.

Những lưu ý với kiều bào khi về nước đón tết

Cập nhật: 10:13, 22/12/2020 (GMT+7)

Mỗi dịp cuối năm, kiều bào xa xứ thường trở về Việt Nam vui xuân đón tết. Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kiều bào muốn trở về quê hương thì cần lưu ý những gì, được giải quyết xuất nhập cảnh ra sao?

a
Kiều bào làm thủ tục thị thực tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08), Công an TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08), Công an TPHCM.

Chú ý “trừ hao” 14 ngày cách ly

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, Công an TPHCM đã có thông tin gì về nhu cầu đi lại, xuất nhập cảnh của kiều bào ta trong dịp cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp?

* Thượng tá VÕ CHIẾN THẮNG: Vào dịp tết mọi năm, nhu cầu về nước của kiều bào ta rất lớn. Tuy nhiên, năm 2020, cả thế giới phải phòng chống dịch Covid-19, lượng người nước ngoài (NNN) và kiều bào đến TPHCM giảm mạnh. Cụ thể, năm 2019 có gần 5 triệu lượt NNN và hơn 438.000 lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, chỉ có gần 812.000 lượt NNN cùng hơn 82.000 lượt kiều bào nhập cảnh. Số NNN cư trú tại TPHCM hiện nay chỉ còn 60.000 người, bằng 50% so với các năm trước và con số này cũng đang giảm dần.

Nguyên do, các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Mặt khác, kiều bào cũng giảm nhu cầu đi lại, trường hợp thật cần thiết mới trở về Việt Nam, hoặc từ Việt Nam đi các nước.

a
Thượng tá Võ Chiến Thắng

- Trường hợp kiều bào muốn về Việt Nam thì cần làm thế nào, thưa ông?

* Nếu kiều bào muốn về nước, đề nghị liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) để được hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyến bay về nước. Thời gian qua, trước nhu cầu của nhiều kiều bào muốn về quê hương, đã xuất hiện thông tin một số hãng hàng không nước ngoài bán vé thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Việc này có các dấu hiệu lừa đảo để trục lợi hành khách đi trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Vì thế, kiều bào cần thường xuyên theo dõi, truy cập vào website chính thức của cơ quan chức năng và các hãng hàng không để có thông tin chính xác về việc hỗ trợ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19.

Khi được giải quyết cho nhập cảnh, NNN, kiều bào phải xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính thì mới được nhập cảnh. Đặc biệt, khi nhập cảnh, NNN, kiều bào chấp hành quy định cách ly 14 ngày. Vì thế, nếu kiều bào dự định về nước để đón tết thì cần cân nhắc, tính “trừ hao” 14 ngày cách ly để sắp xếp kế hoạch, thời gian, tài chính cho phù hợp.

Được gia hạn tạm trú khi không có chuyến bay

- Nhiều người Việt Nam định cư tại các nước về Việt Nam thăm người thân từ đầu năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể mua được vé máy bay trở lại các nước. Nếu giấy phép tạm trú của kiều bào hết hạn mà chưa rời khỏi Việt Nam thì có bị phạt không?

* Vì dịch bệnh, các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế ngưng khai thác hoặc giảm thiểu số lượng chuyến bay đi và đến Việt Nam với một số nước. Đây là lý do bất khả kháng, làm không ít kiều bào không thể mua vé máy bay để xuất cảnh rời Việt Nam theo đúng quy định. Trong hoàn cảnh như vậy, PA08 sẽ tiếp nhận gia hạn tạm trú cho kiều bào. Vừa qua, một số bà con hiểu nhầm là do Covid-19 nên được miễn gia hạn thị thực, được gia hạn tự động và không đi gia hạn. Vì thế, bà con kiều bào cần hết sức lưu ý để thực hiện đúng quy định, tránh dẫn tới quá hạn, bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Lâu nay, nhu cầu đi lại đang bị “nén” tối đa và nhiều người đang mong chờ hết dịch Covid-19. Trong quy định về xuất nhập cảnh, đâu là những điểm có lợi cho kiều bào khi dịch bệnh được kiểm soát, việc đi lại thông thoáng hơn?

* Năm 2020 cũng là năm có nhiều thay đổi trong các quy định pháp luật về xuất nhập cảnh. Trong đó, đáng kể là cho phép được chuyển đổi mục đích cấp thị thực. Cụ thể, trước đây, mỗi lần muốn chuyển đổi mục đích thì NNN, kiều bào phải xuất cảnh khỏi Việt Nam, đăng ký loại thị thực mới phù hợp rồi nhập cảnh trở lại với mục đích mới. Điều này gây khó khăn cho NNN, kiều bào và luật mới đã sửa đổi, tạo sự linh hoạt rất lớn. Đây là quy định cốt lõi, quan trọng, ưu tiên cho những người có thân nhân tại Việt Nam, cho nhà đầu tư và người lao động có tay nghề cao.

Một điểm mới nữa tạo thuận lợi rất lớn cho NNN và kiều bào là thị thực điện tử - eVisa. Hiện nay, eVisa được triển khai tại 80 quốc gia và Việt Nam đã chính thức được luật hóa. Cả nước có 8 cửa khẩu sân bay quốc tế, 16 cửa khẩu đường bộ, 13 cửa khẩu đường biển chấp nhận eVisa.

Ngoài ra, từ tháng 7-2020, thời hạn tối đa của thị thực được nâng lên 5 năm và thẻ tạm trú lên 10 năm, tùy thuộc vào mục đích nhập cảnh. Trong việc NNN nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, trước đây quy định phải có thời hạn hộ chiếu còn ít nhất 6 tháng và cách lần xuất cảnh trước 30 ngày thì nay đã bỏ quy định phải cách lần xuất cảnh trước 30 ngày. Quy định như vậy tạo điều kiện cho bà con Việt kiều mang quốc tịch một số nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực (Anh, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc…) muốn về thăm quê hương theo diện du lịch không cần thị thực, có thể xuất nhập cảnh liên tục mà không bị hạn chế.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TPHCM, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TPHCM trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ. Dự ước, năm 2020 kiều hối chuyển về TPHCM đạt khoảng 5,5 tỷ USD, tăng 0,82% so với năm 2019. Lượng kiều hối chuyển về TPHCM hàng năm thường chiếm từ 1/3 đến 1/2 kiều hối cả nước.

Theo sggp.org.vn
 




 

.
.
.