất. Trong đó, vệ sinh tiêu độc khử trùng là một trong những biện pháp quan trọng khi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Người nuôi nên thường sử dụng thuốc sát trùng chuồng trại (trong chuồng nên sử dụng vôi). Người nuôi nên chọn thuốc sát trùng có tác dụng đối với vi rút dịch tả heo châu Phi (glutaraldehyde, hypochlorites…) và an toàn cho người thực hiện. Thuốc sát trùng được thực hiện theo 3 bước: Dọn sạch, làm sạch và phun thuốc sát trùng, trong đó dọn sạch và làm sạch ảnh hưởng đến hiệu quả của vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi lên đến 90%.

Ngoài ra, người nuôi cần phải quan tâm thực hiện  4 pha và 3 phun: Pha đúng nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất, pha với nước sạch, trong pha từ ít tới nhiều (nghĩa là pha thuốc sát trùng với lượng nước bằng 1/4 tổng lượng nước định pha, sau đó khuấy đều và đổ nước vào cho đủ 100%), dung dịch thuốc sát trùng sau khi pha chỉ sử dụng trong ngày. Hướng phun thuốc cùng chiều với hướng gió, phun từ trên cao xuống thấp nhằm giúp hóa chất phân tán đều trong môi trường, phun từ khu vực sạch đến khu vực bẩn. Thời điểm khử trùng trong ngày phù hợp (thường thì lúc nắng và khô là hợp lý).

Đối với vôi, trên cơ sở vi rút dịch tả heo châu Phi tồn tại ở nhiệt độ (pH=11), người chăn nuôi hoặc cơ quan chức năng sử dụng vôi có pH>11 mới có hiệu quả. Hiện nay, thị trường có nhiều loại vôi như: Vôi nông nghiệp/đá vôi (CaCO3), pH=8,5 - 10; vôi nung (CaO) và vôi tôi (vôi ngậm nước) Ca(OH)2 đều có pH>12. Như vậy, để sử dụng vôi sát trùng hiệu quả đối với bệnh dịch tả heo châu Phi, ngành chức năng và người nuôi cần phải dùng vôi nung, vôi tôi (hay vôi ngậm nước).

Riêng cách sử dụng, đối với trường hợp rải vôi trên nền thì trước khi rải vôi, người nuôi cần tạo cho nền ẩm ướt, sử dụng 0,5 - 1 kg/m2. Cơ chế tiêu diệt vi rút dịch tả heo châu Phi của vôi là sinh nhiệt cao và pH>12. Đối với trường hợp quét nền, tường thì pha 25 kg vôi trong 50 lít nước, sau đó để yên 12 giờ; thêm phèn chua (1%), khuấy tan, thành một dung dịch sền sệt. Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý, bụi vôi có thể gây kích ứng niêm mạc mắt và đường hô hấp của con người và vật nuôi. Do vậy, người nuôi nên rải vôi khi không có vật nuôi trong chuồng và người thực hiện cần đeo khẩu trang, kính bảo vệ mắt, mang ủng và mặc quần áo bảo hộ lao động.

* PV: Xin cảm ơn tiến sĩ!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.