.

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022 - 2023

Cập nhật: 09:39, 09/09/2022 (GMT+7)

Năm học 2022 - 2023 đã chính thức bắt đầu, đây là năm học được toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) xác định là năm trọng tâm của đổi mới giáo dục. Đầu năm học mới, phóng viên (PV) Báo Ấp bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang về những kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

* PV: Năm học mới bắt đầu, Tiến sĩ có thể chia sẻ về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT tỉnh nhà trong năm học 2022 - 2023?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2022 - 2023 là năm học ngành GD- ĐT tiếp tục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021 - 2026, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI. Với chủ đề năm học: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động GD-ĐT”, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 cụ thể như sau:

Toàn ngành GD-ĐT tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả các chỉ đạo trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GD-ĐT. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành GD-ĐT thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong GD-ĐT. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tăng cường công tác truyền thông trong GD-ĐT.

Đó là những nhiệm vụ mang tính chiến lược cơ bản, còn một trong những nhiệm vụ khá quan trọng trong năm học này là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch Covid-19, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh...  Bên cạnh đó, tập trung triển khai thật tốt Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 3, 7 và 10.

* PV: Thưa Tiến sĩ, thiếu giáo viên là khó khăn chung của các địa phương khi triển khai Chương trình GDPT 2018 và tỉnh Tiền Giang sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Vấn đề thiếu giáo viên được xem là khó khăn chung của toàn ngành Giáo dục các địa phương trong cả nước, không riêng gì tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, tín hiệu vui là vừa qua, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Riêng tại tỉnh Tiền Giang, ở bậc học mầm non, tại Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh, khóa X năm 2021 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng.

Nghị quyết này về cơ bản đã giúp cho các địa phương bổ sung được nguồn giáo viên cho bậc học mầm non công lập. Còn bậc học phổ thông, ở một vài địa phương, đội ngũ giáo viên chưa đủ để đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học. Một số cơ sở giáo dục còn thiếu giáo viên để giảng dạy bộ môn Tiếng Anh, Mỹ thuật, Âm nhạc và Tin học... Để giải quyết thực trạng này, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh sẽ có cơ chế đặt hàng cũng như liên kết đào tạo lực lượng giáo viên để kịp thời bổ sung.

* PV: Học phí, các khoản thu là những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm, nhất là trong mỗi đầu năm học, Tiến sĩ có thể thông tin thêm về các vấn đề này?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân còn khó khăn, tại Kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua vẫn chưa ban hành Nghị quyết quy định về mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm học 2022 - 2023. Vấn đề học phí năm học mới vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên và sẽ thông tin đến các trường học để phụ huynh biết và thực hiện.

Đối với các khoản thu khác ngoài học phí, Bộ GD-ĐT đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn trước đó nhằm “chống lạm thu” đầu năm học mới. Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Bên cạnh các khoản thu theo quy định của ngành, thì nghiêm cấm tuyệt đối các trường không thu các khoản trái quy định.

* PV: Đầu năm học mới, Tiến sĩ có điều gì muốn nhắn gửi tới cán bộ, giáo viên, học sinh?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2022 - 2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới, do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học này, rất cần sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm của các thầy cô giáo trong toàn ngành Giáo dục. Chúng ta đã cố gắng và phải cố gắng thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được đề ra. Với thầy cô giáo, không ngừng rèn luyện trau dồi trình độ chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện tốt các phong trào thi đua, là tấm gương tốt cho học sinh noi theo. Riêng với các em học sinh trong năm học này cần cố gắng học tập thật tốt, vâng lời ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, tích cực tham gia các hoạt động, trau dồi kỹ năng sống, tăng cường rèn luyện đạo đức, lối sống.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Đ. PHI (thực hiện)

.
.
.