.

Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 09:59, 05/07/2023 (GMT+7)

Hôm nay 5-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Nhân sự kiện này, phóng viên Báo SGGP trao đổi với đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, về nhiệm vụ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố.

a
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Trọng Nghĩa

Tiếp nối truyền thống, khơi dậy khát vọng cống hiến

Phóng viên: Đồng chí có nhận xét gì về việc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh?

Đồng chí NGUYỄN TRỌNG NGHĨA: Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết là các tổ chức Đảng, các cơ quan trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên trong tu dưỡng, rèn luyện, cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có yêu cầu kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW.

Việc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác” là điểm mới trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM; thể hiện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quán triệt, thực hiện sáng tạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TPHCM. Là địa phương duy nhất của cả nước vinh dự được mang tên của Người, việc TPHCM xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc của nhân dân TPHCM, nhân dân Nam bộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, khơi dậy khát vọng cống hiến của TPHCM, xứng đáng với vị trí, vai trò của thành phố mang tên Bác.

a
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà thiếu nhi quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

"Hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác là điểm mới trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI; thể hiện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quán triệt, thực hiện sáng tạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn"

Đồng chí NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Bí thư Trung ương Đảng,

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Theo đồng chí, những yêu cầu trọng tâm cần được chú ý khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là gì?

Chúng ta cần xác định đây là nhiệm vụ mới, nội hàm rộng, vì vậy cần thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà còn ở các nhiệm kỳ tiếp theo, giúp cho mọi người hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về thân thế, sự nghiệp, công lao trời biển và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng và dân tộc Việt Nam, qua đó khẳng định giá trị, sức mạnh của văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh việc tổ chức, triển khai tích cực, hiệu quả các không gian văn hóa vật thể, TPHCM cần nghiên cứu phát triển mạnh mẽ văn hóa phi vật thể, phát huy vẻ đẹp truyền thống về đạo đức, nếp sống, phong tục, phong cách của người dân TPHCM gắn với những giá trị nhân văn của tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không chỉ xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa mà còn cần tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Ngoài ra, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn thực hiện trong phạm vi hệ thống chính trị mà còn phải thực hiện, lan tỏa trên mọi địa bàn dân cư; không chỉ diễn ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà còn trong mỗi người dân thành phố nói chung nhằm xây dựng và phát huy những giá trị nền tảng tinh thần cốt lõi gắn liền với quá trình phát triển chung của thành phố. Để thực hiện điều đó, mỗi tổ chức cơ sở Đảng cũng phải là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ bằng việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị công tác của mình phải luôn gương mẫu, tiên phong trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, là hình ảnh cụ thể nhất, minh chứng rõ ràng nhất để truyền tải những giá trị văn hóa tốt đẹp.

Góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân

Việc phát triển văn hóa, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ góp phần như thế nào đối với sự phát triển, thưa đồng chí?

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Phát triển văn hóa TPHCM phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội khu vực trọng điểm phía Nam và cả nước.

Văn hóa nói chung, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng, cần được nhìn nhận là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo hướng bền vững. Trong bối cảnh TPHCM đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hướng đến mục tiêu là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á thì Không gian văn hóa Hồ Chí Minh càng cần phải thẩm thấu sâu hơn vào kinh tế. Phát triển kinh tế gắn với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

a
Giới trẻ đến với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà Thiếu nhi quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: VĂN MINH

Đồng chí có những gợi mở gì để TPHCM thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn?

TPHCM cần xác định hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhằm xây dựng văn hóa và con người thành phố phát triển đồng bộ, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy đặc trưng, văn hóa, tính cách của con người thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình.

TPHCM cũng cần phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa hiện tại trên địa bàn gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời rà soát, bổ sung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình văn hóa mới gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh để tạo dấu ấn riêng cho TPHCM. Đồng thời, đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách con người, đề cao các giá trị chân - thiện - mỹ, nhất là đề cao tính nhân văn, nghĩa tình của người dân thành phố trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Nếu làm được những việc này, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân TPHCM nói riêng, người dân cả nước nói chung; góp phần tích cực vào việc xây dựng TPHCM là thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và người dân TPHCM được thụ hưởng các giá trị văn hóa một cách tương xứng…

Đồng chí có gửi gắm và kỳ vọng gì về việc TPHCM đang tập trung xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh?

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với tất cả những tình cảm, ý nghĩa tốt đẹp, giá trị to lớn nhất; góp phần cùng cả nước giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam; TPHCM sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nhất cả nước. Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ đồng hành với việc xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, xây dựng đạo đức công vụ của cán bộ, công chức; xây dựng con người có những phẩm chất tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa; bồi đắp và khơi dậy “tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thành phố, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Theo sggp.org.vn
 

 

.
.
.