.

Ba điểm nhấn trong hơn 100 ngày chỉ đạo, điều hành của Chính phủ sau kiện toàn

Cập nhật: 15:13, 23/07/2021 (GMT+7)

Chính phủ hành động vì dân; Chính phủ phân cấp, phân quyền và không làm thay cho các bộ, các địa phương; dự báo được tương đối sát tình hình để từ đó có các hành động, quyết sách đi trước, chủ động có các biện pháp ứng phó cho năm 2021.

a
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: VGP

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã nêu lên 3 điểm nhấn về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua hơn 100 ngày nhận nhiệm vụ trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

* Ông có nhận xét gì về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua khi dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp?

* TS. Nguyễn Đức Kiên: Tháng 4-2021, Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 kiện toàn với hơn một nửa thành viên Chính phủ là những nhân sự mới nhưng ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Chính phủ đã bắt tay ngay vào công tác chỉ đạo, điều hành.

Điểm nổi bật nhất của Chính phủ trong thời gian từ tháng 4-2021 cho đến kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV đang diễn ra là sự kế tiếp những thành công của nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, đồng thời thể hiện được sự chủ động trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của một Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hành động và vì dân.

Chính phủ đã chủ động lường trước những khó khăn của nền kinh tế trong nước và quốc tế, tình hình dịch bệnh để từ đó có các biện pháp ứng phó cho năm 2021.

Ở đây chúng ta cũng cần thấy sự chọn điểm, hài hòa để điều hành của Chính phủ, ở những thời điểm khác nhau, Chính phủ chọn những công việc then chốt phù hợp với tình hình thực tế. Như ngày 27-4-2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát, thời điểm đó gần một tháng nữa là đến ngày bầu cử toàn quốc 23/5, Chính phủ đã dồn toàn lực để chỉ đạo, điều hành, bảo đảm cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công. Sau ngày bầu cử kết thúc, sáng ngày 24-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã họp Thường trực Chính phủ và có quyết định về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ điều động Bộ trưởng Bộ Công Thương lên Bắc Giang, phối hợp Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tạo "luồng xanh" cho vải thiều và có văn bản giao nhiệm vụ cho các tỉnh có cửa khẩu làm việc với các đối tác để hỗ trợ đưa nông sản xuất khẩu...

Chính nhờ chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt mức tăng trưởng 5,64%, dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP khá. So với tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực, chúng ta vẫn tương đối khả quan.

* Chỉ đạo, điều hành trong tình trạng đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, theo ông những quyết sách Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra trong thời gian này có điểm nào nổi bật?

* TS. Nguyễn Đức Kiên: Điểm nổi bật của Chính phủ trong gần 4 tháng vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dự báo và hành động đi trước tình hình.

Có thể kể ra 3 dẫn chứng rõ nét. Thứ nhất là sự kế tiếp, ngay sau khi kiện toàn, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 17-5-2021 quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Thứ hai là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Việc gia hạn này là cần thiết để các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2021.

Đây là 2 quyết sách tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp “hồi sức” trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Thứ ba là vào đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 liên quan đến gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, tập trung vào 2 đối tượng chính là người lao động và người sử dụng lao động. Gói hỗ trợ này được áp dụng khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đang diễn ra, quy định rõ 12 đối tượng được hưởng trợ cấp. Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ thực hiện đúng sự phân cấp, phân quyền của Chính phủ khi giao cho các địa phương triển khai.

Mới đây nhất, ngày 19-7-2021, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được đồng thuận với Bộ Tài chính Hoa Kỳ về việc Việt Nam không phải là quốc gia phá giá tiền tệ. Tôi cho rằng đây là thành công lớn về kinh tế đối ngoại trong hơn 4 tháng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đây là cái nhìn xa và có tính chất kinh tế vĩ mô, như vậy toàn bộ doanh nghiệp có liên quan đến thị trường Hoa Kỳ mới có khả năng đẩy mạnh sản xuất.

Bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, Chính phủ đã thể hiện được đúng vai trò của mình, tức là dự báo được tình hình, đã có những quyết sách dài hạn, tác động sâu đến nền kinh tế.

Có thể khẳng định lại 3 điểm nhấn về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong hơn 100 ngày qua: Thứ nhất là Chính phủ hành động vì dân; thứ hai là Chính phủ phân cấp, phân quyền cho các bộ và các địa phương, Chính phủ không làm thay các bộ, địa phương; thứ ba là Chính phủ dự báo được tương đối sát tình hình, để từ đó có các quyết sách đi trước được các vấn đề.

Kết quả GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng trưởng 5,64% dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cho thấy những quyết sách của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, giảm đà suy giảm của nền kinh tế do đại dịch.

* Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hơn, phải thực hiện bằng được “mục tiêu kép”. Theo ông, thời gian tới điều hành của Chính phủ sẽ gặp khó khăn và thuận lợi gì?

* TS. Nguyễn Đức Kiên: Khó khăn có thể nhìn rõ là thời điểm này dịch COVID-19 đã lan ra 19 tỉnh, thành phố của khu vực phía nam; đồng thời dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Trong khi đó, TPHCM là động lực kinh tế, chiếm khoảng 30% GDP của cả nước, nhưng đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh thì sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế.

Tuy nhiên như chúng ta thấy, trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, cách điều hành của Chính phủ đối với các địa phương cũng rất linh hoạt, sát với thực tế từng địa phương. Qua các đợt chống dịch thành công trước, Chính phủ có những giải pháp phù hợp hơn trong chỉ đạo, điều hành, như thay vì phong tỏa một khu vực rộng ở đợt dịch đầu tiên, sang đến đợt dịch thứ 2 trở lại đây chúng ta đã thay đổi, chỉ khoanh vùng điểm dịch và chỉ phong tỏa những khu vực có ca mắc.

Việc rút kinh nghiệm giúp Việt Nam chống dịch và có quyết sách, hành động sát với thực tế, có dự báo trước được tình huống để giảm thiếu tác động với đời sống người dân cũng như đối với nền kinh tế.

Một trong những giải pháp phát triển kinh tế cho 6 tháng cuối năm mà Chính phủ đã xác định là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong 6 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân là thấp so với cùng kỳ năm 2020. Từ tháng 2-2020, Tổ tư vấn kinh tế đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần đưa đầu tư công là một động lực để phát triển kinh tế. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất quan điểm đầu tư công là động lực và có quyết sách mạnh mẽ về vấn đề này.

Ví dụ như Thông báo 179/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh liên quan khẩn trương rà soát mỏ vật liệu trên địa bàn, cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, bảo đảm cung cấp đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông. Tôi cho rằng đây là một quyết định chưa có tiền lệ, cho thấy tiến độ đầu tư công là một trong những mũi nhọn được Chính phủ quan tâm.

Điều này cũng cho thấy điểm mới trong tư duy về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là Chính phủ tạo cơ chế để huy động, đóng góp nguồn vốn, nguồn lực trong sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp thông qua nguyên tắc thị trường.

Thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ tôi cho rằng chính là sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Sự đồng thuận, đồng lòng, quyết tâm chống dịch COVID-19 của tất cả các cấp, các ngành, của nhân dân trong 4 đợt dịch thể hiện niềm tin vào các quyết sách phòng, chống dịch; cũng là sự tin tưởng của nhân dân trong công các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Theo baochinhphu.vn

 

.
.
.