.
GIÁM ĐỐC SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRẦN VĂN DŨNG:

Nỗ lực thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0

Cập nhật: 16:51, 28/08/2019 (GMT+7)
 

Trải qua chặng đường 74 năm của ngành Thông tin và Truyền thông (TT-TT) và 15 năm thành lập Sở TT-TT Tiền Giang, Giám đốc Sở TT-TT Trần Văn Dũng đánh giá:

Trải qua 74 năm xây dựng và phát triển, ngành TT-TT đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, ngành TT-TT luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong xã hội.

Cùng sự phát triển chung của cả nước, trong 15 năm qua, Sở TT-TT Tiền Giang không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có nhiều nỗ lực, từng bước khẳng định vai trò, vị trí và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

* Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết đâu là lĩnh vực ưu tiên mà ngành TT-TT Tiền Giang sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Ngành TT-TT sẽ tập trung triển khai thực hiện công tác quản lý phát triển ngành trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở chủ trương, định hướng của Chính phủ, Bộ TT-TT và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang kết hợp chặt chẽ với tình hình thực tế tại địa phương, để từ đó Sở TT-TT tham mưu đề xuất, chủ trì phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước ngành TT-TT trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực và có sự đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, xét về khía cạnh ưu tiên, qua tiếp cận với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chủ trương định hướng của Chính phủ, Bộ TT-TT, các bộ, ngành liên quan, hiện tại Sở TT-TT Tiền Giang tập trung tham mưu UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn với công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thí điểm xây dựng chính quyền số trên địa bàn Tiền Giang, triển khai xây dựng Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Bên cạnh đó, sở cũng tập trung công tác quản lý nhà nước về báo chí, tăng cường công tác theo dõi, định hướng, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền hiệu quả, kịp thời; công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước.

Ký kết, hợp tác trong lĩnh vực CNTT được Sở TT-TT chú trọng trong thời gian qua.
Ký kết, hợp tác trong lĩnh vực CNTT được Sở TT-TT chú trọng trong thời gian qua.

* PV: Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành TT-TT Tiền Giang sẽ dựa vào nguồn lực và giải pháp cơ bản nào?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Để đạt được mục tiêu của ngành đề ra, ngành TT-TT trên địa bàn tỉnh sẽ nỗ lực phấn đấu, kế thừa những kết quả đạt được, nhanh chóng khắc phục các hạn chế, tận dụng cơ hội và phát huy lợi thế trong sự phát triển nhảy vọt của khoa học công nghệ, đặc biệt là trên các lĩnh vực viễn thông, CNTT, Internet để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành TT-TT đã đề ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngành TT-TT Tiền Giang cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Tăng cường công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý chỉ đạo trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành TT-TT trên địa bàn tỉnh - Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nghị quyết, chương trình, đề án, quy hoạch ngành TT-TT của Chính phủ, Bộ TT-TT trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa phương.

- Tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tiếp theo và các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao về phát triển lĩnh vực thông tin, truyền thông.

- Tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước và phát triển ngành TT-TT, chủ yếu trên 6 lĩnh vực:
Đối với lĩnh vực bưu chính: Đổi mới, đa dạng hóa dịch vụ bưu chính, củng cố nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bưu chính trên địa bàn tỉnh. Ngành TT-TT Tiền Giang tập trung đưa ứng dụng công nghệ vào quản lý, khai thác và cung cấp các dịch vụ bưu chính; hướng đến bưu chính là hạ tầng chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử; tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Quyết định 45/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ; trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; thí điểm thực hiện và triển khai cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương hướng tới mục tiêu các doanh nghiệp bưu chính lớn có mạng lưới đến cấp huyện, xã có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hành chính công.

Đối với lĩnh vực viễn thông: Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 557 ngày 2-3-2018 của UBND tỉnh Tiền Giang; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm 5G và các công nghệ mới trên địa bàn tỉnh hướng đến đảm bảo hạ tầng kết nối cho chính quyền số; tập trung rà soát, đánh giá cho ý kiến thẩm định tiêu chí số 8 về nông thôn mới đối với các xã, huyện trên địa bàn tỉnh; đảm bảo hạ tầng thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp đề xuất các giải pháp về dùng chung hạ tầng viễn thông, xử lý SIM rác, hạn chế tối đa tin nhắn rác.

Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT: Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 555 ngày 2-3-2018 của UBND tỉnh Tiền Giang; đảm bảo hạ tầng và ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, tăng cường các ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, chuyển đổi số từng bước hình thành xã hội số trên địa bàn tỉnh; tập trung triển khai hoàn thành Kế hoạch thí điểm Chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Đối với lĩnh vực an toàn, an ninh mạng: Củng cố, tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng thông qua tập huấn, đào tạo cho cán bộ, công chức quản trị mạng, quản lý trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; rà soát đánh giá hiện trạng và đầu tư hệ thống hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh tạo ra một không gian mạng an toàn trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh.

Đối với lĩnh vực công nghiệp ICT: Tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan trong việc thu hút đầu tư và nguồn nhân lực ngành TT-TT trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nguồn nhân lực CNTT; tiếp tục phối hợp tham mưu đề xuất xây dựng và phát triển Công viên Phần mềm Mekong Đối với lĩnh vực thông tin, tuyên truyền: Tiếp tục phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức họp giao ban báo chí hằng tháng, quý thực hiện chức năng tuyên truyền, định hướng cho các cơ quan báo chí, đài phát thanh - truyền hình, đài truyền thanh tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; triển khai Kế hoạch thực hiện Quyết định 362 ngày 3-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, dịch vụ công trực tuyến; tuyên truyền giới thiệu về Tiền Giang trên các phương tiện truyền thông; tăng cường công tác theo dõi, định hướng, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền hiệu quả, kịp thời; công tác kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh việc cung cấp thông tin sai sự thật và các luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá Nhà nước; công tác rà soát, phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về báo chí, viễn thông và thông tin điện tử được tăng cường; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo về thông tin thiết thực, hiệu quả.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Phối hợp chặt chẽ với ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, hiệp hội và doanh nghiệp tăng cường công tác thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực ngành; tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực TT-TT thuộc phạm vi quản lý của sở…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.