.

Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Lấy phòng ngừa là chính

Cập nhật: 23:03, 04/12/2023 (GMT+7)

(ABO) Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an Tiền Giang xoay quanh vấn đề trên.

Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Tiền Giang
Thượng tá Nguyễn Văn Nam.

* PV: Thưa Thượng tá, đâu là những vấn đề cần quan tâm hiện nay đối với công tác PCCC?

* Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Điều cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân để tự giác phòng ngừa và tích cực tham gia các hoạt động PCCC; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra; chấn chỉnh việc chấp hành quy định an toàn PCCC ở các đơn vị, cơ sở.

Đồng thời, rà soát, củng cố, hướng dẫn, trang bị phương tiện PCCC và duy trì hoạt động các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở và đội PCCC chuyên ngành; phát động sâu rộng phong trào Toàn dân tham gia PCCC, tạo điều kiện về chế độ, chính sách hỗ trợ quần chúng tham gia các hoạt động PCCC.

Ngoài ra, đơn vị chú trọng công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; củng cố, đề xuất bố trí đất xây dựng cơ sở vật chất, trang bị bổ sung các dụng cụ, phương tiện chữa cháy và CNCH để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ kịp thời và có hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC cho người dân, hộ gia đình.

* PV: Thượng tá có những lưu ý gì trong việc phòng ngừa cháy, nổ?

* Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC. Trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra.

Ngoài ra, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời, mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC
Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC.

* PV: Giải pháp nào để tổ chức, đơn vị phòng ngừa cháy, nổ hiệu quả trong giai đoạn hiện nay?

* Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động xử lý có hiệu quả sự cố cháy, nổ xảy ra.

Các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các xã có rừng phải lấy phòng ngừa là chính, tăng cường công tác tự kiểm tra về PCCC, có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót về PCCC như việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, lắp đặt và sử dụng điện; bố trí, sắp xếp hàng hóa, bố trí lối thoát nạn... Cùng với đó là kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện chữa cháy hiện có, kịp thời sửa chữa, bổ sung để đảm bảo chữa cháy ban đầu có hiệu quả.

Đồng thời, các địa phương cần củng cố, nâng chất hoạt động của đội dân phòng, PCCC cơ sở; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở; tiến hành xây dựng và thực tập phương án chữa cháy tại chỗ, chủ động phòng ngừa cháy, nổ xảy ra.

Song song đó là tăng cường tuần tra, bảo vệ, bố trí lực lượng trực đảm bảo số người cần thiết để phát hiện cháy và chữa cháy kịp thời khi đám cháy mới phát sinh ngay từ ban đầu. Đặc biệt, khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn, phải báo ngay cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an Tiền Giang theo số điện thoại 114 hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất.

Tập huấn kỹ năng chữa cháy cho người dân.
Tập huấn kỹ năng chữa cháy cho người dân.

* PV: Mỗi người dân và gia đình cần trang bị những kiến thức, kỹ năngthiết bị gì để chữa cháy cũng như những kỹ năng thoát hiểm cơ bản nào để ứng phó với sự cố cháy, nổ?

* Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Những kiến thức phòng cháy cơ bản là: Khi ra khỏi phòng làm việc hoặc không có người ở nhà phải rút hết các phích cắm của các thiết bị điện ra khỏi ổ cắm điện.

Không sử dụng một ổ cắm điện dùng chung nhiều thiết bị cùng lúc. Nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng dập lửa khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Khi hàn, cắt, gia công các kim loại khung sắt trong nhà, kho… có chứa những chất dễ cháy, phải được che chắn hoặc di dời đến nơi an toàn, sau đó mới được tiến hành hàn, cắt. Không sang chiết gas trái phép bằng những phương pháp thủ công và sử dụng những bình gas cũ kỹ, rỉ sét, không đảm bảo an toàn để chứa gas.

Đặc biệt, không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép các chất, hàng có nguy hiểm về cháy, nổ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền về PCCC cấp giấy phép.

Đồng thời, mỗi hộ gia đình cần trang bị cho mình tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay và các dụng cụ phá dỡ thô sơ, thoát hiểm như búa, xà beng, kìm cộng lực, mặt nạ phòng độc, thang dây. Trong trường hợp xảy ra cháy, nổ, nếu biết những kỹ năng thoát hiểm cơ bản và thực hiện đúng cách, bạn có thể bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.

* PV: Khi gặp cháy, nổ, chúng ta cần phải làm gì, thưa Thượng tá?

* Thượng tá Nguyễn Văn Nam: Điều quan trọng nhất là nhanh chóng thoát khỏi đám cháy. Tuyệt đối KHÔNG cố tìm hiểu nguyên nhân cháy hay cố mang theo vật nuôi hoặc những đồ có giá trị. KHÔNG sử dụng thang máy khi xảy ra cháy, nổ.

Dùng một số đồ bằng vải như chăn, màn, quần áo… LÀM ƯỚT bằng nước và bịt miệng, mũi, khoác lên người và cố gắng thoát khỏi đám cháy một cách nhanh nhất. Tránh để cho lửa bén vào trang phục.

Trong quá trình di chuyển, nên men theo tường, không được đi thẳng mà hãy đi khom để hạn chế tối đa việc hít phải khói độc từ đám cháy.

Khi di chuyển đến cửa, cần kiểm tra nhiệt độ trước khi mở cửa để phòng tránh nguy cơ bị bỏng tay. Khi đã thoát ra ngoài cửa sổ hoặc hành lang, cần vẫy tay, la hét để ra dấu hiệu với nhân viên cứu hộ; bạn có thể dùng đèn pin làm tín hiệu.

Nếu lối thoát hiểm bị tắc hoặc không an toàn, người gặp nạn có thể chạy ra ban công, cửa sổ, dùng đồ bằng vải nối lại để làm thang dây và leo xuống đất. Lưu ý, không nên nhảy từ lầu cao xuống khi chưa có sự hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

* PV: Xin cảm ơn Thượng tá!

TUẤN LÂM (thực hiện)

.
.
.