.
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ MỸ NƯƠNG:

Xây dựng môi trường sống an lành, thân thiện cho trẻ em

Cập nhật: 10:13, 16/06/2023 (GMT+7)

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho trẻ được chăm sóc, học tập, vui chơi, giải trí, đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, Báo Ấp Bắc đã nhận được sự chia sẻ của đồng chí Nguyễn thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của tỉnh.

ồng chí Nguyễn thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang
Đồng chí Nguyễn thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên (PV): Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 diễn ra từ ngày 1 đến 30-6 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Đồng chí cho biết ý nghĩa của chủ đề này là gì?

* Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương: Mục tiêu của Tháng hành động vì trẻ em năm nay với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” là nhằm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em.

Các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, gồm: Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; gia đình, nhà trường cùng đồng hành để trẻ em được an toàn trên môi trường mạng; không gian mạng an toàn, công dân số tương lai; roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

* PV: Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại Tiền Giang có những hoạt động chính nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương: Theo Kế hoạch 153 của UBND tỉnh Tiền Giang về việc triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023, trong đó cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tập trung tuyên truyền và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em, các hoạt động cụ thể, như: Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em; Diễn đàn “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”; tổ chức Trại hè “Ước mơ hồng” tỉnh Tiền Giang năm 2023.

Qua 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Tiền Giang đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh đã giảm từ 15,58% năm 2012 xuống còn 7,64% năm 2021; có 90,8% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 93% xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em; 99,68% trẻ dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh, 83,1% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin; 100% trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp; 72,7% trẻ khuyết tật được tiếp cận giáo dục chuyên biệt, giáo dục hòa nhập và hỗ trợ phục hồi chức năng.

Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh đạt 79,4%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đi học mẫu giáo và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%; trẻ hoàn thành cấp tiểu học và THCS đạt trên 97%.

Tổ chức các hoạt động trao tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi; xây dựng các công trình, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ; lập danh sách bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ về sinh hoạt hè tại địa phương.

Tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao, du lịch, tham quan, giao lưu cho trẻ em với nội dung bổ ích, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 đã tổ chức trao tặng 60 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) và 60 xe đạp (trị giá mỗi xe 1,6 triệu đồng) và mỗi em 15 cuốn tập.

Song song đó, hoạt động truyền thông và vận động xã hội cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội... nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

Truyền thông, tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông ở trẻ em...

* PV: Đồng chí có thể cho biết, tại Tiền Giang, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong những năm qua đạt kết quả như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương: Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại Tiền Giang được quan tâm đặc biệt. Theo đó, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể đều có chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh.

Trẻ em trên địa bàn tỉnh được quan tâm chăm lo, được đến trường, học tập, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn nhận được sự quan tâm để các em được sống, hòa nhập và phát triển.

Công tác bảo vệ, trợ giúp trẻ em được tăng cường. Các lĩnh vực phòng, chống xâm hại trẻ em, giảm thiểu tình trạng lợi dụng lao động trẻ em, phòng, chống tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đạt được nhiều kết quả tích cực; nhất là thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em...

Trong đó, có vai trò của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, đoàn thể luôn theo sát, chăm lo cho trẻ em nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng, gần đây nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước; tai nạn giao thông, tai nạn nói chung, để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ trong mùa hè, mùa mưa, bão.

Tuy nhiên, thách thức trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em hiện nay là còn nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có trên 19.300 trẻ có hoàn cảnh khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; trong đó có 1.395 trẻ khuyết tật, 189 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 104 trẻ bị bỏ rơi, 77 trẻ không nơi nương tựa, 11 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS…

Thời gian qua, trong tỉnh cũng đã xảy ra một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại trẻ em, có nơi còn diễn biến phức tạp. Tình trạng trẻ em bị đuối nước, tai nạn thương tích, nhất là bị lạm dụng sức lao động... gây bức xúc.

Mặt khác, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế có những tác động tích cực và cả tiêu cực đến việc thực hiện các quyền trẻ em và bổn phận của trẻ em. Thiên tai, dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển toàn diện và cuộc sống an toàn của trẻ. Trẻ em trong các gia đình công nhân tại các khu, cụm công nghiệp khó tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ.

Các giá trị đạo đức truyền thống dần thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn... Đây là những vấn đề bức xúc mà cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm, quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.