.
GIÁM ĐỐC NHNN CHI NHÁNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ ĐẬM:

Mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh

Cập nhật: 21:37, 27/10/2023 (GMT+7)

(ABO) Đánh giá về diễn biến lãi suất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian qua, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, phân tích:

a
Đồng chí Nguyễn Thị Đậm.

Từ đầu năm 2023 đến nay, qua 4 lần liên tục giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam với mức giảm từ 0,5% - 2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, đến nay mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã ổn định, giảm khá mạnh so với thời điểm tăng nóng vào cuối năm 2022. So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi có chi nhánh ngân hàng thương mại giảm đến 5,5% với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng.

* Phóng viên: Cụ thể, lãi suất huy động diễn biến như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Về lãi suất huy động, đến cuối tháng 9-2023, lãi suất huy động tại hầu hết các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Tiền Giang đều đã giảm mạnh, từ 7%/năm trở xuống đối với tất cả các kỳ hạn. Không chỉ lãi suất kỳ hạn ngắn mà lãi suất kỳ hạn dài cũng được nhiều chi nhánh điều chỉnh giảm mạnh, lãi suất huy động phổ biến từ mức trên 4% - 5%/năm, lãi suất huy động thấp nhất là 2,9%/năm đối với tiền gửi tại quầy kỳ hạn 1 tháng, cao nhất ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng.

Đến nay, tất cả các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn giảm lãi suất huy động, trong đó khối các ngân hàng thương mại nhà nước và có vốn nhà nước chi phối tiếp tục dẫn đầu là nhóm ngân hàng thường xuyên có lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Việc giảm lãi suất huy động là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn giá rẻ để cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước.

Đến cuối tháng 9-2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt 93.979 tỷ đồng, đạt 99,18% kế hoạch, tăng trưởng 7,11% so với cuối năm 2022, trong đó huy động vốn từ khu vực dân cư là chủ yếu chiếm 84,73% tổng nguồn vốn huy động ngành Ngân hàng tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên: Như vậy, lãi suất cho vay cũng giảm mạnh?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, giảm dần qua các tháng từ đầu năm đến nay. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay VND trên địa bàn tỉnh đã giảm bình quân khoảng 1,5% - 2,0%/năm so với cuối năm 2022, phổ biến ở mức trên 4% - 9%/năm đối với ngắn hạn; trên 11% - 13%/năm đối với trung, dài hạn.

Giao dịch tại Agribank chi nhánh Tiền Giang.
Giao dịch tại Agribank chi nhánh Tiền Giang.

Dự kiến lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN. Từ đầu năm chỉ kỳ vọng giảm 1,5% nhưng đến nay mới tháng 10 đã giảm mức 1,5% - 2% từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.

Về hoạt động tín dụng, NHNN chi nhánh Tiền Giang liên tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời, ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ không bị chuyển nhóm nợ và tiếp tục được các tổ chức tín dụng xem xét cho vay mới nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Đến cuối tháng 9-2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt 92.993 tỷ đồng với 243.102 khách hàng còn dư nợ, tăng 8,09% so với cuối năm 2022, đạt 94,82% kế hoạch, đáp ứng nhu cầu vốn cho hơn 1 triệu lượt khách hàng vay vốn từ đầu năm.

* Phóng viên: Riêng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản diễn biến như thế nào?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Đối với lĩnh vực bất động sản, dư nợ đạt 6.985,30 tỷ đồng (chiếm 7,51% tổng dư nợ toàn tỉnh, trong đó trung dài hạn chiếm 99,24%), giảm 17,2% so với cuối năm 2022; trong đó 46% dư nợ tập trung cho vay nhà ở không thuộc nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại và 30% dư nợ tập trung cho vay mục đích “Mua, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất để xây dựng nhà, công trình xây dựng để ở hoặc để tự sử dụng”.

Bên cạnh đó, liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, vào ngày 1-4-2023, NHNN Việt Nam đã triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 (gọi tắt là Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 1,5% - 2%/năm; đối tượng cho vay là chủ đầu tư đầu tư dự án và người mua nhà ở tại dự án; lãi suất cho vay áp dụng đối với chủ đầu tư hiện là 8,2%/năm, đối với người mua nhà là 7,7%/năm; chương trình triển khai đến hết 31-12-2030.

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 6 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước và có vốn nhà nước chi phối đã được Hội sở triển khai hướng dẫn và sẵn sàng nguồn vốn cho vay. NHNN chi nhánh Tiền Giang cũng thường xuyên trao đổi bằng văn bản, họp với Sở Xây dựng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp cận, giới thiệu quy trình thủ tục đến chủ đầu tư để chương trình đạt kết quả trên địa bàn, tuy nhiên tỉnh Tiền Giang hiện có Dự án Nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Tân Hương nhưng do chủ đầu tư đang trong quá trình điều chỉnh hồ sơ pháp lý, sau đó trình UBND tỉnh công bố chính thức nên các ngân hàng thương mại chưa có cơ sở để cho vay.

Trong thời gian tới, NHNN chi nhánh Tiền Giang sẽ điều hành các tổ chức tín dụng; trong đó có điều hành tín dụng, lãi suất trên cơ sở bám sát các chỉ đạo, điều hành của NHNN Việt Nam, đảm bảo lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn góp phần tăng cường đầu tư xã hội, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.