.

Tiền Giang chủ động ứng phó với hạn, mặn

Cập nhật: 10:20, 18/09/2020 (GMT+7)

Dù đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại, nhưng hạn, mặn cuối năm 2019, đầu năm 2020 diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân. Rút kinh nghiệm hạn, mặn năm 2020, tỉnh đã sớm tổng kết công tác phòng, chống hạn, mặn. Qua đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát các phương án ứng phó và lấy “kịch bản” hạn, mặn của năm 2020 để làm công tác phòng , chống hạn, mặn cho năm 2021 và những năm tiếp theo. Nói về phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2021, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thiện Pháp cho biết:

Qua bài học kinh nghiệm từ hạn, mặn năm 2020, chúng tôi nhận thấy rằng, đối với công tác phòng, chống hạn, mặn trong những năm tới, thứ nhất là phải làm tốt công tác ngăn mặn và trữ được nước ngọt, do từ nay về sau khả năng mặn xâm nhập rất sớm, duy trì rất lâu.

Trong khi đó, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những diện tích trồng lúa sẽ chuyển sang cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, nên đòi hỏi thời gian sử dụng nước ngọt rất dài. Như vậy, chúng ta làm tốt công tác ngăn mặn nhưng không đảm bảo nguồn nước ngọt cũng không hiệu quả.

Do đó, đến thời điểm này, ngành Nông nghiệp đã hoàn thiện và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án ứng phó hạn, mặn từ năm 2021 trở về sau trên cơ sở “kịch bản” hạn, mặn của năm 2020. Đồng thời, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong năm 2021. Hiện tỉnh đang triển khai công tác ứng phó hạn, mặn trong năm 2021 ngay từ những ngày đầu mùa mưa. So với “kịch bản” hạn, mặn năm 2020, tỉnh phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn để ứng phó hạn, mặn trong năm 2021.

* Phóng viên (PV): Hạn, mặn vừa qua đã làm thiệt hại nhiều diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh. Vậy đâu là giải pháp để bảo vệ vườn cây ăn trái trong thời gian tới?

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Vùng trồng cây ăn trái của tỉnh đa số tập trung ở khu vực phía Tây. Tuy nhiên, mặn từ nay về sau được dự báo sẽ xâm nhập rất sâu vào địa bàn tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80 ngàn ha cây ăn quả của tỉnh. Đặc điểm của cây ăn quả là phải đảm bảo nước ngọt liên tục cho cây phát triển. Hiện nay, trong công tác phòng, chống, khi mùa hạn, mặn đến, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn không xử lý cho cây ra hoa.

Vì thế, trước mắt và lâu dài, khi ngăn mặn được rồi thì phải có nguồn nước ngọt dự trữ và có nguồn tiếp nước ngọt. Do vậy, ngành Nông nghiệp phải rà soát lại các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Dự án nào làm tốt công tác ngăn mặn rồi thì phải có công trình dẫn nước ngọt về để cung cấp cho dự án đó. Mùa hạn, mặn năm 2016, chúng tôi sử dụng các ô bao kiểm soát lũ để ngăn mặn, nhưng trong mùa khô năm 2020, lượng nước ngọt trong vùng khép kín không đảm bảo.

Do vậy, giải pháp tới đây, tỉnh định hướng sẽ thực hiện ngăn mặn theo 2 lớp. Cụ thể, trong trường hợp mặn xâm nhập bình thường thì dùng lớp 1, khi độ mặn cao chúng tôi sẽ dùng ô bao làm lớp 2. Ô bao ở đây vừa phải đảm bảo lượng nước ngọt dự trữ, vừa đảm bảo nước ngọt có thể bổ sung trong mùa hạn.

Năm 2020, việc đắp đập kinh Nguyễn Tấn Thành giúp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho 800 ngàn dân của tỉnh.
Năm 2020, việc đắp đập kinh Nguyễn Tấn Thành giúp bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho 800 ngàn dân của tỉnh.

* PV: Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô, tỉnh đã có kế hoạch gì?

* Đồng chí Nguyễn Thiện Pháp: Ở tỉnh, nước sinh hoạt chia làm 2 khu vực rõ rệt. Các huyện phía Tây có thể sử dụng nguồn nước ngầm để sinh hoạt, nên sẽ không ảnh hưởng đến nước sinh hoạt khi hạn, mặn đến.

Còn khi hạn, mặn ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt đến khoảng 800 ngàn dân ở TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông, nguồn nước ngầm ở khu vực phía Đông cũng không đảm bảo chất lượng nên phải sử dụng nước mặt để cung cấp cho dân. Song song với việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, tỉnh đã có phương án bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP. Mỹ Tho và các huyện phía Đông.

Cụ thể, chúng tôi đã tính đến việc ngăn mặn, trữ ngọt và tạo nguồn nước ngọt để đảm bảo sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong suốt mùa khô. Bên cạnh đó, theo phương án phối hợp với tỉnh Long An, ngoài đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho 800 ngàn dân cho tỉnh Tiền Giang, 2 tỉnh cũng phải làm nhiệm vụ giữ nguồn nước tránh nhiễm mặn và tạo nguồn nước ngọt để xử lý cấp cho khoảng 300 ngàn dân ở tỉnh Long An. Với phương án này, chúng tôi sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân ở 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

M. THÀNH (thực hiện)

.
.
.