Trung tướng Tô Ân Xô: 'Không ai dám tạo áp lực, can thiệp vào các án tham nhũng'
Trung tướng Tô Ân Xô khẳng định: Với quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị bất kỳ sức ép nào nên không người nào dám tạo áp lực để can thiệp vào quá trình xử lý các vụ án tham nhũng.
PV VietNamNet phỏng vấn Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an về những điểm nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.
5 điểm nhấn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Là người phát ngôn của Bộ Công an, ông đánh giá như thế nào về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay?
Theo tôi, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 5 điểm nhấn.
Thứ nhất, khí thế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được duy trì, không chùng xuống.
Thứ hai, thời gian qua, chúng ta đã tập trung phát hiện, xử lý một số vụ tham nhũng trong lĩnh vực có chuyên môn sâu như chứng khoán, trái phiếu, đăng kiểm...
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an |
Thứ ba, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cục chuyển biến tốt cả ở Trung ương và địa phương.
Thứ tư, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã chứng minh, làm rõ các sai phạm có tính hệ thống, lợi ích cục bộ như vụ đăng kiểm, vụ Việt Á…
Điểm nhấn nữa là qua điều tra, xét xử cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng chính trong cơ quan chống tham nhũng có một số kết quả nhất định, xử lý cả cán bộ thanh tra thiếu trách nhiệm...
Riêng với lực lượng công an, hiệu quả phát hiện tham nhũng từ nghiệp vụ được nâng lên. Tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn nên thường phải thông qua công tác thanh tra, kiểm tra mới phát hiện ra. Nhưng thời gian qua, lực lượng công an đã trực tiếp điều tra, xác minh qua thông tin tố giác, tin báo tội phạm. Vì vậy, nhiều vụ việc tham nhũng không phụ thuộc vào kết quả thanh, kiểm tra mới phát hiện ra như trước đây.
Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng tăng lên rất nhiều so với nhiệm kỳ trước. Bởi khi phát hiện ra các sai phạm, các cơ quan đã tiến hành khoanh vùng, phong tỏa tài sản ngay để tránh việc tẩu tán tài sản.
Những kết quả này tiếp tục khẳng định tinh thần đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Điều quan trọng nhất nữa là chúng ta làm một vài vụ đã cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.
Ông có thể phân tích rõ hơn tính răn đe, cảnh tỉnh từ các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua?
Phải nói là qua vụ Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát,… cho thấy ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh rất rõ.
Tôi tạm chia các doanh nghiệp hoạt động hiện nay thành 3 nhóm: Nhóm đầu tiên chiếm đa số là những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cơ bản đúng pháp luật; một nhóm khác là một số ít doanh nghiệp hay lợi dụng sơ hở của pháp luật, "đánh võng" thu lời và nhóm thứ 3 chiếm hạn hữu là những doanh nghiệp gian dối, thao túng trong một số lĩnh vực như trái phiếu, ngân hàng...
Tuy nhiên, những doanh nghiệp ở nhóm thứ 3 thường hay học theo nhau để làm.
Chính vì vậy, khi đưa ra xử lý vụ Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát,… rất nhiều doanh nghiệp khác đã, đang và có ý định học theo cách làm này sẽ tự sợ, không dám làm theo, "quay đầu vào bờ" để làm ăn đúng đắn theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc xử lý các vụ án này đúng như phương châm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập: "Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; xử lý một người để cứu muôn người".
Những sai phạm trong các vụ án này nếu không được ngăn chặn và xử lý nghiêm sẽ có rất nhiều doanh nghiệp tương tự Tân Hoàng Minh, FLC, Tân Hiệp Phát,... tiếp diễn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư và người dân rất lớn.
Vụ đăng kiểm là một dạng trục lợi chính sách
Một điểm đáng chú ý như ông nói qua điều tra, xác minh các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian gần đây cho thấy nhiều sai phạm có tính hệ thống, lợi ích cục bộ, mang dáng dấp của đường dây có tổ chức, có tính móc ngoặc rất cao?
Qua các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy có sự liên kết, ăn chia tập thể rất rõ. Các vụ án này không chỉ có một vài cá nhân hay một nhóm nhỏ mà hình thành nên những đường dây liên kết, có tính tổ chức, tính trên dưới và sự phân phối trong ăn chia để tồn tại.
Đặc biệt như trong vụ đăng kiểm, đó là một dạng trục lợi chính sách. Nhiều quy định trong nghị định, thông tư chỉ rõ việc này thì chỉ có người A, người B mới được làm và đằng sau đó là sự ăn chia.
Ngoài ra, các sai phạm trong những vụ án này còn có tính hệ thống, trên kiểm tra bỏ qua lỗi cho ở dưới vi phạm, tiêu cực và đều có sự thông đồng, móc ngoặc, thỏa thuận với nhau.
Ông có nhận xét gì khi các vụ án tham nhũng ở nhiệm kỳ trước gần như là phanh phui lại những sai phạm cũ, diễn ra trong thời gian dài; còn nhiều vụ án tham nhũng gần đây là phát hiện những sai phạm đang diễn ra và xử lý ngay như vụ Việt Á, đăng kiểm, chuyến bay giải cứu…?
Điều đó chính là thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách triệt để, làm rất quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Một khi cơ quan điều tra vào làm thì không bị bất kì sức ép, áp lực nào và cũng không người nào dám tạo áp lực, can thiệp vào được cả.
Không chỉ trên nghiêm mà dưới cũng làm rất kiên quyết. Khi các vụ việc đưa ra điều tra, truy tố, xét xử đều được làm chuẩn theo trình tự pháp luật, không người nào dám can thiệp.
Riêng đối với lực lượng công an thì điều này cũng thể hiện quyết tâm chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương; Bộ Công an luôn đi đầu, chống tham nhũng ngay trong nội bộ trước sau đó mới làm ra ngoài.
Theo VietNamNet