Phòng chống dịch sốt xuất huyết: Vaccine chưa thể là giải pháp thay thế
Vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam vào ngày 15-5. Đây là vaccine phòng SXH đầu tiên tại nước ta, được xem là “vũ khí” mới trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ThS-BS Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TPHCM, xung quanh vấn đề này.
ThS-BS Lương Chấn Quang. |
* PHÓNG VIÊN: Xin ông chia sẻ cảm nhận và thông tin rõ hơn về loại vaccine phòng dịch bệnh SXH vừa được cấp phép tại nước ta?
- ThS-BS LƯƠNG CHẤN QUANG: Vaccine Qdenga được cấp phép lưu hành trong nước từ ngày 15-5, có ý nghĩa rất quan trọng khi người dân đã có cơ hội tiếp cận vaccine phòng một loại bệnh nguy hiểm cùng với thế giới. Đồng thời, chúng ta có thêm một giải pháp hiệu quả hỗ trợ phòng chống dịch SXH. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiệu quả của vaccine trong việc phòng bệnh SXH do bất kỳ tuýp huyết thanh nào là 80% (1 năm sau tiêm), giảm dần theo thời gian xuống còn 61% (sau 57 tháng sau khi tiêm). Hiệu quả trong việc phòng ngừa nhập viện ở mức 90% (18 tháng sau tiêm) và vẫn duy trì ở mức cao là 84% sau 57 tháng sau tiêm.
* Liệu có thể tạo ra một bước ngoặt trong công tác phòng chống dịch SXH tại Việt Nam không, thưa ông?
- Khi có vaccine nghĩa là thêm một công cụ can thiệp hiệu quả, nhanh nhất để giúp các cấp chính quyền và ngành y tế khống chế dịch, không để dịch bùng phát. Tuy nhiên, vaccine mới bắt đầu được lưu hành, tỷ lệ bao phủ không được rộng khắp như mong đợi. Trong khi điều kiện tự nhiên ở nước ta lại rất thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Do vậy, ở thời điểm này, vaccine Qdenga chỉ có thể được xem là một giải pháp bổ sung cho việc kiểm soát bệnh SXH, chưa thể là giải pháp thay thế.
Bên cạnh đó, WHO khuyến cáo các quốc gia khi áp dụng vaccine phòng SXH vẫn phải tích hợp với biện pháp kiểm soát véc-tơ hiện tại, nhằm tối ưu hóa hiệu quả của vaccine. Các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan dù đã cấp phép sử dụng vaccine nhưng cũng đồng thời áp dụng giải pháp toàn diện, tổng hợp trong phòng chống dịch bệnh này. Nói cách khác, chúng ta vẫn phải duy trì diệt lăng quăng và muỗi. Xin nhấn mạnh rằng, để kiểm soát được tình hình dịch bệnh SXH đòi hỏi cần một chiến lược tích hợp, triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ dựa vào một mình vaccine. Mỗi giải pháp đều có vai trò quan trọng và đóng góp vào công tác phòng chống dịch.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị cho một bé trai mắc sốt xuất huyết. |
* Suốt nhiều năm qua, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống SXH tại Việt Nam là gì, đặc biệt là ở phía Nam, thưa ông?
- Hầu hết các trạm y tế chỉ có 1 cán bộ chuyên trách phụ trách hoạt động phòng chống SXH và cũng kiêm luôn các chương trình phòng bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, quá tải công việc thường xuyên xảy ra, đặc biệt vào mùa mưa, khi số ca mắc SXH tăng cao. Một khó khăn nữa là thiếu sự chia sẻ của cộng đồng và xã hội đối với công tác phòng dịch. Đã 25 năm kể từ khi hoạt động phòng chống SXH được đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia, ngành y tế liên tục kiên trì, không mệt mỏi với sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn những “khoảng lặng” khi người dân, ban ngành, đoàn thể còn mang tâm lý việc kiểm soát véc-tơ truyền bệnh SXH là chuyện của ngành y tế. Trong khi thực tế, ổ lăng quăng xuất phát từ chính nơi người dân sinh sống, làm việc và học tập. Thất bại hay thành công trong công tác phòng chống dịch SXH rất cần sự chung tay của cộng đồng và mỗi người dân.
(Theo sggp.org.vn)