.

Đang sửa đổi nhiều quy định để nâng cao hiệu lực quản lý về an toàn giao thông

Cập nhật: 16:27, 14/10/2023 (GMT+7)

Mặc dù đã có nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông nhưng những vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra. Làm thế nào để các giải pháp thực sự phát huy hiệu quả? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, xung quanh vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Theo ông, đâu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải thời gian qua?

* Ông KHUẤT VIỆT HÙNG: Tôi cho rằng, nguyên nhân trực tiếp là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn thì cần phải xem xét đến môi trường thực thi pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Văn hóa giao thông an toàn chưa thực sự được hoàn thiện trong một bộ phận doanh nghiệp vận tải, thậm chí cả một bộ phận người làm quản lý, thực thi công vụ. Trong đó, đơn vị kinh doanh và người điều khiển phương tiện chưa có văn hóa tuân thủ pháp luật, xuất phát từ thực tế vi phạm nhiều nhưng không bị xử lý hoặc không xử lý nghiêm.

Còn đối với các cơ quan quản lý, mặc dù quy định phải có phần mềm quản lý nhưng trên thực tế cũng chưa làm được. Ví dụ, hệ thống giám sát hành trình với mục tiêu giám sát tốc độ, lịch trình, thời gian làm việc của lái xe được khởi động từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động toàn diện, đầy đủ chức năng. Tương tự, hệ thống camera giám sát trên xe, theo kế hoạch tháng 10-2022 phải đưa vào khai thác nhưng đến nay chưa kịp thực hiện. Trong khi đó, việc tuần tra kiểm soát để xử lý vi phạm khó có thể bao quát hết được.

Ông Khuất Việt Hùng (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại hiện trường vụ tai nạn giao thông do xe Thành Bưởi gây ra làm 4 người chết trên quốc lộ 20 ngày 30-9. Ảnh: HOÀNG BẮC
Ông Khuất Việt Hùng (ngoài cùng bên phải), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại hiện trường vụ tai nạn giao thông do xe Thành Bưởi gây ra làm 4 người chết trên quốc lộ 20 ngày 30-9. Ảnh: HOÀNG BẮC

* Đã nhìn rõ nguyên nhân như vậy, tại sao các cơ quan quản lý nhà nước lại không khắc phục được triệt để?

* Những kẽ hở trong những quy định pháp luật là khó tránh khỏi trong quá trình xã hội vận động, phát triển. Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hiện nay có hiệu lực quản lý “hơi yếu” so với Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Đơn cử, ở Nghị định 10/2020/NĐ-CP có quy định vi phạm tốc độ thì thu hồi phù hiệu nhưng không nói thu hồi bao lâu. Bộ GTVT đã nhận ra lỗ hổng này và đang sớm khắc phục bằng việc sửa đổi các quy định liên quan.

Hiện, Cục Đường bộ Việt Nam đang dự thảo sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP và các thông tư liên quan đến kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Một trong những điểm mới là đề nghị siết chặt hoạt động các xe hợp đồng theo hướng quy định tỷ lệ, phạm vi trùng lặp điểm xuất phát, điểm kết thúc tính theo địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố. Cùng với đó là các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn với các hành vi vi phạm.

- Bên cạnh các quy định cần được sửa đổi, các giải pháp về công nghệ đã có nhưng chưa phát huy hiệu quả thì cần được khắc phục ra sao, thưa ông?

* Cái khó là, hiện nay, những quy định và hướng dẫn về kinh phí đầu tư, duy trì các hệ thống công nghệ thông tin từ ngân sách nhà nước còn nhiều điểm bất cập. Cục Đường bộ Việt Nam đã lúng túng trong nhiều năm về nguồn kinh phí để duy trì hệ thống dữ liệu giám sát hành trình.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương xây dựng một đề án toàn diện về chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ. Theo đó, các tuyến đường bộ ngoài việc được xây dựng thì còn cần bảo trì, bảo dưỡng, tổ chức giao thông hợp lý và phải chuyển đổi số để tạo ra một môi trường hạ tầng an toàn. Đồng thời, phần mềm quản lý dữ liệu cần được nâng cấp, tích hợp dữ liệu camera, dữ liệu giám sát hành trình để hình thành hệ thống quản lý kinh doanh vận tải thống nhất. Ngoài ra, các văn bản quy định pháp luật sẽ được sửa đổi, ban hành để dữ liệu được khai thác hiệu quả, phục vụ công tác quản lý.

- Có ý kiến cho rằng bên cạnh những lỗ hổng về quy định pháp luật, vẫn còn có những lỗ hổng trong quá trình thực thi. Vậy, việc kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm cần được thực hiện như thế nào?

* Đúng là năng lực tổ chức thực hiện còn nhiều vấn đề, do đó việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng là cần thiết. Và thực tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, đợt cao điểm về đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà Bộ Công an vừa thực hiện đã kéo giảm 31% số vụ tai nạn liên quan đến xe khách, giảm 40% số vụ tai nạn liên quan xe container. Đợt cao điểm tập trung xử lý nồng độ cồn cũng giúp giảm sâu các vụ tai nạn liên quan rượu, bia. Ghi nhận tại các khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, số vụ cấp cứu do tai nạn giao thông giảm 30%-40%.

- Các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều sai phạm kéo dài của nhà xe Thành Bưởi. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong vấn đề này như thế nào?

* Từ vụ tai nạn vừa rồi, chúng ta đã thấy những hạn chế của quy định pháp luật. Tuy nhiên, chúng ra cần chờ cơ quan chức năng điều tra và có kết luận chính thức, xác định rõ sai phạm của các bên liên quan. Vụ việc của nhà xe Thành Bưởi chỉ là một vụ việc điển hình, tôi cho rằng còn có những vụ việc tương tự ở một số doanh nghiệp, địa phương, cần được các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.