.

Quy trình chấm thi tốt nghiệp THPT sẽ chặt chẽ, công bằng, khách quan

Cập nhật: 17:52, 14/07/2021 (GMT+7)
(ABO) Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện các công đoạn của quá trình chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Hội đồng chấm thi năm nay được đặt tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho. Xoay quanh về công tác chấm thi tốt nghiệp THPT, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Võ Văn Hiếu cho biết:
 
Đồng chí Võ Văn Hiếu.
Đồng chí Võ Văn Hiếu.

Việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay huy động gồm 7 người trực bảo quản bài thi tiếp nhận từ Ban coi thi; 15 người làm phách bài thi tự luận; 140 người chấm thi tự luận; 15 người chấm thi trắc nghiệm; 10 thanh tra chấm thi và lực lượng công an, bảo vệ, giám sát khu vực chấm thi. 

Ngay sau khi tiếp nhận bài thi từ các điểm thi, hội đồng làm phách đã tiến hành làm phách các bài thi tự luận. Ban làm phách phải được cách ly triệt để trong suốt quá trình tập trung làm phách cho đến khi hoàn thành chấm bài thi tự luận. Ban làm phách được tổ chức thành vòng trong và vòng ngoài; trong đó, vòng ngoài gồm 2 bảo vệ, 2 công an,1 y tế và 1 phục vụ. Việc giao các túi bài thi đã làm phách giữa Ban làm phách bài thi tự luận và Ban chấm thi tự luận được thực hiện theo phương án bàn giao nhiều lần theo tiến độ chấm thi của Ban chấm thi. 
 
* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, công tác triển khai chấm thi của tỉnh Tiền Giang được tổ chức ra sao khi mà dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp?  
 
* Đồng chí Võ Văn Hiếu: Ngay sau khi tiếp nhận bài thi từ các điểm thi, hội đồng làm phách đã tiến hành làm phách các bài thi tự luận và ngày 11-7 đã tiến hành khai mạc hội đồng chấm thi. Các cán bộ, giáo viên được triệu tập tham gia công tác chấm thi lần này được xét nghiệm Covid-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế như được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách trong quá trình chấm thi. 
 
* PV: Việc tổ chức chấm thi tự luận được triển khai ra sao, thưa đồng chí?
 
* Đồng chí Võ Văn Hiếu: Khi hoàn thành công tác làm phách, Ban chấm thi tự luận sẽ nhận bài thi. Ban chấm thi tự được tổ chức thành 4 tổ chấm, được điều hành bởi Trưởng môn chấm thi. Trước khi cho cán bộ chấm thi bốc thăm túi bài thi sẽ chấm, mỗi tổ sẽ tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài thi. Sau đó, bài thi tự luận được chấm hai vòng độc lập. 
 
Ở lần chấm thứ nhất, cán bộ chấm thi sẽ kiểm tra từng bài, đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết trên giấy thi. Nếu phát hiện bài thi không đủ số tờ, phách hoặc thí sinh làm bài trên giấy nháp, viết bằng hai màu mực, xuất hiện nét chữ của hai người cùng những bất thường khác, cán bộ chấm thi phải báo cáo và giao những bài thi này cho Tổ trưởng chấm thi, sau đó trình Trưởng môn chấm thi xử lý.
 
Khi chấm lần một, ngoài những nét gạch chéo trên phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi không được phép ghi ký hiệu gì lên bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, các nhận xét và điểm toàn bài được ghi trên phiếu chấm, ghi rõ họ tên và chữ ký của cán bộ chấm thi.
 
Trong lần chấm thứ hai, việc chia các túi bài thi cũng thực hiện theo hình thức bốc thăm, đảm bảo không giao lại túi bài đã chấm cho chính người đã chấm lần đầu. Cán bộ chấm thi lần hai trực tiếp ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào bài làm của thí sinh và trên phiếu chấm.
 
Trưởng môn chấm thi tiếp nhận bài thi, phiếu chấm từ Ban Thư ký Hội đồng chấm thi và chỉ đạo các Tổ chấm thi thực hiện thống nhất điểm bài thi. Chỉ ghi điểm từng câu và tổng điểm toàn bài vào vị trí quy định trên tờ giấy thi sau khi đã thống nhất điểm. Việc thống nhất điểm thực hiện như sau:
 
Trường hợp xử lý kết quả 2  lần chấm:
 
- Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần không lệch hoặc lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) dưới 1 điểm: Hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất điểm; cán bộ chấm thi lần chấm thứ hai ghi điểm; hai cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
 
- Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) từ 1 đến 1,5 điểm: 
 
+ Hai cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền để thống nhất điểm (không sửa chữa điểm trong phiếu chấm); cán bộ chấm thi lần chấm thứ hai ghi điểm; hai cán bộ chấm thi cùng ký và ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
 
+ Nếu hai cán bộ chấm thi không thống nhất được điểm thì Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền lập biên bản quyết định điểm, ghi điểm và cùng hai cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
 
- Nếu điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm điểm) trên 1,5 điểm: Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền tổ chức chấm lần thứ ba trực tiếp vào bài thi của thí sinh bằng mực màu khác. 
 
Trường hợp xử lý kết quả 3 lần chấm:
 
- Nếu kết quả hai trong ba lần chấm giống nhau: Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức rồi ghi điểm và cùng các cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
 
- Nếu kết quả ba lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm: Trưởng môn chấm thi hoặc Tổ trưởng Tổ chấm thi được Trưởng môn chấm thi ủy quyền lấy điểm trung bình cộng của ba lần chấm làm điểm chính thức rồi ghi điểm và cùng các cán bộ chấm thi ký, ghi rõ họ tên vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.
 
Cũng theo quy chế, mỗi Hội đồng chấm thi phải chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi tự luận. Khi chấm kiểm tra, nếu thấy có sự chênh lệch phải điều chỉnh. Cán bộ chấm kiểm tra có thể kiến nghị, đề xuất với Trưởng ban chấm thi tự luận áp dụng các biện pháp phù hợp giúp cho việc chấm thi được công bằng, khách quan, nghiêm túc.
 
* PV: Còn việc tổ chức chấm thi trắc nghiệm được triển khai ra sao, thưa đồng chí?

* Đồng chí Võ Văn Hiếu: Việc chấm thi trắc nghiệm cũng sẽ được triển khai theo đúng quy chế chấm thi trắc nghiệm. Quy trình đưa ra 4 đĩa CD rất chặt chẽ. Đầu tiên là quét ảnh bài thi, đưa ra một đĩa CD, gọi là CD0. Theo đó, một CD0 gửi cho Chủ tịch Hội đồng chấm thi, một gửi về Bộ GD-ĐT và Ban chấm thi giữ một bản. Có CD0 rồi sẽ chuyển thành định dạng chấm là CD1... từ CD0 chuyển sang CD1 có mật khẩu. Mật khẩu đó phải được Chủ tịch Hội đồng chấm thi nắm giữ, khi làm hết thao tác quy trình bước 1, Chủ tịch Hội đồng chấm thi mới cho mật khẩu chuyển sang bước 2; sau đó, đến bước 3, bước 4, tất cả đều có mật khẩu riêng. Các dữ liệu được quản lý chặt chẽ có camera an ninh giám sát, có công an trực bảo vệ xuyên suốt 24/24 giờ/ngày. 
 
* PV: Xin cảm ơn đồng chí! 
 
VIỆT PHƯƠNG (thực hiện)
 
 
 
.
.
.