Người dân hãy đồng hành cùng phát triển CNTT, góp phần vào chuyển đổi số của tỉnh
(ABO) Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mang lại nhiều hiệu quả, góp phần kiểm soát dịch bệnh, hạn chế sự lây lan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như những lợi ích khác mà người dân có thể hưởng lợi thông qua việc sử dụng các ứng dụng CNTT, Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Tiền Giang.
* Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ngành TT-TT nói chung và Sở TT-TT tỉnh nói riêng đã triển khai những ứng dụng CNTT nào hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Bộ TT-TT triển khai 5 ứng dụng về phòng, chống dịch, gồm: Bluezone - cảnh báo tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19; ứng dụng NCOVI - Hệ thống quản lý tờ khai y tế cho phép người dân tự khai báo, cập nhật tình hình sức khỏe của bản thân và của gia đình; ứng dụng VHD - Hệ thống khai báo y tế cho người nhập cảnh; Hệ thống ghi nhận người đến và đi các địa điểm công cộng (qua mã QR); Hệ thống bản đồ chống dịch - an toàn Covid-19 và 3 hệ thống nền tảng: Hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức trực tuyến; quản lý cách ly y tế tại nhà và quản lý tiêm chủng Covid-19.
Song hành với các ứng dụng CNTT của Chính phủ, Sở TT-TT tỉnh Tiền Giang cũng đã chủ động thành lập Tổ CNTT phục vụ phòng, chống Covid-19 gồm 15 thành viên của các đơn vị, chủ chốt là Sở TT-TT, Sở Y tế, VNPT Tiền Giang, Viettel Tiền Giang; tập hợp nhóm chuyên gia CNTT tỉnh gồm 25 thành viên phục vụ công tác xây dựng các ứng dụng CNTT và triển khai các phần mềm, nhập liệu phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 của tỉnh.
Một số hình ảnh của App TienGiangS. |
Đến nay, Sở TT-TT tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh triển khai Hệ thống thông tin quản lý dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, gồm 4 module (phân hệ):
Thứ nhất, phân hệ Quản lý dịch bệnh Covid-19 và Quản lý xét nghiệm (quản lý y tế cơ sở bao gồm quản lý F0, F1, F2, F3 và Quản lý xét nghiệm). Hệ thống đã đưa vào sử dụng tại Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang, 8 bệnh viện, 11 trung tâm y tế huyện và 172 trạm y tế xã đáp ứng được yêu cầu về quản lý dịch tễ, kết quả xét nghiệm có chức năng truy vết khi phát sinh trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, đảm bảo việc truy vết, khoanh vùng chính xác, kịp thời và nhanh nhất.
Thứ hai, phân hệ Quản lý doanh nghiệp hỗ trợ phòng, chống Covid-19 đáp ứng được yêu cầu của Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế để thực hiện quản lý công nhân cho các doanh nghiệp thuộc các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ quản lý công nhân theo từng doanh nghiệp, chi tiết đến phân xưởng, tổ sản xuất; quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc và di chuyển trên phương tiện ô tô đưa đón công nhân; hỗ trợ phân nhóm công nhân trong quản lý “3 tại chỗ” có chức năng truy vết.
Khi một doanh nghiệp phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 sẽ ngay lập tức có được thông tin về các đối tượng liên quan để nhanh chóng, kịp thời khoanh vùng, truy vết. Phân hệ Quản lý doanh nghiệp hỗ trợ phòng, chống Covid-19 đã được triển khai cho Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và gần 200 doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, Bản đồ Tiền Giang phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (covid.tiengiang.gov.vn) là ứng dụng CNTT được xây dựng trên nền bản đồ số phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Bản đồ cung cấp thông tin chi tiết tình hình dịch bệnh, mức độ cảnh báo, mức độ an toàn tại từng khu vực huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và được cập nhật liên tục hằng ngày theo 4 gam màu đỏ - cam - vàng - xanh theo từng mức độ an toàn theo Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.
Bản đồ giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp nắm sát tình hình cấp huyện, cấp xã để chỉ đạo điều hành trên các gam màu và số liệu tương ứng tình hình an toàn dịch trên địa bàn (dập dịch vùng đỏ, làm sạch vùng cam, vàng để lan tỏa, vùng xanh - vùng an toàn).
Thứ tư, ứng dụng TienGiangS trên thiết bị di động, người dân có thể gửi phản hồi, góp ý về công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời đến cơ quan quản lý cũng như phản ánh, kiến nghị các vấn đề khác trong đời sống xã hội như: Giao thông, giáo dục, đất đai, an sinh xã hội, phòng, chống Covid-19
* PV: Nhiều ứng dụng CNTT được phát triển như trên đã đem lại hiệu quả ra sao trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh hiện nay, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Việc ứng dụng CNTT đã tạo ra một giải pháp mới trong giai đoạn hiện nay, vừa giúp các cơ quan nhà nước thực hiện công tác phòng, chống dịch được nhanh chóng, hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ của người dân. Tính đến nay, các phần mềm này đã phát huy được hiệu quả tốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Đối với hệ thống Quản lý doanh nghiệp hỗ trợ phòng, chống Covid-19 đã thực hiện cập nhật dữ liệu vào phần mềm và vận hành chính thức từ ngày 15-7-2021, tính đến ngày 31-7-2021 đã có 110/197 doanh nghiệp cập nhật dữ liệu vào hệ thống với tổng số 88.225 nhân sự.
Trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ tiếp tục theo dõi và hỗ trợ các đơn vị cập nhật dữ liệu cũng như yếu tố thông tin dịch tễ. Đồng thời, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh việc sử dụng phần mềm này là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp để được hoạt động sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
Về hệ thống Quản lý dịch bệnh Covid-19 đến nay đã cập nhật gần 3.000 đối tượng F0 và nhiều đối tượng F1 vào quản lý. Sở TT-TT đang tích cực phối hợp với ngành Y tế để hỗ trợ các đơn vị cập nhật dữ liệu, thông qua Tổ hỗ trợ ứng dụng CNTT trong phòng, chống Covid-19 mà Sở đã thành lập.
Về ứng dụng TienGiangS, theo số liệu thống kê đến nay đã có 16.689 lượt người dùng cài đặt và sử dụng ứng dụng này. Trong thời gian tới, cùng với các biện pháp tuyên truyền và triển khai mạnh mẽ hơn nữa thì ứng dụng này sẽ trở thành công cụ không thể thiếu của mỗi người dân Tiền Giang, đây là một “app công dân thời đại số”, là kênh giao tiếp, giao dịch chính trên môi trường số với chính quyền các cấp.
Như vậy có thể nói, việc ứng dụng CNTT trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp chính là một trong các giải pháp biến nguy cơ thành động lực để tăng tốc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong chính quyền và toàn xã hội.
* PV: Để ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn nữa, những công việc mà Sở TT-TT tỉnh Tiền Giang sẽ triển khai trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Trong thời gian tới, Sở TT-TT làm đầu mối, tiếp tục triển khai 3 nền tảng công nghệ quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 do Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia hỗ trợ. Các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn, có sự phân công rõ ràng để đảm bảo hiệu quả công việc. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để kêu gọi người dân tham gia sử dụng CNTT trong phòng, chống dịch.
* PV: Hiện nay, Tiền Giang đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị sẽ hạn chế làm việc tại cơ quan, đơn vị, chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà. Trước tình hình này, Sở TT-TT đã có những biện pháp gì trong việc ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc tại các cơ quan, đơn vị?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Sở TT-TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông - CNTT trên địa bàn tỉnh đảm bảo hệ thống đường truyền được thông suốt, ổn định, đặt biệt là Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh nâng cao năng lực hoạt động của các hệ thống quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành, hệ thống cổng dịch vụ công, hệ thống thư điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến..., đáp ứng công tác xử lý công việc từ xa, phục vụ chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn giới thiệu, hỗ trợ các ứng dụng CNTT miễn phí hỗ trợ các cơ quan, đơn vị làm việc qua mạng, hội họp từ xa bao gồm Zoom, Skype, Zalo, QuicKom…
* PV: Đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính, Sở TT-TT có những giải pháp nào giúp người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Hiện nay, Cổng dịch vụ công tỉnh (dichvucong.tiengiang.gov.vn) đã nâng cấp 100% dịch vụ công mức độ 3 và hơn 50% các dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến ở mức độ 4. Theo đó, tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện ở các cơ quan nhà nước đều đã được cung cấp ở mức độ 3, 4, mức độ mà cho phép người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện hoàn toàn ở bất cứ nơi đâu thông qua môi trường mạng.
Các thủ tục này cũng đã được tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, Sở TT-TT chỉ đạo Bưu điện tỉnh tăng cường triển khai thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Như vậy, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân và doanh nghiệp đều có thể thực hiện các dịch vụ công thông qua hình thức trực tuyến trên Internet hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích được phục vụ tại nhà.
* PV: Được biết, Tiền Giang đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT qua hệ thống camera hỗ trợ công tác theo dõi và giám sát, đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của hệ thống camera trong toàn tỉnh đối với công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Hệ thống camera giám sát tại các khu cách ly tập trung được kết nối với hệ thống giám sát tập trung của Bộ TT-TT, cụ thể: Phòng khám Đa khoa Quân dân Y Tiền Giang (bệnh viện dã chiến) 8 camera, Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang (Tiểu đoàn Ấp Bắc) 45 camera, Khách sạn Quảng Trường Mỹ Tho (khu cách ly chuyên gia) bổ sung 2 camera, Trung đoàn 924 là 59 camera, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh (bệnh viện dã chiến) 25 camera, Khách sạn Minh Kiều 2 là 13 camera (có sẵn), Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 (Sư đoàn 8 - Trại rắn Đồng Tâm) lắp bổ sung 53 camera, Trường Cao đẳng Y tế bổ sung 8 camera...
Hệ thống camera giám sát tại các chốt, trạm kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cũng lắp đặt 9 camera quan sát tại 9 chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, đến nay Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) tỉnh đã tích hợp thêm các camera giám sát an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần quan trọng trong việc giám sát việc thực hiện về áp dụng một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống Covid-19; cụ thể là giám sát các điểm có khả năng tập trung đông người tại các khu vực công cộng. IOC tỉnh cũng đã tích hợp thêm 9 camera của 9 điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ cho ngành Y tế và các lực lượng trực trong việc giám sát an toàn tại các khu cách ly.
Bên cạnh đó, hệ thống camera thông minh, camera quan sát đã hỗ trợ trong công tác phân loại, quan sát các loại xe, cảnh báo các loại xe vi phạm, ghi nhận các trường hợp vi phạm giúp giảm tải cho lực lượng chức năng trong công tác giám sát, quản lý, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội như hiện nay.
* PV: Ngoài những chức năng vừa nêu trên, các ứng dụng trên app TienGiangS còn có những tiện ích nào khác mà người dân cần biết, đồng chí có thể nói rõ thêm?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: TienGiangS là một thành phần của dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Tiền Giang. Đây là công cụ giúp người dân phản ánh các vấn đề bất cập trong đời sống xã hội như: Môi trường, mỹ quan đô thị, an ninh trật tự, y tế, hạ tầng và giao thông công cộng, giá cả thị trường và các lĩnh vực khác. Khi gặp vấn đề cần phản ánh, người dân sử dụng ứng dụng TienGiangS kèm theo hình ảnh chụp hoặc đoạn phim quay lại sự việc cần phản ánh.
Ngay lập tức nội dung thông tin phản ảnh (hình ảnh, nội dung, địa điểm) sẽ được gửi đến Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh - Sở TT-TT tiếp nhận, phân loại nội dung và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý. Ngoài ra, với ứng dụng này người dân có thể tra cứu dịch vụ tiện ích khác như: Thủ tục hành chính; tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính; tra cứu thông tin liên quan đến quy hoạch; camera giao thông; thanh toán điện, nước, cước viễn thông, học phí không dùng tiền mặt; các thông tin về phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, của quốc gia, khai báo y tế, những điều nên làm để phòng, chống dịch…
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, người dân nên cài đặt và sử dụng ứng dụng TienGiangS trên thiết bị di động để nhận các thông tin về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh một cách kịp thời. Đồng thời, ứng dụng cũng thực hiện tiếp nhận phản ánh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
* PV: Như vậy, TienGiangS có rất nhiều chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, để phát huy được hiệu quả thì đòi hỏi phải có sự tham gia của người dân, qua cuộc trao đổi này đồng chí có điều gì muốn nhắn gửi đến người dân hay không?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: TienGiangS là kênh tương tác giữa chính quyền và nhân dân trên nền tảng di động được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân thời đại số, TienGiangS là ứng dụng tiện ích của mọi người dân. Tuy nhiên, CNTT cũng chỉ là công cụ hỗ trợ nếu chúng ta không sử dụng thì công cụ đó cũng trở nên vô nghĩa, điều này cho thấy tầm quan trọng của nhân tố con người trong tham gia triển khai, vận hành các phần mềm.
Vì vậy, tôi rất mong mọi người dân trên địa bàn cố gắng tham gia và đồng hành cùng quá trình phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh cũng như chuyển đổi số của tỉnh, hoạt động thiết thực nhất là cài đặt ứng dụng TiengGiangS và khai thác các thông tin dịch vụ trên TienGiangS để nắm một cách toàn diện hơn về tình hình dịch bệnh cũng như các dịch vụ, tiện ích mà tỉnh sẽ mang lại trong thời gian tới, làm công dân thời đại số góp phần vào công cuộc chuyển đổi số tỉnh nhà.
* PV: Đồng chí có thể cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ có định hướng ra sao để phát huy hiệu quả của CNTT trong giải quyết công việc hiệu quả gắn với yêu cầu chuyển đổi số hướng đến Chính quyền số?
* Đồng chí Trần Văn Dũng: Giai đoạn 2021 - 2025, trên nền tảng Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở TT-TT sẽ tham mưu tỉnh triển khai nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm nền tảng CNTT quan trọng, phục vụ Chính quyền số giúp các cơ quan nhà nước thực hiện tốt chuyển đổi số cho xã hội trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, Sở TT-TT sẽ hoàn thành một số dự án thí điểm xây dựng Chính quyền số, đây là bước khởi đầu cho các dự án chuyển đổi số trong thời gian tới. Tôi hy vọng rằng, khi hoàn thành các dự án này, tỉnh sẽ có cơ sở dữ liệu lớn (BigData) để ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dùng máy học phân tích và khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, công tác dự báo được nhanh chóng, chính xác hơn. Đến năm 2025, tỉnh sẽ cơ bản hoàn thành việc Chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
MINH HIẾU (thực hiện)