.
TIẾN SĨ LÊ QUANG TRÍ, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH TIỀN GIANG

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã tạo ra nhiều điểm nhấn tích cực

Cập nhật: 09:27, 18/09/2023 (GMT+7)

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 4 triển khai chương trình và sách giáo khoa (SGK) mới theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn về quy trình chọn SGK, cũng như hiệu quả của chương trình GDPT mới. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang.

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 4, cùng với cả nước, ngành GD-ĐT triển khai thực hiện “Một chương trình, nhiều sách SGK”. Chương trình GDPT năm 2018 được áp dụng với học sinh lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2 và 6 từ năm học 2021 - 2022; năm học 2022 - 2023 là với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023 - 2024 áp dụng cho lớp 4, 8 và 11.

* PV: Tiến sĩ có thể giới thiệu quy trình chọn SGK hiện nay như thế nào để dư luận có thể nắm rõ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Quy trình chọn SGK được triển khai theo quy định của Bộ GD-ĐT, của UBND tỉnh Tiền Giang. Sau khi thực hiện quy trình giới thiệu SGK từ các nhà xuất bản, Hiệu trưởng các trường sẽ chỉ đạo và tổ chức cho các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét và lựa chọn SGK theo đúng quy định. Các tổ chuyên môn nghiên cứu, thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK của môn học các khối lớp đúng chuyên môn và theo tiêu chí lựa chọn SGK của tỉnh; tiến hành bỏ phiếu kín, lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học và báo cáo cho Hiệu trưởng danh mục SGK do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn có chữ ký của Tổ trưởng chuyên môn và các giáo viên tham gia lựa chọn.

Tiếp đó, Hiệu trưởng các trường tổ chức cuộc họp, với thành phần dự họp gồm: Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng, các Tổ trưởng chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất và lựa chọn ít nhất 1 SGK cho mỗi môn học. Các trường THPT, các đơn vị Phòng GD-ĐT (bậc tiểu học) sẽ tập hợp, báo cáo kết quả chọn SGK theo danh mục từ cao đến thấp về Sở GD-ĐT. Sở GD-ĐT tổng hợp và chuyển giao cho Hội đồng Lựa chọn SGK danh mục SGK đã được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn.

Sau đó, thành viên Hội đồng Lựa chọn SGK nghiên cứu, nhận xét, đánh giá SGK theo các tiêu chí lựa chọn và sau đó tiến hành họp Hội đồng thảo luận, đánh giá, nhận xét SGK trên cơ sở danh mục đã được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất; bỏ phiếu kín lựa chọn 1 hoặc một số SGK cho mỗi môn học, tổng hợp kết quả lựa chọn SGK và chuyển giao kết quả về Sở GD-ĐT.

Sở GD-ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn SGK của các môn học trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục, công bố rộng rãi cho công chúng. Sau đó, Sở GD-ĐT sẽ thông tin kết quả lựa chọn SGK đến các nhà xuất bản, phối hợp xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy các khối lớp.

Có thể thấy, công tác chọn SGK được thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, đảm bảo các tiêu chí: Phù hợp với việc học của học sinh; thuận lợi cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục.

* PV: Qua gần 4 năm học triển khai Chương trình GDPT năm 2018 ở Tiền Giang, Tiến sĩ có những đánh giá như thế nào?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Chương trình GDPT năm 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực học sinh thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

So với chương trình cũ, Chương trình GDPT mới phân biệt rõ 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Bên cạnh đó, nếu như trong Chương trình GDPT năm 2006 chưa có tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học thì Chương trình GDPT năm 2018 đã khắc phục những hạn chế này. Ngoài ra, Chương trình GDPT mới đã trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng và điều kiện của địa phương.

Qua gần 4 năm học triển khai thực hiện ở Tiền Giang, Chương trình GDPT năm 2018 đã tạo ra nhiều điểm nhấn tích cực, như: Phát huy năng lực cốt lõi của người học, thay đổi tư duy quản trị trường học, giáo viên chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy…

Việc triển khai chương trình SGK mới đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận từ phụ huynh, học sinh; được phát triển, tiếp cận tốt với các kỹ năng, kiến thức mới, áp dụng những việc đã học vào thực tế cuộc sống.

* PV: Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, việc sử dụng nhiều bộ SGK hiện nay gây ra tình trạng lãng phí, không tái sử dụng được. Tiến sĩ nghĩ sao về vấn đề này?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác cải cách giáo dục. Các em học sinh lớp sau có thể tiếp nối, tái sử dụng SGK không gây lãng phí. Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị 643 về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Và một trong những nội dung đáng chú ý ở Chỉ thị 643 là Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD-ĐT, các cơ sở GDPT ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền. Sau khi có chỉ thị, ngành GD-ĐT cũng đã có công văn gửi đến các Phòng GD-ĐT, các trường THPT để tuyên truyền, nhắc nhở về công tác sử dụng SGK trong các năm học.

Phong trào tặng SGK cũ và dụng cụ học tập cho thư viện trường học đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều năm học vừa qua. Theo thông tin mới nhất đầu năm học 2023 - 2024, tổng số SGK cũ được học sinh, phụ huynh trao tặng cho thư viện các trường học là 4.956 bộ và 42.707 quyển sách lẻ; trong đó cấp tiểu học, THCS được trao tặng 3.209 bộ và 41.734 quyển sách lẻ; cấp THPT được trao tặng 1.747 bộ và 973 quyển sách lẻ.

* PV: Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chương trình GDPT năm 2018, ngành GD-ĐT Tiền Giang có những giải pháp gì, thưa Tiến sĩ?

* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là GDPT với việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Tiếp tục lộ trình này, năm học 2023 - 2024, toàn ngành sẽ triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 4, 8 và 11; đồng thời, rút kinh nghiệm đối với các khối lớp đã triển khai trong các năm học vừa qua và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang tiếp tục tập trung rà soát, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp ở bậc mầm non là 53 công trình với trên 1.000 tỷ đồng; bậc tiểu học 64 công trình, trị giá hơn 1.064 tỷ đồng; THCS 48 công trình với 1.007 tỷ đồng; bậc THPT 20 công trình, trị giá 441 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT sẽ tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo, trong đó ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho các môn học mới trong Chương trình GDPT năm 2018.

Theo đó, ngành GD-ĐT sẽ tiếp tục tuyển dụng giáo viên hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng. Cùng với đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện một cách có hiệu quả Đề án 1374 về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

ĐỖ PHI (thực hiện)

 

.
.
.