Đề án 938 và 939 góp phần nâng cao đời sống hội viên, phụ nữ
Sau 3 năm thực hiện Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” và Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 938 và Đề án 939), phong trào phụ nữ và hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có những bước chuyển biến tích cực. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tiền Giang cho biết:
Đề án 938 và Đề án 939 được thực hiện dựa trên quan điểm lấy phụ nữ làm trung tâm, vừa là chủ thể hành động vừa là đối tượng thụ hưởng, đảm bảo giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Nhờ các chương trình hỗ trợ của Đề án 938 và Đề án 939 đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, phụ nữ (HVPN).
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng (bìa phải) với sản phẩm khởi nghiệp “Hộp gỗ yêu thương” của chị Võ Thị Mỹ Tuyên đoạt giải A - Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2020. |
* Phóng viên (PV): Đề án 938 và Đề án 939 được triển khai như thế nào trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng: Để triển khai thực hiện Đề án 938 đi vào chiều sâu, các cấp Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như: Họp mặt truyền thống, tọa đàm, hái hoa dân chủ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi... Qua đó, tập trung đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông và can thiệp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình; phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em gái.
Ngoài ra, các cấp Hội bám sát thực hiện Đề án 938 theo chủ đề gắn với triển khai chương trình công tác từng năm, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, các cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…
Trao giải ý tưởng khởi nghiệp khả thi năm 2020 cho các HVPN. |
Hội LHPN tỉnh đã phát hành 180 ngàn tờ rơi, 8.000 quyển tài liệu; tổ chức tuyên truyền đến 308.382 HVPN và 218.004 phụ nữ, cha, mẹ, ông bà chăm sóc trẻ dưới 16 tuổi để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ, khả năng, vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Các cấp Hội kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt sự việc và đã tư vấn, giúp đỡ 495 vụ liên quan đến hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình tạo sự chuyển biến tốt; phát hiện hỗ trợ, can thiệp, đề nghị các ngành chức năng giải quyết trên 54 vụ xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.100% cơ sở Hội xây dựng từ 1 - 3 mô hình phù hợp như: “Phụ nữ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm” và “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”... Vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên.
Đối với Đề án 939, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho trên 80% cán bộ chuyên trách, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tham gia thực hiện Đề án 939; phát hành 96 ngàn tờ rơi đồng hành cùng phụ nữ Tiền Giang khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh phát hành; tổ chức tuyên truyền Đề án 939 đến 301.187 HVPN, đạt 89%...
* PV: Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 938 và Đề án 939 ở Tiền Giang?
* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng: Kết quả nổi bật nhất là các cấp Hội LHPN tỉnh đã đồng hành cùng HVPN trong việc khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua rất nhiều các hoạt động từ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp, nghiệp vụ nâng cao năng lực tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh cho đến hỗ trợ nguồn vốn…
Hằng năm, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Hội LHPN tỉnh tổ chức “Ngày hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” huy động 11/11 huyện, thị, thành tham gia trưng bày sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp trên 1.000 đại biểu tham dự. Duy trì hoạt động của phòng Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, với trên 600 HVPN tham gia; tổ chức đối thoại giữa các sở, ban, ngành với nữ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, HVPN khởi nghiệp với trên 850 đại biểu dự.
Đặc biệt, thông qua Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” năm 2019 và 2020 đã lan tỏa, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ. Qua 2 năm tổ chức, Hội thi thu hút 539 ý tưởng của nhiều HVPN trên địa bàn tỉnh tham gia. Kết quả, hằng năm có 11 ý tưởng khả thi được Hội LHPN tỉnh vinh danh và khen thưởng. Đặc biệt, có 36 ý tưởng khả thi được chọn tham gia dự thi Hội thi “Ý tưởng phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp” cấp Trung ương.
Song song đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Liên minh Na Uy tại Việt Nam thực hiện Dự án Phòng ngừa và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020. Phối hợp các ngành liên quan kết nối các nguồn lực hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, đổi mới của phụ nữ và đã hỗ trợ 100 triệu đồng thực hiện mô hình sinh kế cho 10 HVPN. Tính đến tháng 10-2020, các cấp Hội LHPN tỉnh phối hợp hỗ trợ 341 doanh nghiệp mới thành lập do nữ làm chủ.
* PV: Bên cạnh những kết quả đạt được thì những khó khăn nào mà Tiền Giang gặp phải trong quá trình thực hiện Đề án 938 và Đề án 939, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng: Một số cơ sở Hội chưa xác định rõ các nội dung cần tập trung thực hiện trong 2 đề án, chưa phân tách cụ thể với các nhiệm vụ chuyên môn khác. Công tác tuyên truyền, phổ biến về các nội dung của 2 đề án chưa được truyền thông rộng rãi trong cộng đồng. Bước đầu triển khai thực hiện 2 đề án, các cấp Hội LHPN tỉnh còn bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguồn lực triển khai thực hiện 2 đề án còn hạn chế. Đa số các cơ sở Hội chưa bố trí kinh phí hoạt động riêng của 2 đề án, do đó hoạt động của các đề án được thực hiện lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hoạt động chung của Hội, của địa phương và các ngành nên hiệu quả chưa cao, thiếu sự chủ động trong tổ chức hoạt động. Một số đơn vị, ngành chức năng chưa thực sự chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện 2 đề án….
* PV: Đồng chí có thể cho biết, Hội LHPN tỉnh sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục thực hiện hiệu quả 2 đề án trong những năm tiếp theo?
* Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng: Để triển khai Đề án 938 và Đề án 939 đi vào chiều sâu và ngày càng hiệu quả, cần sự chung tay góp sức của các ban, ngành liên quan, kịp thời giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em, từng bước khẳng định vị thế phụ nữ trong xã hội.
Đồng thời, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng hoạt động đổi mới, sáng tạo, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới công nghệ, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phong trào khởi nghiệp trong HVPN ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
PHƯƠNG MAI (thực hiện)