.
Nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến:

Các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước cần đề cao sáng tạo cá nhân

Cập nhật: 14:57, 15/07/2023 (GMT+7)

Số lượng các chương trình liên hoan, cuộc thi nhiếp ảnh trong nước đang tăng lên đáng kể trong vài năm trở lại đây song nhìn chung, chất lượng nghệ thuật lại chưa tỷ lệ thuận với số lượng sáng tác tham dự. Các bức ảnh được tuyển chọn dù không sai, không vi phạm điều lệ giải nhưng cứ "nhàn nhạt", nhàm chán. Chung quanh tồn tại không đáng có này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến.

Nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến.
Nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến.

Thích ảnh hiện thực, xa rời các thể loại ảnh mới

- Thưa ông, nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng gia tăng về số lượng thành viên các hội nghề nghiệp từ cấp địa phương đến trung ương, cũng như các cuộc thi, giải thưởng hằng năm. Nhận định chung của ông về chất lượng của sáng tác nhiếp ảnh tại các chương trình đó?

- Mỗi năm, Việt Nam có tới vài chục cuộc thi nhiếp ảnh trong nước, từ các cuộc thi nhiếp ảnh mang tính định kỳ, kỷ niệm các ngày lễ lớn tới các cuộc thi về ngành, địa phương từ tỉnh cho tới trung ương. Các cuộc thi này đã phát huy hiệu quả trong việc quảng bá tác phẩm, đưa tên tuổi của nhiều nhà nhiếp ảnh tới công chúng, đặc biệt góp phần làm phát lộ không ít tay máy trẻ và tài năng, tâm huyết, yêu nghề. Nhưng từ đó, chúng ta cũng thấy rõ hơn điểm yếu của nhiếp ảnh Việt Nam. Đó là việc các tay máy ngại đi vào các thể loại nhiếp ảnh mới, như thể loại ảnh ý niệm (ảnh ý tưởng), nhiếp ảnh ứng dụng (đưa các tác phẩm ảnh kết hợp với các lĩnh vực khác để tạo nên các sản phẩm sử dụng trong đời sống), ảnh độc bản hoặc hạn chế số lượng bản vật lý...

Hầu hết các tay máy ở Việt Nam đều yêu thích và tập trung cho thể loại ảnh hiện thực. Đã xảy ra tình trạng, các bức ảnh chụp cách đây chục năm lại được nhiều người yêu thích hơn các bức ảnh chụp hiện nay ở cùng một địa điểm, hay nói cách khác, ảnh ở thời điểm hiện tại không vượt qua được cái bóng quá lớn của các bức ảnh "để đời" của thế hệ đàn anh. Chẳng có gì khó hiểu chuyện đi vào lối mòn, "nhàn nhạt" của các tác phẩm khi người chụp ảnh cứ đi khai thác cùng một phong cảnh, thậm chí cùng một góc độ khi chụp phong cảnh ấy.

- Theo ông, lý do khiến các nhà nhiếp ảnh Việt Nam ngại đi vào thể loại nhiếp ảnh mới có thể là những gì?

- Theo tôi, tâm lý "ăn xổi" của số đông các nhà nhiếp ảnh Việt Nam được thể hiện rất rõ ở cách họ lựa chọn thể loại sáng tác. Cái gì nhanh, dễ thành công thì phần lớn đều lựa chọn và tập trung khai thác. Chỉ với một chiếc máy ảnh, ai cũng có thể trở thành "nghệ sĩ" trong phút mốt. Chỉ sau một chuyến đi du lịch, gửi dự thi vài ba cuộc nhiếp ảnh trong nước là đã có cơ hội ẵm giải, rồi trở thành hội viên của hội chuyên ngành nhiếp ảnh.

Trong khi đó, thể loại ảnh ý tưởng đòi hỏi phải suy nghĩ, đầu tư tư duy, chất xám, phương tiện biểu đạt và mang tính logic nên không phải ai cũng theo đuổi được. Bên cạnh đó, các thể loại nhiếp ảnh mới còn lại đều cần tới tư duy và trình độ chuyên môn nhất định, không thể không học mà lại trở thành nghệ sĩ, lại tạo ra được tác phẩm. Điều này cũng giải thích cho các cuộc thi nhiếp ảnh mang tính toàn quốc như Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam, Festival Nhiếp ảnh trẻ, nơi tập trung các tay máy làm nghề chuyên nghiệp lại rất yếu và thiếu các tác phẩm nhiếp ảnh tham dự thể loại ảnh ý tưởng. Vấn đề này tồn tại đã lâu nhưng hầu như chưa được khắc phục.

- Dù không phải là nhiều, song nhiếp ảnh Việt Nam vẫn đang có những tay máy đi vào con đường sáng tác chuyên nghiệp với lối đi riêng. Nhưng chắc hẳn phải có lý do rất cụ thể nên họ thường đứng ngoài các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước?

- Việc lựa chọn dự thi hay không là quyền cá nhân của mỗi tác giả. Có thể, các cuộc thi trong nước không hấp dẫn họ bởi rất nhiều lý do, trong đó, có một lý do mà tôi cho rằng quan trọng nhất: Họ xác định được mục đích làm nghề của mình, không chạy theo số đông, muốn tạo dựng một con đường đi riêng, không hòa lẫn với bất cứ ai.

Tôi cho rằng, nhiếp ảnh Việt Nam muốn bứt phá sẽ cần tới các cá nhân xác định được mục đích làm nghề rõ ràng, không lẫn lộn giữa "chơi" và "làm". Nếu chơi ảnh thì anh có thể chụp ảnh một cách thoải mái để thỏa mãn thị hiếu cá nhân, giống như các thú chơi khác trong đời sống. Còn nếu làm nghề lại khác, phải tiến tới tính chuyên nghiệp, bài bản và cần có tiếng nói riêng. Có như vậy, mới tránh được tình trạng nhợt nhạt của các cuộc thi nhiếp ảnh gần đây.

Nguyễn Hoàng Nam, Vui ngày hội té nước Khmer Nam Bộ, Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia
Nguyễn Hoàng Nam, Vui ngày hội té nước Khmer Nam Bộ, Huy chương Vàng cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp quốc gia "Tự hào một Dải biên cương" năm 2022.
 
Cần thay đổi mô hình tổ chức các cuộc thi, giải thưởng nhiếp ảnh

- Nhưng thưa ông, để cải thiện chất lượng các cuộc thi ảnh nói chung, mọi sự phải được bắt đầu từ ý thức chủ động muốn thay đổi từ phía nhà tổ chức. Ông có thể đề xuất một vài giải pháp?

- Không giống như mỹ thuật, có thể sử dụng hình thức giám tuyển, nhiếp ảnh quốc tế và trong nước đến nay vẫn sử dụng hình thức phát động cuộc thi để các tay máy tranh tài. Về hình thức tổ chức, tôi nghĩ không có gì sai và không cần bàn cãi.

Ở đây, chúng ta đang bàn tới tính hấp dẫn của các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước. Thiết nghĩ, cần chia các cuộc thi nhiếp ảnh thành hai loại: Cuộc thi dành cho giới làm nghề và các cuộc thi dành cho đại chúng, người yêu thích chụp ảnh với quy mô nhỏ, có tầm ảnh hưởng không lớn về chuyên môn nghề nghiệp. Nhưng cuộc thi dành cho giới làm nghề cần có quy mô toàn quốc, giữ ảnh hưởng lớn với ban tổ chức và hội đồng giám khảo ở tầm mức uy tín quốc gia.

Một điều quan trọng khác, việc thẩm định ảnh, đánh giá ảnh khác với thưởng thức ảnh đơn thuần. Việc thẩm định, đánh giá, chấm chọn ảnh lại là một hoạt động khoa học mang tính tổng thể, không phải cảm nhận riêng tư. Do vậy, công việc của hội đồng thẩm định/nghệ thuật phụ thuộc vào trình độ và khả năng "đọc" ảnh của thành viên. Để nâng cao hoạt động của hội đồng nghệ thuật tại mỗi cuộc thi, các thành viên cần coi thẩm định ảnh là hoạt động khoa học, có phản biện một cách trung thực từ góc độ chuyên môn khoa học.

- Thưa ông, nhìn từ một góc độ khác, để góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm ảnh nói chung ở nước ta, từ thực tế hoạt động nghề nghiệp lâu nay, ông có cho rằng giới nhiếp ảnh Việt Nam cũng cần tới sự hỗ trợ về cả chuyên môn lẫn tài chính - như mô hình quỹ hỗ trợ/tài trợ của các cơ quan chức năng?

- Cũng giống như các ngành văn học nghệ thuật khác, trong nhiếp ảnh, sáng tác hay hay dở là do hoạt động sáng tạo của cá nhân, do quan điểm và tầm trí tuệ của nghệ sĩ. Tất nhiên, các hội chuyên ngành sẽ là tập hợp đội ngũ sáng tạo và mang tính định hướng trong sáng tác. Tuy nhiên, yếu tố cá nhân vẫn quyết định sự thành bại của tác phẩm. Đặc biệt ở Việt Nam, tôi cho rằng, các tay máy cần trau dồi kiến thức từ sách vở, có tính tổng hợp từ các chuyên ngành nghệ thuật, không nên bó hẹp trong phạm vi của nhiếp ảnh. Các nhà nhiếp ảnh phải là những người có văn hóa, có nền tảng tri thức tốt; đó sẽ là điều kiện thuận lợi để sáng tạo trong nghệ thuật.

- Sau mỗi cuộc thi nhiếp ảnh, việc thiếu vắng "cái roi" phê bình quất vào các điểm yếu của nhiếp ảnh Việt, phải chăng, cũng đã và đang khiến cho các cuộc thi nhiếp ảnh lặp lại những điểm yếu cố hữu?

- Hoạt động lý luận phê bình nhiếp ảnh rất cần được triển khai sau mỗi cuộc thi để các bên tham gia có dịp nhìn lại cái được và chưa được trong hoạt động sáng tác. Nhưng hầu hết các cuộc thi đều bỏ qua điều này. Tôi cũng cho rằng, đây là hạn chế lớn của các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước, cần được khắc phục sớm nhất có thể.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hiện nay, Việt Nam có hai cuộc thi nhiếp ảnh quy mô quốc gia và có tính định kỳ (hai năm/kỳ), đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức: Cuộc thi và Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam, Festival Nhiếp ảnh trẻ. Hằng năm, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có chương trình Liên hoan Ảnh nghệ thuật theo tám khu vực địa lý. Bên cạnh đó, không thể thống kê con số các cuộc thi ảnh khác, do rất nhiều bộ, ngành, chính quyền và Hội Văn học nghệ thuật địa phương... tổ chức.

(Theo nhandan.vn)
 

 

 

.
.
.